Thanh Hóa:

Về quê hương 8 liệt sĩ hy sinh trong hang Tám Cô

(Dân trí) - Dưới bom đạn khốc liệt, 8 người con của mảnh đất Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã cùng nằm lại trong hang đá trên cung đường 20 Quyết Thắng. Ngày ra đi với bao lời hẹn ước, để giờ đây, hơn 40 năm qua, những người thân của các liệt sĩ vẫn mỏi mắt đợi chờ.

“Ra đi từ thuở đôi mươi - Trở về nắm đất sụt sùi khói hương”

Chúng tôi trở về mảnh đất Hoằng Hóa – nơi 8 liệt sĩ đã hy sinh tại hang Tám Cô (Bố Trạch- Quảng Bình) khi tham gia mở con đường huyết mạch nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. 8 TNXP thuộc quân số của Đại đội 217, Ban Xây dựng 67, Đoàn 559 bao gồm: Trần Thị Tơ (SN 1954), Lê Thị Mai (SN 1952), Đỗ Thị Loan (SN 1952), Lê Thị Lương (SN 1953), Nguyễn Văn Huệ (SN 1952), Nguyễn Văn Phương (SN 1954), Nguyễn Mậu Kỹ (SN 1947) và Hoàng Văn Vụ (SN 1953).

img-0819-ebcfd
Mẹ Ngoạn ôm tấm bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Lương

Về quê hương của 8 liệt sĩ, chỉ còn duy nhất một mẹ của liệt sĩ Lê Thị Lương là còn sống. Cụ là Lê Thị Ngoạn, năm nay đã gần 90 tuổi (trú tại xã Hoằng Thịnh). Dù biết con đã hy sinh vì Tổ quốc nhưng hơn 40 năm qua, chưa bao giờ cụ thôi ngóng trông con gái. Ngày nghe tin con hy sinh, cụ khóc đến độ một mắt lòa đi.

Trên khuôn mặt khắc khổ dày đặc nếp nhăn, mẹ Ngoạn đưa tay quyệt dòng nước mắt đục ngầu đang chảy ra từ khóe mắt trũng sâu rồi kể về liệt sĩ Lương. Gần 90 tuổi, mẹ vẫn nhớ như in ký ức về người con gái đã hy sinh- ký ức ấy với mẹ dường như chỉ mới đây thôi.

“Lương là con gái thứ 2, mới tròn 16 tuổi, Lương vừa thi tuyển vào trường cấp III. Đang chờ kết quả thì có đợt tình nguyện đi TNXP, thế là Lương ghi tên đi luôn. Tôi khuyên con để vài năm nữa cả đi vì giờ tuổi còn ít nhưng nó nhất định không nghe. Nó bảo khi Tổ quốc cần thì phải ra trận, mẹ đừng cản con, con đi rồi con sẽ trở về. Nói thế rồi buổi chiều hôm đó nó đi thật. Sợ tôi không cho đi nên lẳng lặng đi mà không báo gì. Đến tối không thấy con đâu đi tìm thì mới biết con đã theo thanh niên tập trung lên ga tàu. Tôi đi bộ mười mấy cây số lên tìm được con. Hai mẹ con trò chuyện được một lúc thì con lên tàu. Nó hứa sẽ về mà rồi có về nữa đâu…” – Kể đến đó, mẹ Ngoạn xúc động hướng đôi mắt xa xăm về cuối làng.

Rồi mẹ bảo đi được một thời gian, Lương đã gửi thư về, báo là đã vào làm nhiệm vụ tại Quảng Bình. Thời gian sau đó, Lương liên tiếp viết thư về, nói rằng nhớ bố mẹ và anh chị em trong nhà lắm, nên lúc nào rảnh rỗi là ngồi viết thư về. Lá thư cuối cùng, mẹ còn nhớ Lương viết: “Nỗi nhớ bố mẹ ngày càng đầy lên trong tâm trí con. Lúc này con chỉ ước mình có đôi cánh, như con chim ấy, để được bay về thăm mẹ”.  

“Mẹ không ngờ lá thư ấy lại là lá thư cuối cùng của Lương, lá thư đến muộn, khi mẹ cầm trên tay lá thư cuối này thì Lương đã hy sinh được mấy ngày rồi. Nghe họ kể Lương ở trong hang đến ngày thứ 9 mới đi vì nghe giọng Lương gọi mẹ trước khi tắt hẳn” – Mẹ Ngoạn ngậm ngùi trong lời kể.

Mẹ bảo ngày đó Lương không có bức ảnh nào, báu vật mà mẹ gìn giữ của chị chỉ là những lá thư. Nhưng rồi, những lá thư ấy cũng không ở lại bên mẹ. Nhà nghèo không có tủ bàn để cất, mẹ giắt vào những tấm phên nứa, trong lúc người trong nhà sơ ý để tàn lửa bay vào đã bị cháy hết. Bởi thế với mẹ những gì thuộc về người con gái ấy chỉ là những hoài niệm trong ký ức.

img-0795-9d18d
Ông Mật và chị Thanh ngậm ngùi ngậm ngùi nhớ về liệt sĩ Kỹ

Cách xã Hoằng Thịnh, quê hương của liệt sĩ Lương không bao xa là xã Hoằng Đạt, làng quê nằm ven sông Cái- nơi chôn nhau cắt rốn của liệt sĩ Nguyễn Mậu Kỹ. Năm 1970, anh lên đường đi TNXP ở tuổi 23 sau khi đã cưới cô thôn nữ Nguyễn Thị Chờ và sinh được một cô con gái. Ngày anh lên đường, con gái anh chỉ mới 5 tháng tuổi. Lời hẹn ước “anh đi rồi sẽ về” của người chồng, người cha đã không thành hiện thực.

Thân sinh của liệt sĩ Kỹ đã mất chừng 10 năm trước, còn người em ruột, Nguyễn Mậu Mật, trông nom nhà cửa và thờ phụng khói hương. Ông Mật kể: “Ngày anh tôi lên đường, cháu Thanh còn nhỏ. Hai năm sau ngày anh đi thì gia đình nhận được tin báo tử, chị Chờ khóc hết nước mắt. Mấy năm sau đó, thương con dâu còn trẻ, bố mẹ tôi động viên để chị đi bước nữa. Khi con gái Nguyễn Thị Thanh tròn 7 tuổi, chị Chờ tái giá. Thanh sống cùng ông bà từ đó”.

Dường như với chị Thanh- cô con gái của liệt sĩ Kỹ, ký ức về cha chỉ là mơ hồ qua lời kể của bà của mẹ. Vì không có một tấm ảnh nào về cha mình nên chị không thể hình dung ra khuôn mặt của cha, chị bảo nghe mọi người nói thì khuôn mặt tôi rất giống bố.

Chị kể: “Ngày bé, nhiều đêm không ngủ được, cứ hỏi cha đi đâu, đòi phải thấy mặt cha, bà nội kể cha hy sinh trong một hang đá, bà kể nhiều đêm liền, đêm nối đêm, vì vậy mà in sâu hình ảnh cha là một người anh hùng trong chiến đấu chứ không tường được mặt cha”.

8 liệt sĩ, 8 câu chuyện, 8 dòng hồi ức của người thân. Câu chuyện nào cũng xúc động, không hẹn mà gặp, những người con đất Hoằng Hóa đã nằm lại chung trong một nấm mộ đá.

Tâm nguyện của người còn sống

Những liệt sĩ ra đi vì Tổ quốc, ai cũng xót thương, cũng ngậm ngùi nhưng vượt lên trên tất cả, họ biết con em mình đã hy sinh vẻ vang và đáng tự hào. Mẹ Ngoạn dù đau xót vẫn bảo “con ra đi vì Tổ quốc, mẹ không oán trách điều gì”.

Chỉ có một điều mà trong tâm của những người thân các liệt sĩ vẫn mãi trăn trở đó là mong muốn làm rõ hài cốt của con em mình.

 

img-0813-d4910
Hơn 40 năm qua, mẹ Ngoạn chưa bao giờ nguôi nhớ con gái

“Mẹ sống bằng này tuổi rồi, cũng đã vào được nơi con gái nằm lại thắp cho con nén hương là đã mãn nguyện, nhưng có một điều mẹ vẫn còn đau đáu trong lòng đó là năm 1996, họ khai quật hang, tìm thấy hai bộ hài cốt. Một bộ là của liệt sĩ Hoàng Văn Vụ thì đã rõ vì liệt sĩ theo công giáo nên có chiếc vòng đeo ở cổ. Còn một bộ đã bị mùn, vì không rõ thế nào nên họ đã chia ra làm 7 phần rồi bỏ vào từng chiếc mộ gửi về quê. Lúc đầu mẹ mừng lắm vì con gái đã được đưa về quê hương. Nhưng một thời gian sau lại nghe thông báo tìm thấy sáu bộ hài cốt nữa. Tất cả được đưa về nghĩa trang Thọ Lộc (Quảng Bình). Vậy là hài cốt của con mẹ vẫn chưa được xác định” – mẹ Ngoạn ngậm ngùi cho biết.

Còn anh Lê Quốc Trương- em trai của liệt sĩ Lương cũng mong mỏi: “Bây giờ việc xác định ADN không còn khó nên gia đình chỉ mong được nhà nước quan tâm để chị tôi và những liệt sĩ vô danh tìm lại đúng hài cốt của mình”.

 

img-0781-7c69c
Ông Mật xúc động khi  hài cốt của anh trai chưa được xác định

Cũng giống như lời mong mỏi của mẹ Ngoạn và anh Trương, ông Mật- người thân của liệt sĩ Kỹ cũng tâm nguyện được đưa hài cốt của anh vào đúng phần mộ mang tên anh. “Việc đưa anh về quê hay ở nghĩa trang trong Quảng Bình cũng không còn quan trọng, một năm chúng tôi sẽ vào thăm anh, thắp nhang cho anh nhưng chỉ mong hài cốt của anh được xác định rõ ràng. Còn bộ hài cốt đã chia làm bảy phần trước đó thì trả về đúng cho họ chứ để như vậy xót xa lắm, tội nghiệp lắm” – ông Mật bày tỏ.

Chiều 14/11/1972, B52 của Mỹ ném bom rải thảm tuyến đường 20 từ km 16. Đội TNXP 163 của ban 67 đang ở hiện trường vội vã chạy vào hang đá bên đường trú ẩn. Tảng đá hàng ngàn tấn trên cửa hang bị sập xuống bịt kín miệng hang. Trong hang có tám thanh niên xung phong gồm 4 nam, 4 nữ đều cùng quê Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Tất cả đều đang ở độ tuổi 19-20.

Tan trận bom, phát hiện tiếng kêu cứu của các anh chị em trong hang đá, tất cả các đơn vị có mặt tại hiện trường tập trung trước cửa hang để tìm cách phá đá cứu người nhưng không thể.

Nhiều ngày trời trong hang đá, từng chiến sĩ kiệt sức, hy sinh, đến ngày thứ 9 thì không còn ai nghe thấy tiếng gọi của các TNXP nữa. Sau này nhiều người kể rằng đến ngày 23/11, tiếng kêu cuối cùng mọi người nghe được là tiếng gọi “Mẹ ơi” của một cô gái. Rồi hang đá thành nấm mộ chung cho tám liệt sĩ.

 Nguyễn Thùy