Quảng Bình:
Đường 20 - Quyết thắng, con đường huyền thoại!
(Dân trí) - Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đường 20 – Quyết thắng là đầu mối quan trọng trong chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, là con đường “huyết mạch” nối đông Trường Sơn với tây Trường Sơn, giành thắng lợi to lớn trên mặt trận giao thông - vận tải.
Đường 20 - Quyết thắng bắt đầu từ Km 00 thuộc thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) nằm tựa mình bên dòng sông Son xanh biếc đến ngã ba Lùm Bùm (huyện Ăng – Khăm, tỉnh Khăm Muộn, Lào) rồi thông với đường 9. Với chiều dài 125 km, đường 20 - Quyết thắng được coi là đầu mối quan trọng trong chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử.
Đây là tuyến đường được khảo sát và thi công trong thời điểm chiến tranh ác liệt, bị địch đánh phá suốt ngày đêm. Có thể nói, mặt đường đã trộn lẫn máu xương, mồ hôi và nước mắt của các chiến sĩ bộ đội Trường Sơn và lực lượng TNXP.
Đã có hơn 8.000 chiến sĩ, cán bộ công nhân kỹ thuật thuộc Trung đoàn 4, Trung đoàn 5, Trung đoàn 10 và Trung đoàn 41 bộ đội công binh (Binh đoàn 559) cùng với công trường 20 của Bộ Giao thông vận tải bao gồm các đơn vị cơ giới, các đơn vị TNXP các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Nam Ninh với 519.280 ngày công, đào đắp 915.913m3 đất đá, bắc cầu qua khe, qua suối, mở xong tuyến đường dài 125 km.
Sau nhiều ngày đêm cật lực xẻ núi, bắc cầu, ngày 5/5/1966, đường 20 - Quyết thắng được khai thông. Tiếp đó, cửa khẩu thông xe đường 20 vượt qua đỉnh Trường Sơn hùng vỹ được mở. Hàng ngàn đoàn xe cơ giới vận chuyển sức người, sức của chi viện cho mọi chiến trường, đặc biệt là chiến trường miền Nam ruột thịt.
Nhận thấy vị trí chiến lược và tầm quan trọng của tuyến đường này, giặc Mỹ đã thường xuyên tập trung đánh phá ác liệt suốt ngày đêm với đủ các loại bom, đạn, các loại máy bay, kể cả máy bay B52, mỗi ngày chúng ném từ 30 đến 40 trận, có tuần lễ ném 50.000 quả bom xuống những nơi trọng điểm như khúc cua chữ A. Đặc biệt, chúng đánh vào các trọng điểm A.T.P, trọng điểm Trà Ang ở điểm cao 150 m, dài 5 km, các trọng điểm từ Km 00 đến Km 10, Km 14.
Có những thời điểm không thể chuyển xăng trực tiếp qua trọng điểm mà phải vần từng thùng xăng xuống suối theo dòng Trà Ang đến Km 14, Km 13 rồi lại kéo ngược và đưa từng phuy xăng lên.
Chỉ tính riêng trong 6 ngày (từ 25/9 đến ngày 1/10/1968), bộ đội và lực lượng TNXP của ta kéo được 30 phuy xăng đến địa điểm tập kết thì đã có 29 người hy sinh vì bom đạn của giặc Mỹ.
Tại tập đoàn trọng điểm A.T.P (đoạn cua chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích) có đợt giặc Mỹ ném bom suốt 87 ngày đêm làm hàng trăm người bị thương và hy sinh. Sách Trường Sơn, Miền ký ức trang 5, tập 2, NXB QĐND viết: “Từ ngày 5/11/1968, tại A.T.P mỗi ngày đêm 25 – 30 lần tốp, 65 – 70 lần chiếc B52 rải thảm”. Nhật ký trinh sát ghi: “Ngày 25/11/1968, chúng đánh 52 trận, 51 lần chiếc B52, 9 lần chiếc C130, 28 lần chiếc F4, chúng đã ném 13 nghìn tấn bom đạn các loại xuống cua chữ A, ngầm Ta Lê…”.
Riêng tại Km 16 + 200, ngày 14/11/1972, trong loạt tên lửa Mỹ bắn xuống làm sập cửa một hang đá làm 8 TNXP hy sinh. Ngoài ra, còn biết bao sự hy sinh oanh liệt của hàng ngàn chiến sĩ bộ đội Trường Sơn, TNXP trên các tọa độ lửa dọc tuyến đường 20.
Trong chuyến công tác về hang Tám Cô tri ân các AHLS, TNXP đã anh dũng hy sinh nơi đây, chúng tôi tình cờ gặp đoàn các cựu TNXP hai tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình từng chiến đấu trên đường 20 - Quyết thắng về thăm lại chiến trường xưa. Họ đi hàng một, nhẹ nhàng đặt từng bước chân lên mặt đường, sợ phá vỡ không khí tĩnh lặng, linh thiêng, trầm mặc phủ kính dọc một dãy đại ngàn Trường Sơn. “Có những đồng đội của chúng tôi đang nằm đâu đó giữa những cánh rừng thiêng này”, bà Dương Thị Thanh Phúc ở tỉnh Thanh Hóa, TNXP binh trạm 14, Đoàn 559 xúc động.
Ký ức đưa bà về những khốc liệt tại cua chữ A năm xưa: “Địch đánh phá suốt cả ngày lẫn đêm, có ngày chúng đánh liên tục 20 trận, huy động cả máy bay B52. Ban đêm chúng thả pháo sáng trắng rừng không cho người và xe qua. Ở đây có C5, Đội TNXP 25 cắm chốt, rất nhiều người hy sinh. Sợ C5 chịu đựng quá sức, Ban chỉ huy Đội TNXP 25 quyết định thay thế bằng đơn vị khác. Được tin, toàn thể C5 cắn ngón tay mình, lấy máu viết quyết tâm thư thề rằng: “Quyết tử cho cua chữ A toàn thắng”.
Bà Nguyễn Thị Sen, cựu TNXP thuộc C7, Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) có mặt ở đường 20 giai đoạn 1965 - 1972, gặp lại bà Phúc sau hơn 40 năm, cũng hơn 40 năm ấy, bà Sen mới trở lại đường 20. “Tuổi thanh xuân của các o, các chị gắn chặt với đường 20. Có thể nói rằng, các o, các chị thực sự tự hào khi trong cuộc đời sống đẹp, sống cống hiến, sống trong sự yêu thương của đồng chí, đồng đội trên những tuyến đường Trường Sơn. Về đây, xin nhẹ thắp nén nhang viếng đồng đội một thời”, bà Sen tâm sự.
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ ấy, đường 20 – Quyết thắng gắn liền với những khẩu hiệu: “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Địch phá, ta sửa, ta đi”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để chiến thắng” đã trở thành nguồn cổ vũ tinh thần, tạo thành sức mạnh vô biên, đã làm nên chiến công như là huyền thoại của một thời: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, lập nên những kỳ tích oanh liệt, góp phần tạo nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta.
Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, các anh hùng, liệt sĩ tuổi đôi mươi ở cung đường lửa này đã hy sinh thân mình để khai thông và bảo vệ tuyến đường, bảo đảm chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam ruột thịt, cho tình đoàn kết 3 nước anh em Việt Nam – Lào – Căm pu chia mãi mãi vững bền, cho giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cho chúng ta có cuộc sống tươi đẹp như ngày hôm nay.
Đặng Tài – Ngô Long
* (Nội dung bài viết có sử dụng một số tư liệu lịch sử)