1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vắc xin Anh nhập từ Hàn Quốc, Bộ Y tế khẳng định độ đặc hiệu 80% trở lên

Thái Anh

(Dân trí) - Đây là thông tin Thứ trưởng Bộ Y tế nêu tại cuộc họp của Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chiều 26/2, khi có dư luận về chất lượng, hiệu quả của vắc xin Astrazeneca.

Cuộc họp diễn ra tại trụ trở Chính phủ dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo. Các thành viên Ban Chỉ đạo, chuyên gia đã phân tích diễn biến tình hình dịch bệnh 1 tháng qua, nhất là những ổ dịch lớn ở Hải Dương, Quảng Ninh, TPHCM…

Vắc xin Anh nhập từ Hàn Quốc, Bộ Y tế khẳng định độ đặc hiệu 80% trở lên - 1

Thương trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 họp chiều 26/2 (ảnh: VGP)

Đợt dịch thứ 3 xảy ra khi nhiều người vào Việt Nam cách ly ngắn hạn

Các chuyên gia cho biết, những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trên thế giới cho thấy tốc độ lây lan sinh học của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 nhanh hơn khoảng 1,7 lần nhưng trong thực tế kết hợp với các số liệu tính toán cho thấy thời gian lây nhiễm chủng virus trước đây khoảng 5-6 ngày 1 vòng lây nhưng hiện chỉ 3 ngày 1 vòng lây nên các chuyên gia đánh giá tốc độ lây lan trong thực tế của biến thể mới nhanh gấp 4-5 lần. Điều này đòi hỏi năng lực phát hiện, cách ly, khoanh vùng, đặc biệt là xét nghiệm phải tăng tương ứng.

Theo báo cáo của Bộ Y tế và các địa phương, hiện tại, tình hình dịch trên cả nước cơ bản được kiểm soát tốt. Sau 1 tháng phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên vào ngày 27/1, ổ dịch Vân Đồn (Quảng Ninh) và ổ dịch Chí Linh (Hải Dương) đã cơ bản được kiểm soát sau một thời gian ngắn. Kể từ ngày phát hiện ca đầu tiên, ổ dịch Vân Đồn (Quảng Ninh) cơ bản được kiểm soát sau 6 ngày; ổ dịch Chí Linh (Hải Dương) cơ bản được kiểm soát sau 8 ngày.

Tuy nhiên, dịch bệnh ở Hải Dương xảy ra tại những cụm công nghiệp có số lượng công nhân rất lớn. Biến chủng virus SARS-CoV-2 tại Hải Dương (biến thể Anh B.1.1.7) có khả năng lây lan nhanh hơn virus gây dịch bệnh tại Đà Nẵng (Biến thể châu Âu D614G).

PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định có nhiều nguyên nhân gây nên đợt dịch vừa qua nhưng có điều trùng hợp là các biến thể virus đều từ bên ngoài xâm nhập vào và có phần trùng với khoảng thời gian nhiều chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc, cách ly ngắn hạn.

Các vắc xin ngừa Covid-19 chỉ sinh kháng thể trong thời gian nhất định

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh bài học trong đợt chống dịch này, từ việc áp dụng chiến lược phát hiện nhanh, truy vết thần tốc, truy đến đâu khoanh đến đó. Phó Thủ tướng nhận định, trường hợp biến thể mới lây lan nhanh hoặc dẫn đến rủi ro cao, có thể áp dụng các biện pháp "phong tỏa trong phong tỏa" như Hải Dương đã thực hiện. "Vòng trong" truy vết nhỏ nhưng chặt, "vòng ngoài" phong tỏa tạm thời ở quy mô rộng hơn. Sau khi xác định được yếu tố rủi ro thì sẽ dỡ phong tỏa "vòng ngoài" để chống dịch nhưng cũng giảm thiểu thiệt hại kinh tế và xáo trộn đời sống người dân.

Vắc xin Anh nhập từ Hàn Quốc, Bộ Y tế khẳng định độ đặc hiệu 80% trở lên - 2
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chủ trì cuộc họp.

Phó Thủ tướng đồng tình với Bộ Y tế, trong chống dịch thì vắc xin ngừa Covid-19 vẫn là giải pháp căn cơ nhất. Thực tế cho thấy các nước bắt đầu triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 đã có hiệu quả. Bộ Y tế rất tích cực trong đàm phán, mua vắc xin từ nước ngoài, nhận tài trợ vắc xin từ các tổ chức quốc tế, chuẩn bị để tổ chức tiêm chủng thật tốt.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhắc lại khuyến nghị của các chuyên gia là có vắc xin rồi nhưng không được chủ quan. Vì sau khi tiêm mũi thứ nhất chưa sinh kháng thể chống lại virus ngay mà phải đến mũi thứ hai. Trong khoảng thời gian giữa mũi thứ nhất và thứ hai vẫn phải coi như người chưa được tiêm vắc xin.

Trước những thông tin không chính thức về hiệu quả của vắc xin Astrazeneca (như việc vắc xin của Anh lại được đưa về Việt Nam từ Hàn Quốc, việc đánh giá chất lượng vắc xin tại Châu Âu), Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường khẳng định độ đặc hiệu của vắc xin này từ 80% trở lên.

Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia đề cập thêm tiến độ sản xuất vắc xin trong nước khi vắc xin Nanocovax đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm thứ hai, 2 loại khác bước vào thử nghiệm giai đoạn 1.

Phó Thủ tướng quán triệt, việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vắc xin trong nước phải tuân thủ tất cả các bước, chắc chắn nhưng cố gắng nhanh nhất có thể. Đến nay các đơn vị nghiên cứu đã rút ngắn 50% thời gian thực hiện giai đoạn 2, từ 6 tháng xuống 3 tháng.

Những thông tin ban đầu cho thấy, các vắc xin ngừa Covid-19 chỉ sinh ra kháng thể trong một thời gian nhất định, có nghĩa nhiều khả năng hàng năm đều phải tiêm nhắc lại chứ không phải 1 đợt, hay 1 năm là xong. Dân số Việt Nam là 100 triệu người, việc phát triển thành công vắc xin trong nước không chỉ khẳng định năng lực, niềm tự hào của đội ngũ khoa học y tế, đáp ứng kỳ vọng, sự tin tưởng của người dân mà còn giúp chủ động trong phòng, chống dịch, với kinh phí thấp hơn nhiều so với vắc xin nhập khẩu.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), Phó Thủ tướng khẳng định truyền thống đáng tự hào của ngành Y tế, nhất là trong hơn 1 năm chống dịch vừa qua.

"Hai đợt dịch trước nhiều bạn bè, tổ chức quốc tế bày tỏ sự ngạc nhiên, đánh giá cao kết quả dập dịch của Việt Nam, và đợt dịch thứ ba, dù khó khăn hơn rất nhiều nhưng đến thời điểm này có thể khẳng định chúng ta đã cơ bản chiến thắng đợt dịch thứ ba. Nhưng chúng ta mới thắng từng trận đánh, từng chiến dịch, chứ chưa thắng cả cuộc chiến. Chúng ta vẫn phải tiếp tục cảnh giác vì không ai có thể chắc chắn ở Việt Nam không có mầm bệnh, thậm chí ổ dịch tiềm tàng trong cộng đồng. Chúng ta cảnh giác nhưng không run sợ vì đã quen với "kẻ địch Covid-19", dù có biến thể nào đi chăng nữa" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.