1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cần Thơ:

Ước mơ “lên bờ” của nữ hộ sinh duy nhất ở chợ nổi Cái Răng

(Dân trí) - Phần đông những đứa trẻ ở chợ nổi Cái Răng chỉ học cho biết chữ rồi theo cha mẹ mưu sinh trên sông. Tuy nhiên, em Lê Thị Huyền Trân (SN 1994) lại cố gắng học hành để trở thành nữ sinh viên đầu tiên với ước mơ được “lên bờ” thoát khỏi cảnh lênh đênh cùng sóng nước.

Mới sáng sớm, trời cuối đông se se lạnh, hàng trăm con người với đủ thứ nghề từ buôn bán trái cây, vé số, cà phê, ăn uống… len lỏi quanh các ghe hàng, thuyền du lịch ở chợ nổi Cái Răng để mưu sinh. Trên chiếc bè bán trái cây, hỏi về chuyện học hành của những đứa trẻ ở xóm chợ nổi, Huyền Trân tỉnh rụi cho hay: “Dân chợ nổi này đa số học cho biết chữ thì nghỉ rồi theo cha mẹ sống trên ghe để mưu sinh. Em là sinh viên đầu tiên của chợ nổi này nhưng ra trường không có việc làm nên tiếp tục về đây phụ bán trái cây để kiếm sống”.

Theo Huyền Trân, năm 2012, cô là nữ sinh viên đầu tiên ở chợ nổi Cái Răng học ngành Hộ sinh (Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ) đến năm 2014 ra trường với tấm bằng loại khá. Gần đây ở chợ nổi có thêm 1 nữ sinh viên học ngành Anh văn (Trường Cao đẳng Cần Thơ).

Bà Đặng Thị Tím, mẹ em Huyền Trân cho biết: “Hai vợ chồng tôi quê gốc ở huyện Phong Điền (TP Cần Thơ), cách đây gần 20 năm cả gia đình về chợ nổi Cái Răng để mưu sinh bằng nghề buôn bán. Khi đó, chồng tôi bán trái cây, đưa khách du lịch ngắm chợ nổi còn tôi thì chèo xuồng bán vé số. Cuộc sống rất vất vả nhưng tôi vẫn thuê nhà trọ ở cặp chợ nổi cho Trân đi học đến nơi đến chốn mong thoát khỏi cái chợ nổi đầy vất vả này”.

Theo bà Tím, cách đây hơn 2 năm, người chồng đột ngột qua đời nên một mình bà ráng bán vé số gồng gánh nuôi con ăn học.

Không có việc làm nên Huyền Trân quay lại chợ nổi để bán trái cây thuê
Không có việc làm nên Huyền Trân quay lại chợ nổi để bán trái cây thuê

Suốt bao năm qua, bà Tím sáng thức dậy sớm chèo xuồng ra chợ nổi bán vé số đến trưa khi chợ tan lại vào bờ để chờ cho buổi họp chợ ngày hôm sau. Cuộc sống bên chợ nổi gần đây khá khó khăn vì khách du lịch cũng ít khi mua vé số trên sông.

Mỗi ngày bà Tím chèo xuồng bán vé số dọc chợ nổi Cái Răng
Mỗi ngày bà Tím chèo xuồng bán vé số dọc chợ nổi Cái Răng

Thời gian làm việc của Huyền Trân cũng bắt đầu từ sáng sớm khi chợ nổi mới nhóm họp. Huyền Trân cho biết: “Em thức dậy trước 5 giờ sáng để xuống bè bán trái cây thuê cho chủ, đến hơn 10 giờ trưa chợ tan thì nghỉ và được trả công 50 ngàn đồng/buổi. Suốt hơn 1 năm qua em ráng để dành tiền mua chiếc xe đạp điện nhằm có phương tiện để đi làm thêm vào buổi chiều nhưng đến nay vẫn chưa đủ tiền”.

Hai mẹ con Huyền Trân thuê căn nhà trọ cặp bên chợ nổi (phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) để tiện cho việc buôn bán, làm thuê. Căn nhà trọ khoảng 16 m2 với giá thuê mỗi tháng 600 ngàn đồng nhưng 2 mẹ con phải góp mỗi ngày 20 ngàn đồng vì việc buôn bán rất bấp bênh, sợ cuối tháng không có tiền đóng.

Huyền Trân gửi hồ sơ xin việc ở nhiều nơi với hy vọng được làm đúng chuyên môn đã được đào tạo
Huyền Trân gửi hồ sơ xin việc ở nhiều nơi với hy vọng được làm đúng chuyên môn đã được đào tạo

Huyền Trân cho biết: “Chợ nổi Cái Răng đẹp lắm, thơ mộng lắm nhưng em muốn thoát khỏi chợ nổi vì cuộc đời cha mẹ em rồi đến em và những người xung quanh sống bám vào chợ nổi rất bấp bênh, ai cùng nghèo khổ. Tuy nhiên, em xin việc đúng với chuyên môn mình đào tạo nhưng không ai nhận nên đành quay về với chợ nổi”.

Huyền Trân mong muốn thoát khỏi chợ nổi - nơi nhiều người dân nghèo vất vả mưu sinh
Huyền Trân mong muốn thoát khỏi chợ nổi - nơi nhiều người dân nghèo vất vả mưu sinh

Bên trong căn nhà trọ cũ kỹ, Huyền Trân cất giữ cẩn thận những bằng cấp mình đã học với hy vọng một ngày nào đó thoát khỏi cuộc sống lênh đênh ở chợ nổi. Tuy nhiên, nộp hồ sơ nhiều nơi, người ta chỉ hứa rồi thời gian cứ trôi đi nên không biết bao giờ em mới thực hiện được ước mơ được “lên bờ” của mình.

Hoàng Trung