1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Vedan trốn 91 tỷ đồng phí bảo vệ môi trường

(Dân trí) - Chiều 19/9, công ty Vedan đã chính thức ký vào biên bản ghi nhận 10 hành vi sai phạm, theo đó số phí bảo vệ môi trường phải nộp là 91 tỷ đồng. Bộ TN-MT cho biết, dự kiến đầu tuần tới sẽ có quyết định tạm đình chỉ hoạt động của công ty Vedan.

Dập tắt những bao biện của công ty Vedan

Sau khi báo chí đưa tin về việc công ty Vedan đã cố tình xả nước thải không qua xử lý xuống sông Thị Vải suốt nhiều năm qua, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, cùng với yêu cầu của Bộ TN-MT, ngày 17/9/2008, ông Chen Ping Huei, phó tổng giám đốc của công ty đã gửi công văn số 1255/08/CV-VDN báo cáo về tình hình xả nước thải vào nguồn nước.

Theo công văn trên, công ty khẳng định rằng: Lượng nước thải công nghiệp phát sinh tại các nhà máy trong toàn công ty với lưu lượng 5.159 m3/ngày đã được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Lượng nước thải sinh hoạt phát sinh tại công ty ước tính khoảng 270m3/ngày được xử lý bằng hệ thống tự hoại 2 ngăn, sau đó tiếp tục đưa vào hệ thống hồ sinh học xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Không những vậy, từ năm 1993 đến nay, công ty đã đầu tư 3 hệ thống xử lý nước thải trị giá 3,5 triệu USD; đã nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải với số tiền khoảng 1,1 tỷ đồng...

Nếu như chỉ đọc mỗi báo cáo này thì người ta có hiểu rằng dường như các cơ quan chức năng đang cố tình gây khó dễ cho công ty Vedan. Tuy nhiên, song song với thời điểm công ty Vedan có báo cáo gửi Bộ TN-MT, đoàn kiểm tra vẫn đang tiếp tục làm rõ các vấn đề. Và đến chiều ngày 19/9, lãnh đạo công ty Vedan Việt Nam đã ký vào biên bản vi phạm hành chính và kết quả giám định của đoàn thanh tra, chính thức thừa nhận 10 sai phạm của mình.

Đoàn kiểm tra liên ngành cũng công bố số tiền phí bảo vệ môi trường mà công ty Vedan Việt Nam sẽ phải nộp theo quy định của pháp luật từ năm 2004 đến nay là ước tính khoảng 91 tỷ đồng. Con số này vượt xa với khoản tiền mà công ty cho rằng đã bỏ ra để đầu tư và nộp cho Việt Nam.

Không những vậy, kết quả phân tích của ngành chức năng cũng cho thấy, tại bể chứa chất thải, nhiều thông số vượt tiêu chuẩn cho phép từ hàng trăm đến hàng nghìn lần.

Nhiều vi phạm của công ty Vedan Việt Nam đã rơi vào khung hình phạt cao nhất về xử phạt hành chính, tạm đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động buộc phải di dời khỏi khu dân cư.

Hoàn thiện hồ sơ khởi tố

Đại tá Lương Minh Thảo, Phó cục trưởng cục cảnh sát môi trường cho biết: Trước sự việc nghiêm trọng làm ảnh hưởng tới môi trường của công ty Vedan, Cục đã nhận được sự chỉ đạo rất chặt chẽ của lãnh đạo cấp trên về việc cần nghiên cứu, điều tra, thu thập tài liệu đầy đủ làm căn cứ để khởi tố hình sự. Về phía bộ TN-MT, được biết, bộ sẽ chuyển cho các cơ quan điều tra để hoàn thiện hồ sơ khởi tố.

Theo quy định, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai có chức năng cấm hoạt động, buộc công ty di dời khỏi khu dân cư. Ông Lê Văn Hợp - đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, dự kiến trong đầu tuần tới sẽ có văn bản tạm đình chỉ hoạt động của công ty.

Trước những bằng chứng không thể phủ nhận, đại diện công ty Vedan cũng đã có lời xin lỗi những hành vi mà mình đã gây ra cho môi trường. Tuy nhiên, sự xin lỗi này có thực sự làm yên lòng người dân không thì không ai dám chắc. Bởi suốt nhiều năm qua, công ty này đã cố tình để xảy ra những sai phạm kéo dài, có tổ chức và thủ đoạn tinh vi. Công luận đang chờ quyết định của ngành chức năng nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật đối với công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

“Chậm nhất tháng 10 sẽ khắc phục vấn đề”

 

Vedan trốn 91 tỷ đồng phí bảo vệ môi trường - 1
 Chiều tối ngày 19/9, sau một ngày làm việc với đoàn thanh tra, ông K.H.Yang (ảnh bên) - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Vedan Việt Nam đã xuất hiện tiếp báo chí. Trong suốt buổi họp, không dưới 10 lần ông Yang nhắc đi nhắc lại lời xin lỗi người dân Việt Nam.

 

Tuy vậy, ông Yang cũng đưa ra những lý lẽ biện minh: “Khi đoàn thanh tra phát hiện nhiều sai trái của Vedan, chúng tôi mới hiểu tình trạng của công ty thế nào” (?!). “Sông Thị Vải ô nhiễm như hiện nay không chỉ do mỗi mình Vedan, vì Vedan bị phát hiện nên mới được đem ra làm… hình mẫu cho công tác xử lý ô nhiễm môi trường của Việt Nam. Do vậy, nếu có bồi thường chi phí cải tạo nước sông Thị Vải thì không thể bắt mình công ty Vedan chịu”.

 

Đại diện công ty Vedan cho rằng hành động vi phạm này do Vedan không am hiểu hết pháp luật Việt Nam. Ở Đài Loan thì có phương hướng được phép thải trực tiếp ra biển, còn ở Việt Nam thì không.

 

Ông Yang cũng khẳng định sẽ chịu bất cứ hình phạt nào từ phía Việt Nam đưa ra và chậm nhất trong tháng 10, công ty sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để khắc phục vấn đề này. 

Nhóm PV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm