Ứng viên đại biểu Quốc hội phải công khai khi vận động bầu cử
(Dân trí) - “Công khai” là nguyên tắc bổ sung được đưa vào trong quy định về việc vận động bầu cử tại dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua. Quốc hội tán thành cao với nội dung này.
Về quy trình ứng cử, tự ứng cử đại biểu Quốc hội, ông Lý cho biết, có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ, cụ thể hơn trong luật về việc tiếp nhận hồ sơ ứng cử áp dụng đối với người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử.
Tuy nhiên, UB Thường vụ Quốc hội giải thích, trong dự thảo Luật đã quy định khá cụ thể về thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ ứng cử đại biểu, các bước tiến hành nộp và xem xét hồ sơ ứng cử, số lượng và các loại tài liệu cần có trong hồ sơ ứng cử.
Trong Luật cũng không thể quy định một cách quá tỉ mỉ về yêu cầu đối với từng loại giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ ứng cử cũng như cách xử lý đối với từng trường hợp cụ thể có thể phát sinh. Do đó, dự thảo Luật đã giao Hội đồng bầu cử quốc gia quy định mẫu hồ sơ ứng cử đại biểu và hướng dẫn cụ thể về việc nộp và xem xét hồ sơ ứng cử.
Dự thảo Luật cũng đã có quy định về hồ sơ và thủ tục áp dụng chung cho cả ửng cử viên là người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử và cả người tự ứng cử.
Về vấn đề vận động bầu cử, có ý kiến đề nghị bổ sung yêu cầu “công khai” vào các nguyên tắc vận động bầu cử (quy định tại khoản 1 Điều 63). Ý kiến này, Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội cho biết, đã được UB Thường vụ Quốc hội tiếp thu, bổ sung vào dự thảo luật.
Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung, chỉnh lý một số nội dung liên quan đến quy định về các hành vi bị cấm trong vận động bầu cử cho phù hợp với quy định của các văn bản pháp luật khác và UB Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý lại Điều 68 để đảm bảo chính xác, thống nhất với các quy định hiện hành.
Vấn đề kinh phí tổ chức bầu cử (Điều 6), có ý kiến đề nghị quy định rõ kinh phí tổ chức bầu cử phải được dự toán và phân bổ trong năm ngân sách có tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Chủ nhiệm Phan Trung Lý nhận định, Điều 55 của Hiến pháp 2013 đã quy định các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán. Do đó, kinh phí tổ chức bầu cử do ngân sách nhà nước bảo đảm cũng phải được dự toán trong ngân sách của các địa phương, ngân sách của các cơ quan, tổ chức có tham gia công tác bầu cử từ năm trước đó. Với quy định của dự thảo Luật, này, công tác bảo đảm kinh phí cho cuộc bầu cử sẽ có điểm thuận lợi hơn vì ngày bầu cử do Quốc hội quyết định sẽ được công bố sớm hơn so với các lần bầu cử trước (từ kỳ họp cuối năm trước năm tiến hành bầu cử) và như vậy sẽ là cơ sở để các địa phương, cơ quan, tổ chức thực hiện việc dự toán, bố trí khoản kinh phí phù hợp trong năm ngân sách. Cách thức, nội dung chi tiết liên quan đến công tác dự toán ngân sách sẽ được quy định trong Luật ngân sách nhà nước và do Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể.
Với lý do đó, Điều 6 của dự thảo luật được giữ nguyên với nội dung quy định, kinh phí tổ chức bầu cử do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Ngoài ra, còn một nội dung nhận được nhiều ủng hộ là việc bỏ quy định “ưu tiên” về cơ cấu đại biểu Quốc hội đối với thủ đô Hà Nội.
Cụ thể, luật bầu cử đại biểu Quốc hội hiện hành quy định về căn cứ phân bổ đại biểu của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề ra nguyên tắc mỗi tỉnh, thành có ít nhất 3 đại biểu cư trú, làm việc tại địa phương; số đại biểu được tính theo số dân và đặc điểm mỗi địa phương. Riêng Hà Nội có riêng một điều khoản quy định “Thủ đô Hà Nội được phân bố số đại biểu thích đáng”.
Góp ý về nội dung này, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về số đại biểu Quốc hội được bầu tại thành phố Hà Nội với lập luận, trước đây, quy định ưu tiên xác định số lượng đại biểu Quốc hội thích hợp cho thành phố Hà Nội là cần thiết (khi dân số Hà Nội mới chỉ xấp xỉ bằng một phần hai dân số của thành phố Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, hiện tại, sau khi điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính của Hà Nội, thì dân số của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không còn có sự chênh lệch quá lớn.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, điều khoản quy định ưu tiên đối với Hà Nội đã được chỉnh lý, loại bỏ trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua.
Luật này có hiệu lực thi hành ngay từ 1/9 năm nay, trước khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp khóa mới.
P.Thảo