Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận vi phạm vụ điện, xăng dầu
(Dân trí) - (Dân trí) -Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa phát đi thông cáo kỳ họp thứ 34, diễn ra từ ngày 18 đến 20/12. Cơ quan kiểm tra của Đảng tại kỳ họp này đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Công Thương.
Hàng loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo Bộ Công Thương dính sai phạm
Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo.
Việc này đã khiến nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định trong tham mưu, ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời, điện gió; thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh; trong tham mưu, ban hành cơ chế kinh doanh, điều hành nguồn cung ứng, cấp phép kinh doanh xăng, dầu.
Những vi phạm trên còn dẫn đến vi phạm trong quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá; trong lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức đấu thầu, thực hiện các dự án/gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện.
Nhiều cán bộ, đảng viên đã bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự liên quan vụ việc này, theo cơ quan kiểm tra của Đảng.
Trách nhiệm đối với những vi phạm đã chỉ ra thuộc về Ban cán sự đảng Bộ Công Thương các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026; Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, Đảng ủy các Cục, Vụ liên quan.
Về trách nhiệm cá nhân, Ủy ban Kiểm tra Trung ương "điểm tên" hàng loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo và cán bộ Bộ Công Thương có liên quan.
Những người này gồm:
Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Ông Đỗ Thắng Hải, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Ông Hoàng Quốc Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ.
Ông Trần Hữu Linh, Bí thư Đảng ủy, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo.
Ông Trần Duy Đông, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu.
Ông Phương Hoàng Kim, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững.
Ông Đặng Huy Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nguyên Bí thư Đảng ủy, Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng.
Ông Lý Quốc Hùng, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ.
Ông Võ Văn Quyền, nguyên Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương.
Liên quan đến những vi phạm trên, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, còn trách nhiệm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 cùng nhiều cá nhân. Những người này gồm:
Ông Trịnh Đình Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Mai Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;
Ông Dương Quang Thành, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Ông Trần Đình Nhân, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Ông Nguyễn Danh Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Giám đốc Công ty Mua bán điện.
Sai phạm nghiêm trọng, khó khắc phục
Cơ quan kiểm tra của Đảng nhận định những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục; nguy cơ thiệt hại rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước, lãng phí nguồn lực xã hội.
Việc này còn khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan quản lý Nhà nước, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và cấp ủy, tổ chức đảng ở một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan phối hợp, chỉ đạo kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật các tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm. Kết quả xử lý phải báo cáo về Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Cơ quan này cũng cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, xem xét, xử lý tổ chức đảng, đảng viên tại các địa phương, đơn vị có liên quan trong thực hiện những dự án năng lượng tái tạo.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã kết luận nhiều vi phạm về quản lý, đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời vào quy hoạch.
Kết luận thanh tra xác định Bộ Công Thương đã phê duyệt bổ sung 114 dự án với công suất 4.186MW vào quy hoạch điện lực cấp tỉnh. Bộ này cũng trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh 54 dự án với tổng công suất 10.521MW.
Theo quy định, việc đầu tư phải dựa trên quy hoạch điện mặt trời cấp tỉnh, quốc gia, song Bộ Công Thương đã không thực hiện đúng.
Hàng trăm dự án được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung hoặc tham mưu Thủ tướng bổ sung, không có căn cứ pháp lý về quy hoạch, không có cơ sở để quản lý, kiểm soát và đảm bảo cạnh tranh trong thu hút đầu tư, nguy cơ phát sinh cơ chế xin - cho.
Cũng theo kết luận, Bộ Công Thương có khuyết điểm, vi phạm khi tham mưu cơ chế khuyến khích dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận sau khi Quyết định 11/2017 hết hiệu lực, dẫn tới 14 dự án được hưởng giá FIT ưu đãi trong 20 năm không đúng quy định.
Số tiền điện EVN phải thanh toán cho các chủ đầu tư này trong 2,5 năm (từ 2020 đến tháng 6/2022) tăng thêm hơn 1.480 tỷ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, một số khuyến nghị "không nên đầu tư điện mặt trời bằng mọi giá, cần đồng bộ với đầu tư lưới truyền tải, phân phối và khả năng chi trả của người tiêu dùng cuối cùng" được đưa ra, song Bộ Công Thương không tiếp thu đầy đủ.