1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vẫn có người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bị đưa vào diện… tinh giản

(Dân trí) - Trao đổi với phóng viên Dân trí về chính sách tinh giản biên chế, ông Trần Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh yêu cầu thực hiện công tâm, khách quan, không vì yêu ghét, có trách nhiệm cao để không loại “nhầm” người giỏi, bỏ lọt người kém...

Ra 2 vào 1

Từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đến nay, công tác tinh giản biên chế ở các Bộ ngành và địa phương được thực hiện thế nào, thưa ông?

Căn cứ theo Nghị định 108 của Chính phủ và Thông tư liên tịch 01 của liên Bộ Nội vụ - Tài chính về chính sách tinh giản biên chế, trong năm 2015, các Bộ, ngành, địa phương bắt đầu thực hiện tinh giản biên chế trên cơ sở đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Bộ Nội vụ có nhiệm vụ thẩm tra danh sách tinh giản biên chế trước khi Bộ Tài chính xem xét cấp kinh phí. Trong quá trình đó, Bộ Nội vụ đã rà soát để đảm bảo đúng đối tượng và đúng chính sách.

Theo ông Trần Anh Tuấn nếu người đứng đầu công tâm, khách quan sẽ không loại nhầm người gỏi, bỏ lọt người yếu kém
Theo ông Trần Anh Tuấn nếu người đứng đầu công tâm, khách quan sẽ không loại "nhầm" người gỏi, bỏ lọt người yếu kém

Kết quả cho thấy các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ, nghiêm túc chính sách tinh giản biên chế theo quy định. Trong 5 tháng cuối năm 2015, đã thực hiện tinh giản biên chế trong khu vực hành chính, sự nghiệp được trên 5.000 người.

Tuy nhiên, qua quá trình thẩm tra vẫn cho thấy vẫn còn chỗ này, chỗ khác chưa làm đúng việc xác định đối tượng để tinh giản biên chế. Cụ thể như một số người được đánh giá phân loại là hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ hoặc có trình độ đào tạo phù hợp với vị trí việc làm mà vẫn bị đưa vào diện tinh giản biên chế. Bên cạnh đó có những cơ quan, tổ chức, đơn vị không tổ chức sắp xếp lại bộ máy nhưng cũng lấy lý do đó để tinh giản biên chế.

Trong quá trình thẩm tra, Bộ Nội vụ đã rà soát chặt chẽ, không thống nhất các trường hợp tinh giản biên chế không đúng đối tượng quy định. Việc thẩm tra của Bộ Nội vụ cũng nhằm tránh xảy ra tình trạng thất thoát lãng phí trong quá trình tinh giản biên chế, nghĩa là đảm bảo chỉ tinh giản đúng người không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, không đảm bảo sức khỏe... Mục tiêu của tinh giản biên chế là đưa những người không đáp ứng yêu cầu công việc, những người dôi dư ra khỏi đội ngũ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chứ không phải tạo điều kiện cho người không đúng đối tượng lại đưa vào tinh giản biên chế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định về kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị. Thực tế vấn đề tinh giản biên chế đã được đặt ra từ nhiều năm trước nhưng không hiệu quả, bộ máy hành chính một số cơ quan vẫn cứ phình ra. Thời gian tới các Bộ ngành, địa phương phải thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế như thế nào để đảm bảo đúng Quyết định của Chính phủ và Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị?

Việc tinh giản biên chế được thực hiện theo nguyên tắc “ra 2 vào 1”. Tức là các Bộ ngành, địa phương chỉ được tuyển 50% số tinh giản biên chế cộng với số nghỉ hưu, thôi việc theo quy định của pháp luật. Chủ trương chung của Chính phủ khi triển khai Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế là quá trình thực hiện cần kết hợp nhiều giải pháp, có tính đồng bộ mới đạt được kết quả và mục tiêu đề ra. Nếu cứ đưa ra bao nhiêu lại lấy vào bấy nhiêu thì sẽ không đạt được mục tiêu đặt ra.

Vì vậy, bên cạnh tinh giản biên chế thì vẫn phải giữ ổn định, kiên trì không giao bổ sung biên chế trong một giai đoạn nhất định cho các cơ quan, tổ chức. Hai giải pháp này phải thực hiện song song đồng bộ, không thể tinh giản xong lại bổ sung. Bên cạnh đó còn các giải pháp khác.

Không loại “nhầm” người giỏi, bỏ lọt người kém

Như ông phân tích ở trên, đã có tình trạng tinh giản biên chế không đúng đối tượng. Vậy làm cách nào để không loại bỏ “nhầm” người giỏi, làm được việc ra khỏi bộ máy hành chính, trong khi những đối tượng yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ hay “công chức cắp ô” thì vẫn được giữ lại?

Nói đúng ra thì vẫn có cơ quan, đơn vị đề nghị nhiều trường hợp trong danh sách tinh giản biên chế không đúng đối tượng. Tuy nhiên, do có sự thẩm tra của Bộ Nội vụ nên đã ngăn ngừa được tình trạng tinh giản không đúng đối tượng. Nếu làm đúng các quy định của pháp luật về tinh giản biên chế và người đứng đầu thực hiện một cách công tâm, khách quan, không vì yêu ghét, có trách nhiệm cao thì không thể loại bỏ “nhầm” người giỏi, bỏ lọt người kém.

Sau tốt nghiệp, nhiều người có mong muốn trở thành công chức
Sau tốt nghiệp, nhiều người có mong muốn trở thành công chức

Bên cạnh đó, để đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu đổi mới phương thức tuyển dụng. Hướng nghiên cứu sẽ làm thế nào để gắn thẩm quyền tuyển dụng với quyền sử dụng, tức là phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xây dựng đội ngũ. Ai là người sử dụng sẽ phải được trao quyền tuyển dụng. Điều này sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ quan đã được phân cấp tuyển dụng công chức, viên chức. Như thế sẽ còn xóa bỏ tình trạng đơn vị có biên chế nhưng vẫn ký hợp đồng lao động, không chịu tổ chức tuyển dụng.

Hiện nay, chúng ta đã gắn liền mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ thì người đứng đầu mới hoàn thành tốt nhiệm vụ và ngược lại. Do đó, các cơ quan, tổ chức muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ hay nói một cách khác, người đứng đầu muốn hoàn thành nhiệm vụ thì đội ngũ giỏi, thành thạo công việc, có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực.

Nếu một cơ quan tiến hành tuyển dụng dựa trên nể nang, quen biết, dễ dãi, không căn cứ vào nhu cầu công việc thì cơ quan đó không thể hoàn thành nhiệm vụ tốt được, đội ngũ ở đó cũng sẽ không bảo đảm được yêu cầu công việc. Và nếu người đứng đầu qua 1 - 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì chắc chắn cơ quan có thẩm quyền sẽ phải xem xét để bố trí lại công tác.

Qua việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, ở một số Bộ ngành, đơn vị cho thấy tồn tại hiện nay là hầu hết đều được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên. Theo ông, các đơn vị nên căn cứ vào đâu để khắc phục được tình trạng đó?

Từ giữa năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56 về đánh giá, phân lọai cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, quy định cụ thể, rõ ràng những tiêu chí để làm căn cứ đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức, tạo điều kiện cho người đứng đầu phát huy hết thẩm quyền, trách nhiệm. Với từng mức độ hoàn thành nhiệm vụ từ xuất sắc, đến tốt hay không hoàn thành nhiệm vụ, tại văn bản này đều có những tiêu chí cụ thể, nhất định.

Nghị định 56 là cơ sở pháp lý rất quan trọng giúp người đứng đầu thực hiện tốt trách nhiệm trong việc đánh giá, phân lọai những người thuộc thẩm quyền quản lý, sử dụng; phân biệt được người làm tốt và người làm chưa tốt, người tận tụy, có trách nhiệm với người lười biếng hoặc vô cảm trong thực hiện nhiệm vụ.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (thực hiện)