TPHCM:
Uống "ma túy nước biển", 3 người thương vong
(Dân trí) - Trong lúc nhậu, 3 người đàn ông pha "ma túy nước biển" vào rượu uống, sau đó một người chết gục trên xe máy, 2 người nhập viện.
Ngày 24/5, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, các bác sĩ vừa kịp thời cứu sống một trường hợp bị ngộ độc Gama Hydroxybutyrate (GHB - còn gọi là ma túy nước biển).
Trước đó ngày 1/5, bệnh nhân K. (38 tuổi, ngụ TPHCM) được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, vật vã. Người nhà bệnh nhân cho biết, khoảng 18h-23h ngày 30/4, anh K. và hai người bạn nam khác cùng nhậu. Trong lúc nhậu, họ có sử dụng chất kích thích "ma túy nước biển" pha vào rượu để uống.
Sau đó, một trong hai người bạn nhậu chung với anh K. chạy xe máy về thì bất ngờ dừng lại bên đường, nằm gục trên xe và tử vong. Người còn lại thấy đau đầu, mệt mỏi, phải nhập viện địa phương điều trị trong một ngày thì tình trạng mới ổn định...
Trường hợp anh K. khi vào Bệnh viện Chợ Rẫy được chuyển khoa Bệnh Nhiệt đới, xử lý cấp cứu tích cực. Ngoài tình trạng bị kích thích vật vã, ê-kíp điều trị xác định bệnh nhân còn tăng men tim và tăng men cơ (biểu hiện của hủy cơ) rất cao, cho thấy bệnh nhân bị tổn thương nặng nề trên cơ tim và cơ vân. Hậu quả của tình trạng hủy cơ nặng nề khiến bệnh nhân bị suy thận nặng, phải lọc máu liên tục mới có thể giữ mạng.
Đánh giá những hậu quả nặng nề có thể xảy ra, ê-kíp điều trị áp dụng phác đồ xử lý khẩn trong 24 giờ, tính từ khi tiếp xúc với độc chất và liên tiếp 5 ngày sau đó. Bệnh nhân được điều trị tích cực, lọc máu nên tình trạng hủy cơ và chức năng thận đã được cải thiện. Qua 11 ngày điều trị, anh K. được xuất viện, kết quả tái khám cho thấy sức khỏe ổn định.
"Ma túy nước biển" là gì?
Theo TS.BS. Nguyễn Thị Thủy Ngân, khoa Bệnh Nhiệt đới, ma túy nước biển có tên Gama Hydroxybutyrate (viết tắt GHB), giới "ăn chơi" thường gọi tiếng lóng "Vitamin G". Đây là một dạng ma túy lỏng, không màu, không mùi, vị hơi mặn. Ngoài ra có những chế phẩm khác dưới dạng bột hoặc dưới dạng viên nén và viên nang.
Chất này được giới thiệu lần đầu tiên vào cuối thế kỷ 19 bởi một nhà hóa học người Nga. Trước đây chất này được sử dụng trong lĩnh vực gây mê vì tác dụng ức chế thần kinh, tuy nhiên sau đó các nhà khoa học ngưng sử dụng vì thuốc có tác dụng phụ gây ngưng hô hấp.
Chất này sau đó chỉ khuyến cáo dùng ở một số nước châu Âu, Hoa Kỳ cho các bệnh nhân cai rượu, cai thuốc phiện hoặc trong điều trị rối loạn giấc ngủ.
Bác sĩ cảnh báo, sau khi uống chất này, người sử dụng thường bị kích thích, hưng phấn, không cảm nhận được những nguy hiểm nên rất dễ gây ra tai nạn trong sinh hoạt...