1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Phụ nữ miền Tây với những nghề “kinh dị”

(Dân trí) - Ở miền Tây, từ lâu chuột, rắn, rết, bọ cạp… đã là món ăn không thể thiếu ở các quán nhậu, nhà hàng. Nếu bắt rắn rết, côn trùng đã là cái nghề nghiêm túc của nhiều phụ nữ thì việc họ gắn bó với những nghề “kinh dị” khác không có gì là lạ.

Phụ nữ miền Tây với những nghề “kinh dị” - 1
Bọ cạp bò lúc nhúc trên tay chị Kim

 

Không bị cắn, ăn cơm mất ngon
 
Khu vực Chùa Hang (ấp Hòn Chông, xã Bình An, huyện Kiên Lương, Kiên Giang) có hàng chục phụ nữ bán côn trùng, bò sát. Những người phụ nữ ngồi sát nhau, trước mặt và hai bên họ là một loạt những lồng, chậu với đủ loại động vật “kinh dị”: sâu bọ, tắc kè, bọ cạp, rắn, rết… Nhiều người đi qua đường cũng… há hốc mồm vì những món hàng ớn lạnh này.
 
Chị Nguyễn Thị Hiền, một “chủ tiệm” rắn kiêm tắc kè nhanh nhảu: “Ai lần đầu đến cũng sợ vậy đó, riêng tụi chị quen mặt với rắn rết rồi”. Chị vừa nói vừa thò tay vào lồng sắt loe ngoe những con rắn to nhỏ bóng lưỡng đen ngòm. Chị kể lúc mới vào nghề buôn cũng run lắm, nhưng phải quen thôi vì đếm rắn, đếm tắc kè, bọ cạp thì phải dùng tay chứ không dùng thứ khác được. Những ngày đầu, ngày nào cũng bị cắn, tay rướm máu, rách bươm.
 
“Ngán nhất là mấy ông tắc kè bay, răng sắc nhọn như răng cưa, đã cắn vào là nhói tận xương tủy, cắn chừng nào ngán mới chịu nhả” - chị nói rồi chỉ cho tôi xem từng vết sẹo nhằng nhịt trên tay, chị phân biệt rạch ròi vết nào của rắn, vết nào của tắc kè. “Nhiều khi mấy ông kiểm lâm tới là phải bưng giỏ rắn, tắc kè chạy gấp kẻo sợ bị tịch thu. Chạy thoát mấy ổng chưa kịp mừng, nhìn tay đã bị “ông” tắc kè cắm phập vào, đau trào nước mắt”.
 
Chị cho biết làm nghề này ngày nào cũng bị cắn, cắn miết mà quen hình như miễn nhiễm luôn rồi, không biết đau nữa. “Bây giờ mà không bị rắn, tắc kè cắn là ăn cơm không ngon đó chú” - chị cười rổn rảng.
 
Xung quanh chị, những đồng nghiệp nữ cũng hùa cười theo, ai nấy quanh người toàn rắn, tắc kè, bọ cạp… Những đôi tay chai sạn, sẹo lồi sẹo lõm thỉnh thoảng lại khuấy vào lồng sắt lúc nhúc những loài vật đáng sợ.
 
Tuyệt chiêu chữa bọ cạp cắn
 
Vùng Bảy Núi (An Giang) từ lâu nổi tiếng với loại bọ cạp núi được khách thập phương ưa chuộng. Quanh vùng Bảy Núi, rất nhiều khu vực tập trung bày bán loại “đặc sản” này. Bọ cạp được đựng vào thau hoặc rổ nhỏ. Chợ Xuân Tô, huyện Tịnh Biên (An Giang) có hàng hục quầy bán bọ cạp chuyên nghiệp, ngày nào cũng nườm nượp kẻ mua người bán.
 
Bọ cạp Bảy Núi nghe đâu là phương thuốc hiệu nghiệm chữa đau lưng. Những người bán bọ cạp chủ yếu là nữ. Họ thường mua lại bọ cạp của những người đánh bắt nhỏ lẻ trên núi, xuống chợ bán kiếm lời. Hiển nhiên, cái mặt hàng đặc biệt này là nỗi khiếp đảm của nhiều người. Ấy mà chị em cứ tay trần đếm từng chú bọ cạp từ khi mua đến khi bán.
 
Chứng kiến con bọ cạp đen thùi lùi quơ đôi càng to tướng lớn hơn cái thân mình, bò tới bò lui trên cánh tay chị Huỳnh Thị Kim, nhiều người xanh mặt hết dám nhìn. Chị Kim, 35 tuổi, đã có 20 năm trong nghề buôn bọ cạp nên rất hiểu chúng.
 
“Hồi mới vào nghề bị cắn thường xuyên. Bọ cạp Bảy Núi mà cắn là tay sưng vù nửa tháng, mắt mũi hoa hết cả, có người còn sùi cả bọt mép” - chị kể - “Người nào vào nghề này cũng phải chịu vậy trước, dần dần mới thành thạo, không bị cắn nữa. Chú em mua bọ cạp mà lỡ có bị cắn thì đập vào vai vợ là hết. Phụ nữ bị bọ cạp cắn thì đập vào vai chồng”. Thế còn người độc thân? “Thì tốt nhất là đừng bà con gì với bò cạp” - chị Kim cười khúc khích. Đôi tay đầy bò cạp huơ qua huơ lại trước những cặp mắt kinh hãi.
 
Chẳng ai dại gì để bọ cạp cắn rồi thử những chiêu thuật “không giống ai” của chị Kim. Nhưng khách mua bọ cạp được khuyến mãi thêm những tràng cười thú vị.
 
Kỹ nghệ hành quyết “cu tý”
 
Ở xã Tân Hiệp, thị xã Tân Hiệp, Hậu Giang, có chợ chuột Sẻo Vong nổi tiếng. Chợ có chuột sống, chuột làm thịt sẵn đủ loại cung cấp cho một loạt nhà hàng, quán nhậu lớn nhỏ ở Cần Thơ và Hậu Giang. Cùng với nó, chợ khai sinh ra cái nghề làm thịt chuột. Một nghề nghiêm túc với nhiều kỹ nghệ. Đặc biệt, hành nghề làm thịt chuột chủ yếu là chị em phụ nữ. Ở đây việc chặt đầu, lột da, móc ruột chuột là chuyện thường ngày của chị em, cả với những em gái có đôi tay nuột nà.

 

Phụ nữ miền Tây với những nghề “kinh dị” - 2
Chị Hạnh bắt chuột làm thịt.

 

“Làm thịt chuột khó nhất là giết chuột”, chị Trần Hạnh, thâm niên trên 10 năm bán chuột ở chợ Sẻo Vong, cho biết. “Bắt chuột phải bắt nhanh đằng đuôi rồi chụp lấy đầu, chuột nhỏ thì dùng tay bóp nát đầu cho chết, chuột lớn thì đập mạnh đầu vào cây hoặc nền đất. Thao tác phải mạnh và dứt khoát, nếu chậm là chuột ngoái đầu cắn phập vào tay ngay”. Nói rồi, chị bắt một chú chuột cơm (loại nhỏ) thực hiện luôn các thao tác thuần thục. Người xem chỉ còn nước dựng tóc gáy.
 
Tiếp đến là loại chuột cống nhum to gần bằng bắp chân. Loại này thường ở rừng đước, rừng tràm đen thui, dữ tợn tới mức dám cắn lại cả chó mèo. Chị chụp mạnh chiếc đuôi kéo con chuột bặm trợn ra khỏi lồng rồi cũng với những thao tác mạnh, dứt khoát, “xử” xong chú chuột, hệt như… phim kinh dị.
 
“Mỗi người phải mần thịt vài trăm con chuột trong một ngày, không thạo sao được” - chị Hạnh cho biết. Đó là nói vậy, chứ để được lành nghề như bây giờ chị cũng không nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần bị chuột cắn. “Bị chuột cắn ít chảy máu nhưng nhức thấu xương, đau theo từng nhịp tim, chịu không nổi đâu”, chị nói.
 
Mỗi người trong nghề của chị đều có một cách trị đau khi bị chuột cắn. Riêng bà chị đã truyền cho một cách độc đáo: nhổ râu mép của chú chuột cắn mình đắp lên vết thương, bảo đảm đỡ nhức ngay tắp lự (?)
 
Miền Tây còn có nhiều nghề độc đáo khác không kể hết. Những nghề ly kỳ, những con người phóng khoáng và hào sảng làm nên sự lôi cuốn tự nhiên lạ lùng!
 
Nhật Trường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm