1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bài toán cấm amiăng không thể chỉ đong đếm bằng… tiền

(Dân trí) - Đến nay vẫn chưa có vật liệu thay thế tấm lợp amiăng xi măng tương tự về giá thành và chất lượng trong khi nhu cầu sử dụng amiăng trắng là có thật, phù hợp với mức thu nhập của nhiều người Việt Nam. Khi cấm amiăng trắng, chi phí Chính phủ phải bỏ ra sẽ tốn gấp nhiều lần so với chi phí mà các doanh nghiệp trong ngành sản xuất này mất đi…

Đây là những vấn đề được Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nêu ra tại hội nghị “Việc sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam và thế giới” do các cơ quan của Quốc hội phối hợp tổ chức ngày 28/7.

Phó Chủ nhiệm khẳng định, Việt Nam đã cấm hoàn toàn sản phẩm amiăng xanh, nâu từ lâu, giờ chỉ bàn đến vấn đề amăng trắng mà hiện vẫn có 2 quan điểm khác biệt bộc lộ cả trong dư luận, trong cơ quan quản lý nhà nước và cả cơ quan ban hành chính sách là “tẩy chay” hay tiếp tục cho sử dụng có kiểm soát loại vật liệu này.

Ông Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm của UB Các vấn đề xã hội là việc loại bỏ amiăng trắng cần được nhìn tổng thể cả về góc độ y tế, sức khoẻ, kinh tế.
Ông Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm của UB Các vấn đề xã hội là việc loại bỏ amiăng trắng cần được nhìn tổng thể cả về góc độ y tế, sức khoẻ, kinh tế.

Căn nguyên sâu xa dẫn tới chủ trương dừng sản xuất, sử dụng amiăng trắng, thể hiện trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh có liên quan đến amiăng giai đoạn 2020 và định hướng đến 2030 là từ các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và công ước Rotterdam.

WHO thì khẳng định các loại amiăng đều có khả năng gây tổn thương tới sức khoẻ con người. Việt Nam, theo đó, đã khẳng định vấn đề này trên cơ sở khuyến cáo đưa ra của WHO nhưng nghiên cứu trên thực tế thì chưa thấy có bằng chứng thể hiện có bệnh nhân bị ung thư trung biểu mô phổi do amiăng trắng ở trong nước. Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia y tế thì cho rằng không cần nghiên cứu thêm về bằng chứng ở Việt Nam vì không đủ điều kiện để nghiên cứu toàn diện mà sử dụng bằng chứng quốc tế là đủ.

Theo công ước Rotterdam thì trong danh mục các chất độc hại, cấm buôn bán, vận chuyển bằng đường biển cho đến năm 2017 lại không có chrysotile (amiăng trắng) mà là 5 loại sợi khoáng (amphibole) khác.

Còn trong lĩnh vực lao động, theo ông Lợi, hầu hết các quốc gia đều quy định rất chặt chẽ về amiăng trắng song số nước vẫn còn sử dụng, sản xuất loại vật liệu này gấp 3 lần số nước cấm hoàn toàn. Nhiều nghiên cứu kinh tế thì chỉ ra rằng, khi cấm amiăng trắng thì chi phí Chính phủ phải bỏ ra tốn gấp nhiều lần so với chi phí mà các doanh nghiệp và xã hội mất đi.

“Chưa có vật liệu thay thế tương tự về giá thành và chất lượng, phù hợp với điều kiện chuyển đổi công nghệ của các doanh nghiệp trong khi nhu cầu sử dụng ami ăngtrắng, nhất là trong sản xuất tấm lợp, là có thật và phù hợp với mức thu nhập của nhiều người tiêu dùng ở Việt Nam, đặc biệt là phù hợp với điều kiện khí hậu vùng sương muối vùng bão lũ và vùng biển” – ông Lợi nêu quan điểm của UB Các vấn đề xã hội.

Việc loại bỏ amiăng trắng, theo Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi, cần được nhìn tổng thể cả về góc độ y tế, sức khoẻ, kinh tế nhưng cũng phải hài hoà khi nhìn từ góc độ nhà đầu tư, sản xuất và sức khoẻ người lao động liên quan và dứt khoát là phải có lộ trình rõ ràng, có bước chuyển tiếp công khai với người dân, dư luận.

Nếu có, công nhân sản xuất tấm lợp phải bị ung thư đầu tiên!

Phát biểu tại hội nghị, TS.BS Lê Thị Hằng – GĐ Bệnh viện Xây dựng thông tin từ hoạt động khám sàng lọc bệnh cho công nhân trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng liên tục từ năm 1990 đến nay. Cụ thể, các nghiên cứu bệnh nghề nghiệp cũng như hoạt động đo đếm môi trường lao động tại các cơ sở sản xuất trong 25 năm qua cho thấy, với các nhà máy sản xuất tấm lợp, trước năm 2000, công nghệ sử dụng rất lạc hậu, nguy cơ phơi nhiễm với người lao động lớn.

Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết sẽ báo cáo các vấn đề nêu ra tại hội nghị lên lãnh đạo Quốc hội.
Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết sẽ báo cáo các vấn đề nêu ra tại hội nghị lên lãnh đạo Quốc hội.

10 năm trở lại đây, môi trường lao động đã được cải thiện rất nhiều, hầu hết các nhà máy đã áp dụng dây chuyền xé bao, phối trộn amiăng tự động, nghiền nguyên cả vỏ bao, không cần sử dụng nhân lực tại khâu này.

Bác sỹ Hằng cũng quả quyết, đến nay chưa phát hiện trường hợp công nhân trực tiếp lao động trong nhà máy mắc bệnh ung thư phổi, thực quản, xơ hoá phổi do amiăng. Số lượng bệnh nhân bệnh bụi phổi do amiăng cũng thấp hơn rất nhiều so với bệnh nhân bụi phổi silic trong các nhà máy sản xuất ximăng.

Trong 25 năm nghiên cứu, bà Hằng cho biết, chỉ có 3 trường hợp bệnh nhân bị bụi phổi được phát hiệnthì đó lại là những lao động tại nhà máy sản xuất má phanh chứ không phải công nhân sản xuất tấm lợp.

Nghiên cứu này, Giám đốc Bệnh viện Xây dựng phân tích, tương đồng với nghiên cứu ở Thái Lan (đất nước sản xuất, sử dụng loại tấm lợp này từ 1938). Trong hơn nửa thế kỷ sản xuất, sử dụng loại vật liệu này, Thái Lan xác định có 80 trường hợp bệnh nhân bị ung thư trung biểu mô phổi nói chung nhưng cũng không có bằng chứng cho thấy nguyên nhân là do amiăng (trong phổi những người mắc bệnh không tìm thấy sợi amiăng).

Trả lời cho câu hỏi tại sao có sự khác biệt trong theo dõi thực tế tại Việt Nam và một số nước so với công bố của WHO, TS. Hằng chia sẻ, bà đã từng tham gia đoàn khảo sát của WHO về vấn đề này tại Nhật Bản năm 2008. Đến bảo tàng bệnh nghề nghiệp tại nước này, hình ảnh về nhiều bệnh nhân ung thu trung biểu mô phổi được phát hiện vào những năm 1950 cho thấy đó là thập kỷ Nhật cũng như nhiều nước Châu Âu sử dụng amiăng xanh, nâu phun trực tiếp lên tường, trần nhà để cách nhiệt.

“Nhật có rất nhiều bệnh nhân bị ung thư trung biểu mô phổi trong giai đoạn này là vì vậy. Sau đó, amiăng xanh, nâu đã bị cấm hoàn toàn trên toàn thế giới. Những bệnh nhân được xác định có dấu tích của các sợi amiăng trong phổi được đền bù theo chính sách bệnh nghề nghiệp” – bà Hằng giải thích.

Giám đốc Bệnh viện Xây dựng cũng trình bày kết quả nghiên cứu tại cộng đồng người dân có tới 70% các gia đình sinh sống cả đời dưới mái nhà lợp ngói fibro ximăng tại Hà Giang. Theo đó, tỷ suất tử vong thô cũng như tỷ lệ người chết vì bệnh ung thư tại vùng này đều tương ứng, thậm chí thấp hơn tỷ suất chung của cả nước.

Góp ý kiến về vấn đề này, Giám đốc nhà máy tấm lợp Đông Anh (Hà Nội), nhà máy lâu đời nhất hoạt động trong lĩnh vực sản xuất này tại Việt Nam thốt lên: “Nhà máy của chúng tôi hoạt động từ năm 1954 tới nay. Nếu có, công nhân lao động, người trực tiếp tiếp xúc ngày này qua tháng khác với amiăng như chúng tôi phải là người đầu tiên bị ung thư chứ không phải là những người sống dưới mái nhà lợp fibro ximăng”.

Vẫn chưa thấy thuyết phục với những căn cứ đưa ra, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (uỷ viên thường trực UB Các vấn đề xã hội) băn khoăn: “Nói như vậy thì tại sao bản đồ các nước sử dụng amiăng lại đang giảm mạnh mẽ và ngày càng mở rộng. Rõ ràng amiăng đã được xác định là một chất có hại cho con người. Vậy thì thiệt hại, dù chưa nhìn thấy nhưng cũng cần suy đoán theo hướng đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro đối với cộng đồng. Đây là vấn đề nhạy cảm và không thể chỉ đong đếm bằng tiền”.

Ông Nhưỡng đề nghị các cơ quan của Quốc hội tổ chức giám sát về vấn đề này, giám sát nghiêm túc, khách quan để có được những căn cứ xác đáng, thuyết phục nhất cho những quyết định điều chỉnh về chính sách.

P.Thảo