1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vấn đề amiăng trong nước uống

Amiăng trắng đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam, phổ biến nhất là trong tấm lợp phibro xi măng. Đây là loại tấm lợp có độ bền cao, giá rẻ. Nhiều gia đình vẫn hứng nước mưa từ tấm lợp fibro xi măng để dùng trong sinh hoạt. Điều đó có gây ra những rủi ro về mặt sức khoẻ?

Thực tế sử dụng tấm lợp fibro xi măng

Hiện nay cả nước có 39 cơ sở sản xuất tấm lợp amiăng xi măng với công suất thiết kế hơn 106 triệu m2/năm, sử dụng hơn 5.000 lao động.

Từ 2008 đến nay, mỗi năm, cả nước sản xuất và tiêu thụ khoảng 80 – 85 triệu m2, chiếm khoảng 40 – 42% nhu cầu về tấm lợp.

Tấm lợp fibro xi măng chịu đ­­ược những điều kiện khắc nghiệt của thời tiết nên tuổi thọ cao, từ 30 đến 50 năm. Hơn nữa, giá thành của loại vật liệu này chỉ bằng 1/3 giá tôn mạ màu loại dày 0.4 mm, giá thấp hơn từ 41,5 – 80,6% loại tấm lợp sử dụng sợi thay thế.

Phát biểu tại toạ đàm về “Sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam – một số vấn đề khoa học và thực tiễn” diễn ra vào tháng 6 vừa qua, Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng (tỉnh Cà Mau) cho biết: “Thực tế không chỉ ở Cà Mau mà những nơi tôi từng tiếp cận như các tỉnh ven biển, các vùng đồng bằng sông Cửu Long hay các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa – nơi thường xuyên có lượng sương muối lớn thì không khó để tìm một ngôi nhà lợp bằng tấm fibro ximăng. Đây là loại tấm lợp được đánh giá là kinh tế, độ bền cao khi gặp nước mặn hay sương muối. Còn giá của các loại tấm lợp mạ tôn thì cao hơn từ 40%-100% và trong quá trình vận chuyển, tấm lợp mạ tôn hay kẽm có thể chạm nước mặn và bong tróc trong thời gian vài tháng… Nhiều vùng, bà con vẫn dùng tấm lợp fibro xi măng hàng mấy chục năm qua…”.


Tấm lợp fibro xi măng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống người dân vùng khó khăn

Tấm lợp fibro xi măng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống người dân vùng khó khăn

Rủi ro về sức khoẻ từ amiăng trắng trong nước uống dưới góc độ khoa học

Các sản phẩm amiăng xi măng chứa lượng sợi amiăng trắng rất nhỏ, chỉ từ 8 – 10%, còn lại là xi măng chiếm 55%, tro bụi, than thiên nhiên chiếm 35%.

Theo PGS.TS Lương Đức Long – Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, các sợi amiăng trắng có cấu trúc rỗng nên chất kết dính như xi-măng sẽ lấp đầy các sợi này, tạo ra sự liên kết rất bền vững, chặt chẽ, khó phá hủy và rất khó để phát tán ra môi trường.

Tại nhiều quốc gia, công nghệ amiăng xi măng còn được áp dụng để sản xuất đường ống dẫn nước. Tính đến năm 1980, trên thế giới đã có hơn 3 triệu km đường ống dẫn nước chứa amiăng được sử dụng nhiều tại các gia như Nga, Canada, Thái Lan, Brazil...

Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành nhằm xác định mức độ rủi ro của sợi amiăng trong nước uống đến sức khoẻ con người nhưng các kết quả đều cho thấy không có bằng chứng về việc amiăng trong nước uống gây ung thư.

Vào năm 2002, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bổ sung vào báo cáo năm 1996 về amiăng trong nước uống và đưa ra kết luận rằng “Những nghiên cứu dịch tễ học hiện tại không đưa ra bằng chứng về việc gia tăng rủi ro đến sức khoẻ con người liên quan đến amiăng trong nước uống. Hơn nữa, trong các nghiên cứu được thực hiện trên động vật cho thấy amiăng không làm tăng nguy cơ về ung thư đường tiêu hoá. Do đó, không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy uống nước có sợi amiăng là nguy hiểm cho sức khoẻ con người. Vì vậy, không cần thiết phải lập ra một hướng dẫn an toàn về amiăng trong nước uống”.

Tại Việt Nam, từ năm 2010 đến 2014, Bệnh viện Xây dựng – Bộ Xây dựng đã tiến hành điều tra về tình hình sức khỏe người dân tại xã Tân Trịnh và các xã thuộc huyện Quang Bình – Tỉnh Hà Giang (tổng số 1.046 hộ, và 4.565 nhân khẩu), nơi có tới 70% số hộ gia đình sống cả đời dưới mái nhà lợp tấm lợp phibro xi măng.

Kết quả điều tra cho thấy, trong các xã thuộc huyện Quang Bình, xã Tân Trịnh có tỷ suất tử vong thấp hơn so với toàn huyện. Đặc điểm và tỷ suất tử vong do ung thư ở xã Tân Trịnh cũng chỉ đứng hàng thứ 5 trong 13 xã thuộc huyện Quang Bình (0.858%) nhưng vẫn trong giới hạn bình thường và chiếm tỷ lệ thấp hơn so với tỷ lệ chung toàn huyện.

Phân tích mẫu không khí trong nhà người dân lợp mái bằng tấm lợp amiăng xi măng không tìm thấy sợi amiăng.

Thực tiễn sử dụng amiăng trắng trên thế giới

Mỏ Ural – Thành Phố Asbest – Nga
Mỏ Ural – Thành Phố Asbest – Nga

Kết quả của các nghiên cứu trên cũng phù hợp với thực tiễn sử dụng amiăng trắng tại các nước như Nga và Brazil, Thái Lan hay Việt Nam.

Tại Nga, thành phố Asbest thuộc tỉnh Yekaterinburg là nơi khai thác amiăng trắng lớn nhất trên thế giới. Tính đến nay, thành phố Asbest đã có 127 năm tuổi với mỏ amiăng trắng có thể khai thác đủ trữ lượng cho 150 năm nữa.

Do cấu tạo địa chất cũng như vị trí nằm sát mỏ, nên dường như amiăng trắng có mặt ở khắp mọi nơi trong thành phố từ không khí tới nước uống. Thế nhưng, người dân vẫn sinh sống và làm việc bình thường trong suốt hơn một trăm năm qua.

Phó Viện trưởng Bệnh viện số 1 thành phố Asbest – Bà Ustyugova Victoria Igorevna cho biết: Tỷ lệ sinh sản là 13,5% trên 1.000 dân (năm 2012 - 15,3; năm 2008 -13,2; năm 2007-12,9), tỷ lệ trung bình của khu vực trong năm 2009 là 12.9%; Tỷ lệ tử vong là 15,2/1.000, thấp hơn các thành phố khác ở Nga. Như vậy tỷ lệ sinh và tỷ lệ tử cân bằng.

Theo số liệu năm 2012, Brazil là một quốc gia sản xuất và tiêu thụ amiăng hàng đầu thế giới với mỏ lớn nhất khai thác trung bình 300.000 tấn năm. Hiện nay, người dân Brazil vẫn sinh hoạt bình thường dù có đến hơn 60% dân số nước này vẫn uống nước từ các ống nước và bình chứa nước được làm từ amiăng.

Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi TS. Bác sĩ Ericson Bagatin tiến hành trên các đối tượng ở 6 thành phố khác nhau và sống tối thiểu 15 năm dưới mái nhà bằng tấm lợp phibro xi măng. Kết quả, trên 6.000 đối tượng cho thấy, chỉ có 0,5% biến đổi màng phổi được tìm thấy trong hình ảnh chụp X quang lồng ngực. Những biến đổi chủ yếu là các bệnh không liên quan đến amiăng như các nốt không rõ ràng, lao phổi, giãn phế quản…

Kiều Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm