1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vấn đề hôn nhân đồng giới lại “thổi bùng” tranh luận

(Dân trí) - Dự luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) trở lại bàn nghị sự tại UB Thường vụ ngày 13/1, vấn đề “thổi bùng” tranh luận lại là độ tuổi kết hôn và việc chung sống giữa người đồng giới.

Hạ tuổi kết hôn là luật “giật lùi”

Với đề nghị hạ tuổi kết hôn của nam từ 20 tuổi như quy định hiện hành xuống mức từ đủ 18 tuổi như với nữ (khoản 1 Điều 8), Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, đa số ý kiến đại biểu đã tán thành nhưng đề nghị cung cấp thêm số liệu, căn cứ khoa học giải trình cho hướng chỉnh sửa này.

Bà Mai cho phương án đề xuất một “phiếu thuận” với lập luận, việc hạ độ tuổi kết hôn với nam bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về tuổi thành niên, nguyên tắc bình đẳng giới và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Trên thực tế, tuổi kết hôn trung bình của nam, nữ đều cao hơn khá nhiều so với tuổi kết hôn được quy định trong Luật và có xu hướng ngày càng tăng. Việc quy định độ tuổi kết hôn của cả nam và nữ là đủ 18 tuổi chỉ là độ tuổi tối thiểu, thể hiện sự bình đẳng về quyền của cả hai giới.

Tuy nhiên thống kê về việc lấy ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp vừa qua cho thấy, bên cạnh 65 ý kiến tán thành phương án này, vẫn có 21 ý kiến đề nghị giữ như luật hiện hành (nữ từ 18 tuổi, nam từ 20 tuổi trở lên), nhiều ý kiến khác đề nghị nâng tuổi với cả 2 giới theo lên mức nữ từ đủ 18 tuổi, nam đủ 20 tuổi…
Chủ tịch Quốc hội: Luật kéo tụt tuổi kết hôn là đi ngược xu hướng tiến bộ? (ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội: "Luật kéo tụt tuổi kết hôn là đi ngược xu hướng tiến bộ?" (ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường (đại diện cơ quan soạn thảo luật), giải thích, luật hiện hành đang quy định tuổi kết hôn với nữ theo hướng 17 tuổi + 1 (tức chỉ cần qua sinh nhật 17 tuổi, dù chỉ 1 ngày). Như vậy, dù có hạ tuổi kết hôn với nhiều trường hợp nữ xuống 16 tuổi ở khu vực cho phù hợp với thực tế phong tục kết hôn sớm ở mỗi cộng đồng dân cư thì thực tế cũng chỉ là hạ xuống 1 tuổi chứ không phải hạ tới 2 tuổi như nhiều quan điểm phản ứng.

“Từ điểm báo hàng ngày chúng tôi thấy vẫn có thông tin nơi này nơi kia tảo hôn mà việc xử lý thì rất khó. Không thể không nhìn thẳng vào sự thật này. Mà hậu quả với việc không công nhận mà người dân vẫn cưới hỏi theo tập tục, thói quen để lại rất lớn, thường là gây thiệt thòi cho phụ nữ và trẻ em” – ông Cường thuyết phục UB Thường vụ Quốc hội.

Trái với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề, làm luật phải theo xu hướng tiến bộ mà xu hướng thực tế tuổi kết hôn ngày càng tăng thì cớ gì, luật lại tính việc kéo tụt xuống?

Bác biện dẫn của Bộ trưởng Tư pháp về việc luật phải phản ánh thực tế, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng lật lại vấn đề: “Có đưa vào thì cũng có giải quyết được gì đâu mà nói đưa vào để giải quyết. Có nên chấp nhận cái cũ hay phải để tiếp tục vận động, tuyên truyền để thay đổi thực tế, nếu không không khác gì việc “vẽ đường cho hươu chạy”?”.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cũng kiên quyết: “Nếu sửa luật về độ tuổi kết hôn để đảm bảo nam nữ bình quyền thì phải là nâng tuổi kết hôn của nữ từ 18 lên 20 tuổi chứ không phải đánh tụt đi. Người phụ nữ sẽ chỉ càng nhiều nguy cơ hơn. Tôi không đồng tình đề xuất này”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì yêu cầu có báo cáo thống kê những cộng đồng dân cư có độ tuổi kết hôn thực tế thấp hơn luật quy định để có hướng xử lý vấn đề. Ông Lưu thuật, chuyến công tác mới đây nhất đến huyện Mường Lát (Thanh Hóa) của ông cho thấy thực tế, ở khu vực này, nữ chỉ 14-15 tuổi đã có… vài con. Có chủ tịch xã gần 40 tuổi đã có 9 con. Thừa nhận thực tế khác xa mong muốn của nhà làm luật, ông Lưu khuyến cáo cần xem xét quy định đặc biệt ở những khu vực này.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị với tuổi kết hôn của nam, cần thiết giữ nguyên mức 20 tuổi như quy định hiện hành, không “đánh tụt” đi.

Vấn đề hôn nhân đồng giới vẫn gây nhiều tranh cãi

Vấn đề nhạy cảm khác trong dự thảo luật - quy định giải quyết hậu quả của việc chung sống giữa những người cùng giới tính (Điều 16) khi dự thảo luật đã được thể hiện theo hướng không cấm hôn nhân đồng giới.

Chủ nhiệm Trương Thị Mai nêu rõ trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật là còn một số ý kiến đề nghị quy định rõ ràng trong luật việc cho phép hay cấm hôn nhân đồng giới hoặc giữ nguyên quy định cấm của luật hiện hành. Cũng có ý kiến đề nghị không dẫn chiếu việc giải quyết hậu quả như đối với trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn (Điều 15) và phân biệt rõ hai trường hợp này.

Bà Mai phân tích, hiện tại, quan điểm nhận thức của xã hội về vấn đề đồng tính đã thay đổi so với thời điểm thông qua Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, ở góc độ quyền con người, việc bỏ quy định cấm thể hiện tính nhân văn, góp phần giảm bớt sự kỳ thị. Tuy nhiên, luật quy định rõ việc Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính nhưng cần có cơ sở pháp lý để giải quyết hậu quả của tình trạng chung sống giữa những người cùng giới tính đang diễn ra trong thực tế.

Vì vậy, tại khoản 2 Điều 16, cơ quan thẩm tra đã bỏ quy định dẫn chiếu sang Điều 15, sửa đổi để làm rõ sự khác nhau giữa việc chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn với việc chung sống giữa những người cùng giới tính. Đồng thời, dự thảo luật cũng được điều chỉnh theo hướng đưa quy định “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” sang khoản 2, Điều 8 về điều kiện kết hôn.

UB Thường vụ cũng ghi nhận những ý kiến khác như đề nghị cần quy định rõ ràng cho phép hay cấm (4 ý kiến); nên cho phép kết hôn để quản lý (1 ý kiến); quy định theo hướng cho phép đăng ký sống chung (kết hợp dân sự) (3 ý kiến) hay lập luận cân nhắc quy định giải quyết hậu quả vì đồng nghĩa với việc công nhận hôn nhân đồng giới, cần có số liệu điều tra xã hội học về tình trạng này (3 ý kiến).

Vẫn chưa yên tâm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, cộng đồng những người đồng giới đã lên tiếng nhiều lần, cho rằng “những người làm luật cho chúng tôi là những người không hiểu về đồng tính”. Chủ tịch nêu nghịch lý, đã giải thích, không cấm hôn nhân đồng giới đã là một sự tiến bộ vậy sao không công nhận luôn, đi đến cùng vấn đề?

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu một lần nữa “đỡ lời” cơ quan soạn thảo. Theo ông Lưu, Điều 36 Hiến pháp vừa sửa đã nêu nguyên tắc “nam, nữ có quyền kết hôn” tức là chưa thừa nhận hôn nhân đồng giới. Như vậy luật không thể “vượt” Hiến pháp.

Mà nếu 2 người đồng giới sinh sống thì phải xác định họ không thể sinh con, nghĩa là mục đích lập gia đình không đạt được nên cũng không thể gọi là hôn nhân. Ngay các nước phát triển, nơi thừa nhận hôn nhân đồng giới thì những quy định điểu chỉnh chi tiết trách nhiệm, quan hệ thì họ cũng chưa có hướng chính sách cụ thể.

Dự luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi sẽ còn tiếp tục được UB Thường vụ bàn bạc trước khi trình Quốc hội quyết định vào kỳ họp giữa năm tới đây.

P.Thảo