1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Về miền Tây ăn “đặc sản rợn người”

(Dân trí) - Ông chủ nhà bê chiếc rổ nhỏ, bên trong lúc nhúc những con côn trùng màu nâu đỏ, hào hứng: “Đây là món đặc sản chỉ có ở vùng biên này”. Các vị khách lắc đầu ghê sợ, cứ tưởng tượng cảnh những con côn trùng kia loe ngoe trong khoang miệng đã muốn ói...

Vùng Bảy Núi (An Giang) từ lâu đã nổi tiếng với những rắn, rết, bọ cạp, … nay “khai sinh” một đặc sản mới: bọ rầy. Loài côn trùng mới nhìn đã không ít người lợm giọng đã trở thành nguồn cảm hứng ẩm thực của nhiều người.

 

Đệ nhất khoái khẩu

 

Anh Trần Văn Ly, một cư dân xã biên giới An Nông, huyện Tịnh Biên, An Giang bê chiếc rổ nhỏ, bên trong  lúc nhúc một loại côn trùng màu đỏ thẫm, xởi lởi: “Đây là bọ rầy, đặc sản chỉ vùng biên này mới có, ăn vào là nghiện ngay”. Vài vị khách lén nhăn mặt, không giấu được sự ghê sợ. Có người mới tưởng tượng cảnh những con côn trùng loe ngoe trong miệng mà đã muốn ói.

 


Về miền Tây ăn “đặc sản rợn người” - 1

Đặc sản bọ rầy chiên chấm muối tiêu chanh

 

 

Bọ rầy có hình dạng giống bọ hung, to cỡ ngón tay cái, màu mâu cánh gián, thân ngắn, có cánh, đầu và bộ chân rất cứng nhưng thân mềm và tròn. Anh Ly thấy các vị khách không ai hưởng ứng thì cười sặc sụa: “Ai lần đầu nghe cũng ớn vậy cả. Ăn rồi mới thấm thía”. Nói rồi anh bắt đầu nhóm bếp để chế biến món đặc sản mà theo anh là có một không hai ở miền biên này.

 

Anh vốc từng vốc bọ rầy, cho vào nước rửa, ngắt bỏ cánh, chân, bỏ đuôi, rút ruột rồi cho vào chảo chiên giòn. “Bọ rầy chế biến đơn giản, không mất nhiều công mà rất tươi ngon”- anh Ly vừa nói vừa bỏ đám bọ rầy vào chảo dầu đang sôi. Không lâu sau, một mùi thơm nức bốc lên, quấn quít các vị khách. Một vài người đã bắt đầu háo hức và thèm thuồng.

 

Sau khoảng mười phút, món đặc sản đã sẵn sàng, những chú bọ rầy tròn căng, vàng ươm nằm trên đĩa cùng vài lát cà chua, xà lách. Ông chủ bắt đầu rót rượu mời. Thực khách có vẻ không còn đủ kiên nhẫn, vội vàng thưởng thức. Bọ rầy có mùi thịt rất thơm, dai và bùi. Những con bọ rầy được cho lên miệng, cắn ngập răng, bên trong lớp vỏ giòn khấc là vị thịt béo ngậy, thơm ngọt, vị ngon lan tỏa khắp khoang miệng.

 

“Bọ rầy chiên chỉ cần ăn kèm với muối tiêu chanh, vài xị đế coi như đã là thượng đế”, anh Ly cười khoái trá trước sự trầm trồ của khách. “Bọ rầy có hàng loạt cách chế biến, cách nào cũng ngon. Dân bọn tui vẫn gọi là đệ nhất khoái khẩu vùng biên đó”- anh tự hào.

 

Thì ra bọ rầy chiên chỉ là khúc dạo đầu, phần tinh túy nhất của đặc sản này hãy còn ở phía trước. Ông chủ hí hửng khoe về món “bọ rầy nhồi” đang thịnh hành khắp miệt. Bọ rầy làm sạch, bỏ ruột, nhét vào bụng một hạt đậu phộng hoặc một miếng thịt bò nhỏ, sau đó xâu thành chuỗi đem chiên hoặc nướng. Người ăn cầm từng xâu thưởng thức, tự cảm nhận vị ngon khó tả.

 

Đúng là càng ăn càng nghiện, càng thèm. Chả thế mà ông chủ lém lỉnh khẳng định chắc nịch rằng món bọ rầy này đang chễm chệ trong thực đơn của nhiều nhà hàng khách sạn khắp miền Tây!

 

Xuất ngoại để bắt bọ rầy

 

Bọ rầy bắt đầu xuất hiện vào tháng đầu tiên của mùa mưa ở Nam bộ. Sau những cơn nắng chảy người miền biên, đất đồng khô khát, nứt nẻ, những cơn mưa đầu tiên ngấm vào đất chan hòa như dòng sữa ngọt, cây cỏ bắt đầu đâm thủng lớp đất khô vươn lên tìm nguồn sống. Đó cũng là mùa đuông đất sinh sôi nảy nở. Đuông đất sống trong lòng đất nhưng mưa xuống là chui lên trở thành bọ rầy.

 

Bọ rầy sống chủ yếu trên xoài, mít, đào và ăn các loại lá cây. Loài côn trùng này tập trung nhiều ở các xã An Nông, An Phú và thị trấn Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên, An Giang). Vì vậy, ở những nơi này, có hàng trăm người hành nghề đánh bắt bọ rầy.

 

“Trước đây, người ta bắt bọ rầy chủ yếu vì chúng phá hoại cậy cối, nay thì nó là nghề vì mang lại thu nhập đáng kể”- ông Nguyễn Văn Ba, nông dân ở xã An Phú có thâm niên nhiều năm đánh bắt bọ rầy cho biết. Để bắt được loài bọ này, người ta thường nhặt phân bò, phân trâu khô đốt cho khói tỏa lên trời. Chỉ một lúc, chúng ngửi mùi bay đến, vần vũ trong đám khói, người bắt chỉ cần cầm chổi huơ đập chúng rớt xuống đất, bắt bỏ vào giỏ.

 

Về miền Tây ăn “đặc sản rợn người” - 2
Buôn bán bọ rầy ở chợ biên giới Tịnh Biên (An Giang) trở thành nghề cho thu nhập cao của nhiều nông dân

 

 

Ban đêm, việc bắt bọ rầy đơn giản hơn, người ta đặt những chiếc đèn măng sông sáng dưới đất rồi leo lên các tán cây rung mạnh, bọ rầy bay tứ tán nhưng sẽ tập trung lại ở chỗ có ánh sáng, người khác đứng dưới chỉ việc bắt bỏ vào giỏ.

 

“Một người mỗi đêm bắt được khoảng 5kg bọ rầy. Tính cả tháng có bọ rầy, nông dân bọn tui có một khoản thu nhập đáng kể mà công việc lại nhẹ nhàng”- ông Ba hồ hởi. Nhờ nghề đánh bắt bọ rầy mà nhiều nhà có thêm thu nhập. Nhu cầu bọ rầy ngày một lớn nên ở quê ông nhiều người đang tính sang tận Campuchia để săn loại côn trùng này.

 

Thị trấn Tịnh Biên (An Giang) giáp giới với Campuchia có chợ Tịnh Biên là nơi giao thương của dân cư hai nước Việt - Campuchia. Chợ này còn nổi tiếng là nơi “tập kết” của những loại đặc sản như: dế, bọ cạp, rắn rết, chuột… từ lâu nức tiếng xa gần. Bên ngoài chợ thường có cả một hàng dài những người phụ nữ với thau chậu hoặc lồng lưới đứng sát nhau la liệt những loại “đặc sản” rợn người. Non chục chị em với những chậu nhỏ đựng đầy loại côn trùng đỏ thẫm, đích thị là bọ rầy đặc sản.

 

“Bọ rầy đang được ưa chuộng nên cũng dễ buôn bán”- chị Nguyễn Thị Lan, một người có thâm niên hành nghề tại chợ Tịnh Biên cho biết. “Không chỉ người vùng biên, người các tỉnh khác thậm chí là du khách nước ngoài càng đổ về đây tìm mua loại đặc sản này”- chị Lan khẳng định. Mỗi ngày chợ này “xuất” không dưới 60 ngàn con bọ rầy, giá mỗi con khoảng 300 đồng hoặc 15 ngàn đồng/kg. Có lúc du khách đổ về nườm nượp, bọ rầy lên giá từ 3 đến 5 lần mà không có hàng để bán. Nghề buôn bọ rầy vì thế là nghề nghiêm túc, cho thu nhập cao của nhiều chị em vùng biên giới.

 

Nhật Trường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm