1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

"Vào ngày lễ Độc lập 2/9/1945, mọi người đều kéo ra đường"

Đăng Đức

(Dân trí) - Vào ngày lễ Độc lập 2/9/1945, mọi người đều kéo ra đường, trong lòng tràn đầy hân hoan. Khắp các làng quê cờ hoa rực rỡ, băng rôn, cùng khẩu hiệu khiến không khí ngày Quốc khánh càng rạo rực, sôi nổi…

Sau 76 năm, cảm xúc về ngày lễ Độc lập của đất nước vẫn nguyên vẹn trong tâm trí ông Trần Văn Đồng (SN 1933, ở phường Đông Lương, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị). Dẫu ngày ấy, ông Đồng đang là thiếu niên, nhưng không khí sôi nổi của ngày Quốc khánh làm ông không bao giờ quên.

Theo lời ông Đồng, những ngày tháng Tám năm 1945, ông tham gia với lực lượng thiếu niên địa phương tuyên truyền khởi nghĩa, ủng hộ cuộc cách mạng. Bước vào giai đoạn Tổng khởi nghĩa, những thiếu niên như ông Đồng đi theo cán bộ cách mạng để cổ vũ, phát tờ rơi, tuyên truyền người dân đánh đuổi giặc ra khỏi quê hương.

Quê của ông Đồng thuộc huyện Quảng Trạch, phía Bắc tỉnh Quảng Bình. Người dân nơi đây một lòng đi theo cách mạng, nên khi có chỉ thị khởi nghĩa, người dân đều hưởng ứng nhiệt tình, cùng lực lượng vũ trang đứng lên giành chính quyền.

Vào ngày lễ Độc lập 2/9/1945, mọi người đều kéo ra đường - 1

Ông Trần Văn Đồng nhớ lại cảm xúc về ngày lễ Độc lập đầu tiên.

"Vào ngày lễ Độc lập 2/9/1945, mọi người đều kéo ra đường. Khi đó, tôi còn nhỏ nhưng cũng cầm cờ hòa vào dòng người đang nô nức mừng ngày đất nước độc lập. Khắp các làng quê tràn ngập cờ hoa rực rỡ, băng rôn, cùng khẩu hiệu làm cho không khí trở nên rạo rực, sôi nổi. Qua phát thanh, mọi người được nghe lời Bác Hồ đọc "Tuyên ngôn độc lập" khai sinh đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giây phút ấy thật sự cảm động, hân hoan, phấn khởi…", ông Đồng nhớ lại. 

Vào năm 1951, ông Đồng nhập ngũ vào bộ đội và tham gia kháng chiến tại nhiều nơi. Đơn vị ông đã đánh địch ở khu vực Dốc Sỏi, Đồn Thượng Phong, Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình)…

Sau ngày hòa bình lập lại năm 1954, đơn vị ông rút về Đồng Hới (Quảng Bình), rồi sau đó hành quân lên bảo vệ biên giới vùng Cha Lo (huyện Minh Hóa, Quảng Bình). Năm 1957, ông phục viên trở về địa phương và tham gia công tác trong lĩnh vực thủy nông, dạy xóa mù chữ cho người dân ở vùng Quảng Trạch quê hương ông.

Tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông Đồng hiểu được giá trị của hòa bình. Ông nói rằng, đất nước được hòa bình, độc lập như ngày hôm nay là nhờ vào sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ, cùng sự hy sinh xương máu của biết bao triệu đồng bào, người dân cả nước.

Năm nay, ông Trần Văn Đồng đã bước qua tuổi 88, nhưng vẫn còn rất minh mẫn, hoạt bát. Đối với ông Đồng, được sống và cảm nhận giá trị những ngày độc lập đầu tiên năm ấy là niềm tin, động lực để tiếp tục cống hiến và dạy con cháu góp sức xây dựng quê hương.

Với ông Trần Minh Cường (SN 1961, trú tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), thế hệ ông sinh ra sau Cách mạng tháng Tám, trong kháng chiến chống Mỹ vẫn còn nhỏ, nhưng đã từng cầm súng để bảo vệ quê hương, đất nước.

"Sau ngày đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước ta kiên trì với đường lối đổi mới nên đã mang lại sự phát triển như ngày hôm nay. Có thể nhìn thấy sự thay đổi mọi mặt từ nông thôn, đến thành thị. Thế hệ hôm nay càng tự hào về truyền thống cách mạng, kiên cường bất khuất, vượt qua bao vất vả, khó khăn để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược", ông Cường nói.