Chuyện chưa kể về hang Tám Cô
(Dân trí) - Gọi là hang Tám Cô nhưng thực tế có 4 liệt sỹ nữ, 4 liệt sỹ nam. Những ngày bám trụ tại trỏng điểm ác liệt Đường 20 – Quyết Thắng, mỗi TNXP phải hứng chịu hơn 600 quả bom cỡ lớn cùng hàng vạn tấn bom đạn các loại do máy bay Mỹ rải xuống đây.
Thực hiện chiến dịch vận chuyển mùa khô 1970 – 1971, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 quyết định tăng cường thêm lực lượng thanh niên xung phong của các tỉnh thuộc Quân khu 4 cho tuyến đường 20 - Quyết Thắng. 8 TNXP quê hương Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá thuộc Đại đội 217 được Đoàn 559 bổ sung vào Đội TNXP 25, Ban xây dựng 67 công tác tại đường 20 - Quyết Thắng từ ngày 20/6/1971. “Đường 20 - Quyết Thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập, tự do của chiến sỹ và TNXP làm nên” - Đại tướng Võ Nguyên Giáp..
Dù phải sống dưới bom đạn ác liệt của kẻ thù, ranh giới giữa sống và chết chỉ là gang tấc, nhưng tập thể 8 TNXP trên đường 20 - Quyết Thắng đã kiên gan chịu đựng muôn ngàn gian khổ, bom đạn của máy bay Mỹ, ngày đêm bám mặt đường, phá bom thông tuyến, bảo đảm cho hàng chục ngàn xe pháo và bộ đội vượt đường an toàn chi viện cho chiến trường miền Nam. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 7/6/1972, Đội TNXP 25 được tuyên dương tập thể Anh hùng Lao động.
Tháng 6 năm 1972, tổ 8 TNXP người Hoằng Hóa (Thanh Hóa) gồm: Trần Thị Tơ (18 tuổi) Lê Thị Mai (20 tuổi), Đỗ Thị Loan (20 tuổi), Lê Thị Lương (19 tuổi), Nguyễn Văn Huệ (20 tuổi), Hoàng Văn Vụ (20 tuổi), Nguyễn Mậu Kỷ (25 tuổi), Nguyễn Hữu Phương (20 tuổi) được điều về chốt giữ tại km 16 + 200 thuộc xã Tân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) - trọng điểm bắn phá ác liệt nhất đường 20.
Bình quân mỗi người phải chịu đựng trên 600 quả bom cỡ lớn và hàng vạn tấn bom đạn các loại do máy bay Mỹ bắn phá dọc đường 20 cộng với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, kham khổ nhưng với tinh thần “Quyết tử cho con đường bất tử”, "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt", 8 TNXP cùng với tập thể Đại đội 217 đã dũng cảm, không chịu khuất phục trước bom đạn ác liệt của kẻ thù. Với ý chí kiên cường, lực lượng TNXP luôn bám mặt đường phá bom nổ chậm, san lấp hố bom, khôi phục đường, cầu, mở đường tránh, nguỵ trang các mối đường vượt trọng điểm nhằm đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt trong mọi tình huống.
Ngày 14/11/1972, Đại đội TNXP 217 nhận được lệnh của Bộ Tư lệnh Đoàn 559: cấp tốc giải phóng giao thông cho đoàn xe quân sự gồm 150 chiếc vượt qua đường 20 - Quyết Thắng chở vũ khí, hàng hoá vào miền Nam. Với quyết tâm “Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”, khi việc khôi phục giao thông sắp hoàn thành theo kế hoạch thì có báo động máy bay Mỹ oanh tạc, các chiến sĩ trong đơn vị đã kịp rút về hầm trú ẩn, 8 đồng chí TNXP chỉ kịp chạy vào trú ẩn tại một hang đá lớn. Giáo sư Vũ Khiêu đau đớn và tự hào trong lời văn điếu của mình tại đền thờ 8 liệt sỹ hi sinh trong hang Tám Cô: “Tuổi chẳng thọ mà Huân công mãi mãi trường tồn/ Thân dù tan mà khí phách đời đời bất diệt”.
Máy bay Mỹ thả bom xuống khu vực Km 16 + 200 ba loạt khoảng chừng 180 quả bom cỡ lớn, cả không gian rung chuyển. Chỉ trong mấy phút, cả một vùng núi rừng rộng lớn bị bom đạn nhấn chìm, vùi lấp trong đất đá, khói lửa, đường 20 bị phá nát, cắt đoạn. Nhiều tốp máy bay phản lực của Mỹ chà đi xát lại khúc đường này đến hết chiều 14/11/1972.
Khi hết máy bay, các tổ TNXP lại tiếp tục lao ra mặt đường. Mọi người hoảng hốt khi một tảng đá lớn lấp kín cửa hang nơi có 8 TNXP đang ẩn nấp. Ngay lập tức chỉ huy Đội TNXP 25 và Binh trạm 14 đã tìm mọi biện pháp để cứu đồng đội nhưng phương tiện cứu trợ ít ỏi, thô sơ, nhiệm vụ thông tuyến lại trở nên cấp bách theo yêu cầu của Bộ Tư lệnh Đoàn 559 để đưa 150 xe quân sự qua trọng điểm. Đội TNXP 25 buộc phải đau đớn vĩnh biệt 8 đồng đội của mình.
Sự hy sinh của 8 TNXP ở trong hang đá đã gây chấn động toàn mặt trận, tăng thêm sức mạnh cho cán bộ, đội viên TNXP biến đau thương thành hành động cách mạng. Trước cửa hang, cán bộ, chiến sỹ Đại đội 217 Đội TNXP 25 đã thề sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc để thông tuyến, thông đường. Hang đá nơi 8 TNXP hy sinh trở thành địa chỉ đỏ và điểm linh thiêng đối với mỗi cán bộ, chiến sỹ hành quân trên tuyến đường, họ kể cho nhau nghe về câu chuyện hy sinh dũng cảm của đồng đội và gọi nơi đó là “Hang Tám Cô”. (phải chăng đã có sự “mặc định” thanh niên xung phong luôn là nữ?)
1996, cơ quan chức năng đã phá đá cửa hang để quy tập các liệt sỹ. Những hài cốt liệt sỹ ngã xuống sau 9 ngày không có thức ăn, nước uống và khí thở như đang quây quần bên nhau, nương tựa vào nhau để bình thản đón nhận cái chết đang đến. Đồng chí Thượng tá Nguyễn Văn Quý – Đội trưởng Đội quy tập 589 – Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình cũng tìm thấy một đôi dép cao su, một chiếc bi đông, 2 chiếc bút máy và chiếc kẹp tóc trong hang Tám Cô.
Với sự hi sinh anh dũng, can trường của 8 liệt sỹ TNXP tại Km 16 + 200 trên tuyến đường 20 – Quyết Thắng, năm 2010, Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho tập thể liệt sỹ TNXP hi sinh tại hang Tám Cô.
Hoàng Lam
(Bài viết có sử dụng tư liệu của Bảo tàng Quân khu 4)