Hà Nội: Tích trữ lương thực đón bão
Sáng nay (17/7), các bà, các chị hàng xóm quanh nhà tôi ai cũng bàn tán sôi nổi về việc ai ai cũng tích trữ rau cỏ, thức ăn đề phòng phải đối mặt với trận lụt năm 2008. Sáng sớm một mớ rau muống chỉ có 5.000đ, đến 10h đã lên 12.000 đ/mớ.
Đầu giờ sáng, đã nghe tiếng ông tổ trưởng tốt bụng khu tôi đã đi nhắc nhở bà con lưu ý dọn các đồ điện lên cao. Ông còn nhấn mạnh: “Ủy ban đã có thông báo đêm nay mưa to hơn nhiều so với ngày 13/7.”
Trời, có nhầm không đây? Ngày 13/7 mưa mới có 110mm mà Hà Nội đã có hơn 70 điểm ngập úng, những chỗ trũng nước đã ngập ngang người rồi. Vậy mà đêm nay còn mưa to hơn thì biết tính sao đây? Không biết liệu nửa đêm khi đang ngủ lại thấy lưng mình lành lạnh không nhỉ?
Ai ở Hà Nội cũng kinh hoàng với trận lụt năm 2008. Thực sự không ai muốn phải đối mặt với nó một lần nữa. Chỉ có các cửa hàng bán đồ gỗ là đắt hàng còn các anh chị phục vụ vệ sinh đô thị thì bở hơi tai với các loại tủ, giường, bàn gỗ ép ngấm nước.
Nhiều bạn cho rằng người dân Hà Nội mới bị lụt tí đã kêu ca, sao không nhìn các tỉnh miền núi hay miền Trung xem người dân đó khổ thế nào?
Tôi cũng đồng ý là vừa qua người dân miền Trung rất rất cực khổ bởi hạn hán, nắng nóng. Giờ lại sắp phải đổi mặt với bão, lụt. Nhưng Thủ đô là nơi tập trung các cơ quan hành chính đầu não, là nơi tập trung những nguồn lực quan trọng nhất của đất nước. Có thể nói Thủ đô là nơi tập trung những cái tinh túy nhất của đất nước cũng không sai. Hà Nội cũng là nơi được ưu tiên đầu tư nhiều, đặc biệt cho đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Vậy có thể so sánh sự ngập lụt của Thủ đô với các tỉnh khác không? Các bạn cứ hình dung, nếu tủ hồ sơ lưu trữ của một trường học bị ngập thì sẽ có bao nhiêu học sinh bị ảnh hưởng? Vậy nếu kho hồ sơ của Bộ Giáo dục & Đào tạo bị ngập thì sao nhỉ?