Ưu tiên gỡ khó cho đường BOT đã xây xong chưa thể đặt trạm
(Dân trí) - Thường trực Chính phủ nêu ra một số nguyên tắc gỡ khó cho các dự án BOT giao thông, trong đó lưu ý Bộ GTVT hạn chế việc dùng đến ngân sách Nhà nước.
Ngày 20/6, Văn phòng Chính phủ công bố kết luận của Thường trực Chính phủ liên quan đến Đề án xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông.
Quan điểm của Thường trực Chính phủ trong việc xử lý các dự án BOT giao thông là chỉ khi các giải pháp khác không khả thi mới đề xuất cấp có thẩm quyền bố trí ngân sách Nhà nước để xử lý. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các địa phương phải sử dụng tối đa công cụ thuộc thẩm quyền để giải quyết khó khăn cho từng dự án.
Trường hợp cần trình Quốc hội ban hành Nghị quyết, Thường trực Chính phủ yêu cầu xem xét các dự án đã hoàn thành nhưng không thể đặt trạm thu phí, đồng thời đề xuất cơ chế để đa dạng hóa nguồn lực, giảm sử dụng vốn Nhà nước.
Thường trực Chính phủ giao Bộ GTVT phối hợp với Ngân hàng Nhà nước làm việc với các nhà đầu tư và tổ chức cung cấp tín dụng để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, cùng chia sẻ rủi ro, cơ cấu lại khoản vay, và điều chỉnh phương án trả nợ phù hợp.
Về lâu dài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Bộ GTVT nghiên cứu giải pháp phù hợp khi sửa đổi Luật PPP để xử lý các dự án tiềm ẩn khó khăn.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện đề án với chất lượng và tính thuyết phục cao để trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Trước đó, Bộ GTVT đã lập và trình lên Thường trực Chính phủ dự thảo Đề án xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông.
Theo Bộ GTVT, trong tổng số 140 dự án BOT giao thông trên cả nước, còn lại 11 dự án cần có giải pháp xử lý vượt thẩm quyền cơ quan ký kết hợp đồng (8 dự án của Bộ GTVT và 3 dự án của địa phương.