1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Vênh nhau" cách ghi tên một số dân tộc

Thế Kha

(Dân trí) - Một số địa phương phản ánh, danh mục các thành phần dân tộc hiện nay có nội dung không thống nhất: Có bản ghi là Mông, có nơi lại ghi là Hmông; dân tộc Phù Lá lại có tên gọi khác là Xá Phố, Xá, Phó.

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai Lê Ngọc Quỳnh mới đây phản ánh, phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an không thống nhất tên thành phần một số dân tộc như Hmông, Xa Phó, Tu Dí… Điều này đã gây ảnh hưởng đến việc đăng ký các sự kiện hộ tịch của người dân.

Vì thế, lãnh đạo Sở Tư pháp Lào Cai đề nghị Bộ Công an và Bộ Tư pháp thống nhất tên thành phần một số dân tộc trên phần mềm để địa phương thực hiện thống nhất.

Vênh nhau cách ghi tên một số dân tộc - 1

Trụ sở Bộ Tư pháp (Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Tư pháp).

Trả lời việc này, Bộ Tư pháp cho biết, việc xác định thành phần dân tộc được Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện theo Quyết định số 121-TCTK/PPCĐ ngày 2/3/1979 của Tổng cục Thống kê.

Bộ Tư pháp đã nhận được phản ánh của một số cơ quan đăng ký hộ tịch địa phương về Danh mục các thành phần dân tộc (ban hành kèm theo Quyết định số 121) được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Chính phủ, Ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê có nội dung không thống nhất.

Ví dụ, dân tộc Hmông có bản ghi là Mông, nhưng có bản lại ghi là Hmông. Dân tộc Phù Lá có bản ghi tên gọi khác là Xá Phố, Xá, Phó…

Bộ Tư pháp được Tổng cục Thống kê cung cấp bản sao danh mục các thành phần dân tộc kèm theo Quyết định số 121 nhưng do thời gian đã lâu, nội dung văn bản bị mờ, không thể đọc được hết các thông tin.

Để đảm bảo thống nhất, ghi chính xác thành phần dân tộc, Bộ Tư pháp đã có công văn đề nghị Ủy ban Dân tộc cung cấp đầy đủ, chính xác các thành phần dân tộc theo Quyết định số 121/TCTK/PPCĐ.

"Bộ Tư pháp sẽ chỉ đạo Cục Công nghệ thông tin, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) rà soát, thống nhất tên thành phần dân tộc giữa Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư", Bộ này cho hay.

Tình trạng chậm lỗi của phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung

UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị Bộ Công an và Bộ Tư pháp đẩy nhanh tiến độ kết nối dữ liệu, cấp số định danh nhanh chóng, đáp ứng thời hạn giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Ghi nhận ý kiến phản ánh, Bộ Tư pháp thông tin, đang thực hiện Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch theo kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhằm nâng cấp hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch hiện nay và Dự án đầu tư hạ tầng trung tâm dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp nhằm bổ sung hạ tầng.

"Khi các dự án này thực hiện xong sẽ khắc phục được những khó khăn, vướng mắc của địa phương về tình trạng chậm lỗi của phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung", Bộ Tư pháp hứa.