Vành đai 4 TPHCM cấp bách thế nào?
(Dân trí) - Vành đai 4 TPHCM đóng vai trò kết nối đô thị, mở ra không gian phát triển cho toàn vùng kinh tế và đón đầu những dự án đang và sắp triển khai trong tương lai.
"Số lượng đường cao tốc quá khiêm tốn, chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu đi lại vùng Nam Bộ. Vành đai 4 rất cấp bách để giải quyết nhu cầu luân chuyển hàng hóa tăng cao trong bối cảnh hiện tại và tương lai", TS Phạm Xuân Mai, (Thành viên hội đồng cố vấn công tác triển khai Vành đai 3 TPHCM) trao đổi trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí.
Chuyên gia cũng đánh giá, Vành đai 4 không dừng lại ở vai trò giãn mật độ phương tiện. Tuyến đường này có sứ mệnh đón đầu cao tốc TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, phát huy hiệu quả Vành đai 3 và tạo ra trục giao thương cảng biển, sân bay Long Thành, các trung tâm logistics mới.
Mở rộng dư địa
Khác với tầm vóc Vành đai 2 và 3, Vành đai 4 đóng vai trò phục vụ hạ tầng cho cả vùng trọng kinh tế trọng điểm phía nam. Tuyến đường khi hình thành sẽ đóng vai trò kết nối các đô thị liên vùng. Đây cũng sẽ là trục "đường tránh" khổng lồ để các tỉnh trong vùng trọng điểm có thể kết nối với nhau mà không cần phải đi qua nội thành TPHCM.
Sau 13 năm kể từ khi có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết, dự án đang được 5 địa phương gấp rút hoàn tất thủ tục hồ sơ.
Theo TS Phạm Xuân Mai, khu vực phía Nam đang rất thiếu đường sắt. Trong khi đường thủy chưa được khai thác, đường sông có tĩnh không hẹp, thấp, chưa đáp ứng lượng tàu thuyền vận chuyển cỡ lớn.
"Như vậy chỉ có đường bộ đang gánh nhu cầu rất cao nhưng chưa được đầu tư đồng bộ", TS Phạm Xuân Mai phân tích.
Theo ông, Vành đai 4 giúp TPHCM rộng đường giao lưu kinh tế với các tỉnh lân cận khác. Sự thuận lợi này mở ra nhiều cơ hội phát triển cho thành phố lớn bậc nhất cả nước trong tương lai.
"So với Vành đai 3, tuyến đường chỉ phục vụ một phạm vi nhất định bên trong thì Vành đai 4 sẽ khơi thông cả vùng kinh tế trọng điểm và vùng TPHCM.
TS Võ Kim Cương, nhìn nhận nếu Vành đai 2 mang song song cả 2 đặc thù, vừa tránh xe đi vào trung tâm nhưng cũng vừa đóng vai trò kết nối khu vực phía đông như các tỉnh lân cận thì Vành đai 3, 4 lại nghiêng về tính kết nối đô thị liên vùng.
"Khi nói đến trung tâm, chúng ta liên tưởng đến TPHCM. Nhưng ngoài TPHCM, vẫn còn nhiều TP, đô thị khác gọi là thành phố đối trọng như TP Bà Rịa - Vũng Tàu, Nhơn Trạch, Biên Hòa, Dĩ An, Thủ Dầu Một, Tây Ninh..., tức là nhiều khu đô thị. Vành đai 3 và 4 sẽ kết nối các đô thị này với nhau bằng trục đường bao quanh", chuyên gia nói và cho rằng, khi có đủ hệ thống vành đai, hệ thống này sẽ tạo điều kiện phát triển chung cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam chứ không riêng TPHCM.
Do vậy, hệ quả của việc giao thông chậm phát triển ảnh hưởng đến mọi vấn đề, thấy rõ nhất là việc làm chậm thời gian đi lại của người dân TPHCM và cản trở quá trình lưu thông hàng hóa (logistics). Điều này khiến giá cả hàng hóa bị đội lên, tốc độ phát triển của thị trường sẽ chậm 20-30%, kéo theo thất thoát kinh tế.
Tranh thủ "làm ngày đêm" để trình Quốc hội
Trong cuộc làm việc gần nhất của đoàn bộ ngành với TPHCM và 4 tỉnh, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết, thành phố sẽ cùng các địa phương phấn đấu trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư vào kỳ họp giữa năm nay (chậm nhất 20/3 phải hoàn thành để khai mạc kỳ họp vào 20/5).
Ông Mãi dự liệu khả năng trình hồ sơ lần đầu không kịp vào ngày 20/3, tuy nhiên TP xác định làm ngày làm đêm để kịp hoàn thành hồ sơ.
"Nếu Quốc Hội ra nghị quyết vào tháng 6 giống như Vành đai 3, cuối năm chúng ta có thể phê duyệt dự án. Như vậy Vành đai 3 một năm hoàn thành vào năm 2026, chỉ sau một năm là 2027 dự kiến Vành đai 4 cơ bản hoàn thiện. 2-3 năm cho một đoạn đường cũng ko quá sức", Chủ tịch Phan Văn Mãi dự tính.
Chủ tịch UBND TP cũng thẳng thắn cho rằng các địa phương cần thống nhất thực hiện Vành đai 4 TPHCM đạt chuẩn cao tốc. "Thiếu tiền có thể cắt giảm các dự án chưa thật sự cần thiết để ưu tiên Vành đai 4, tránh để xảy ra sự cố", theo lãnh đạo TP.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết, Vành đai 4 sẽ được giải phóng mặt bằng một lần với quy mô hoàn chỉnh từ đầu và làm trước 4 làn cao tốc. Tuy nhiên, khác Vành đai 3 đang triển khai giai đoạn một chỉ 4 làn hạn chế (không có làn dừng khẩn cấp mà bố trí điểm dừng), Vành đai 4 cần đầu tư đầy đủ dải dừng khẩn cấp cùng các yêu cầu kỹ thuật liên quan.
Khi đạt chuẩn cao tốc, quá trình khai thác tuyến đường sẽ an toàn hơn và tăng hiệu quả đầu tư, tránh như một số dự án chỉ 2-4 làn xe hạn chế khi mới hoàn thành đã phải tính đến chuyện mở rộng.
Theo Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm, hiện TPHCM đã lập xong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, làm cơ sở điều chỉnh hướng tuyến, điều chỉnh cục bộ quy hoạch. Các địa phương khác cũng cơ bản hoàn tất nhiều đầu việc, hoàn chỉnh hồ sơ. Riêng tỉnh Bình Dương đã phê duyệt chủ trương đầu tư đoạn qua địa bàn.
Quyết tâm hoàn thành sớm
Vấn đề hiện nay ở hồ sơ các địa phương là chưa thống nhất về tiêu chuẩn kỹ thuật mặt cắt dự án.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cũng đặt câu hỏi về sự khác biệt này và đề nghị các địa phương có sự rà soát lại, giao đơn vị tư vấn xem xét việc khớp nối các đoạn của Vành đai 4 ở 5 tỉnh, thành cho đồng bộ, phù hợp từng khu vực.
"Hiện nay mỗi nơi một kiểu, như Bà Rịa Vũng Tàu quy mô bề rộng 27m, Đồng Nai là 22m, Bình Dương 24m, TPHCM lại 25,5m", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn chỉ ra.
Vành đai 4 sẽ tạo ra không gian mới phục vụ hàng chục triệu dân trong tương lai.
Thứ trưởng lưu ý thời điểm triển khai Vành đai 4 TPHCM theo quy hoạch phải bám sát tiến độ trong giai đoạn 2025-2030. Ông đề nghị từ nay đến trước năm 2025, 5 tỉnh, thành tập trung giải quyết rốt ráo các vướng mắc trên.
"Giai đoạn 2025-2030, chúng ta phải đầu tư rầm rộ, quyết tâm hoàn thành sớm", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đặt cột mốc.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn nhận định việc chậm thực hiện Vành đai 4 sẽ tác động đến hoạt động vận tải và trở thành gánh nặng cho vành đai 3 lẫn các đường nội đô.
Vành đai 4 khi hoàn thành sẽ đóng vai trò kết nối vùng rất quan trọng, tạo ra không gian mới phục vụ hàng chục triệu dân trong tương lai.
Thống nhất với Thứ trưởng, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết TP và các địa phương xác định quyết liệt đặt mục tiêu rốt ráo cuối tháng 3 trình Quốc hội.
Dự kiến trong tuần này, UBND TP làm báo cáo, chậm nhất tháng 3 phải nộp hồ sơ cho Tổng thư ký Quốc hội, TP cũng kiến nghị các Bộ ngồi với nhau nhiều hơn, tương tác các tỉnh, thành để giải quyết công việc nhanh hơn.
Dự án Vành đai 4 quy hoạch từ năm 2011, đi qua TPHCM và 4 địa phương Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuyến đường hiện được nghiên cứu tổng chiều dài gần 207km, trong đó Long An nhiều nhất với hơn 78km, Bình Dương 47,5km, Đồng Nai 45,6km, Bà Rịa - Vũng Tàu 18,1km, TPHCM 17,3km. Tổng mức đầu tư ước tính 106.000 tỷ đồng.