Ứng viên đại biểu Quốc hội đừng hứa vì lá phiếu
(Dân trí) - Nhiều cử tri cho rằng, ứng viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đừng hứa thật nhiều để “câu” lá phiếu. Nếu trở thành ĐBQH cần chứng minh bằng hành động để mang lại niềm tin cho cử tri.
Đó là những băn khoăn của cử tri quận Hai Bà Trưng gửi đến 5 ứng viên ĐBQH khoá XIII gồm các ông, bà: Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng; ông Phạm Quang Nghị - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội; ông Nguyễn Toàn Phong - Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội; bà Ngô Thị Lan Phương - Hiệu phó THPT Kim Anh; và thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến - Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) trong buổi tiếp xúc ngày 6/5.
Nhiều lời hứa bị “treo”
Cử tri Nguyễn Ích Vinh cho rằng, nhiều năm qua một số ĐBQH khi xuống địa phương thường rất chú tâm, lắng nghe và hứa cũng thật nhiều trước những ý kiến của cử tri. Nhưng khi giải quyết vấn đề thì thực sự chưa hiệu quả nhiều so với lời hứa.
“ĐBQH nói gì phải làm đấy, đừng chỉ hứa trong vận động bầu cử để được nhiều phiếu bầu. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước là ĐBQH phải suy nghĩ, dám đề xuất và bảo vệ đến cùng những giải pháp, cách làm thiết thực mang lại lợi ích cho nhân dân, xứng đáng niềm tin của nhân dân”, ông Vinh gửi gắm.
Theo ông Vinh, đoàn ĐBQH khoá XIII của Hà Nội cần tăng cường hoạt động giám sát để mọi nghị quyết của Đảng, Nhà nước được thực thi hiệu quả, mang lại niềm tin cho cử tri.
Trong khi đó, cử tri Nguyễn Văn Sưởng cho rằng, trong chương trình hành động của các ứng viên cần vạch rõ việc giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc trong những năm tới.
“Hà Nội đặt vấn đề ùn tắc giao thông nhiều năm qua nhưng chưa được giải quyết. Tôi thấy tình trạng ùn tắc ngày càng kinh khủng hơn. Khi đả động đến việc giải quyết vấn đề này nhiều lãnh đạo giải thích do thiếu tiền, và vì tiền còn tập trung giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc nhất. Thử hỏi giao thông ùn tắc không phải là vấn đề bức xúc thì còn vấn đề gì hơn”, ông Sưởng đánh giá.
Sau khi nghe chương trình hành động của 5 ứng viên ĐBQH, cử tri Đoàn Xuân Miễn cho rằng, những chương trình này rất sắc sảo, đề cập nhiều vấn đề người dân quan tâm và cả 5 ứng viên này đều rất xứng đáng làm ĐBQH.
Ông Miễn cũng mong muốn 3 “cột cờ” sau khi được cử tri chọn làm ĐBQH cần quan tâm đến những vấn đề hậu chất vấn. “Tôi thấy các ĐBQH khoá XII chất vấn rất tốt, gây ấn tượng với cử tri nhưng vấn đề hậu chất vấn chưa được các ĐB quan tâm đúng mức. Nhiều vấn đề sau khi đưa lên diễn đàn lại bị buông lỏng ngoài thực tế”, ông Miễn nêu lên.
Tiếp tục giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc
Ứng viên ĐBQH và cũng là người lãnh đạo cao nhất của Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội phân tích rõ những tồn tại mà các cử tri nêu ra, đồng thời ông cũng vạch ra phương hướng giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc trong thời gian tới.
Cử tri quận Hai Bà Trưng chất vấn ứng viên ĐBQH khoá XIII
Bí thư Hà Nội đặc biệt quan tâm đến vấn đề giao thông của Thủ đô. “Nếu chúng ta không giải quyết sớm, nhanh vấn đề này thì một vài năm nữa chúng ta gặp phải vấn nạn tắc đường sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều”, ông Nghị quan ngại.
Ông Nghị cho biết, vấn đề giao thông của Thành phố đã được xác định là nhiệm vụ chủ yếu và khâu đột phá trong thời gian tới. Để xảy ra tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông như hiện nay, ông Nghị cho hay, điều đó chứng tỏ những quyết sách của Thành phố trong thời gian qua chưa thực sự hiệu quả.
“Tuyên truyền, giáo dục, ngày nào ti vi, đài, báo cũng nói nhưng ra đường vẫn gặp người vi phạm giao thông. Tăng cường hạ tầng, đòi hỏi phải có nhiều vốn và phải có thời gian. Hệ thống chế tài phạt nặng mới chỉ áp dụng thí điểm. Còn việc điều tiết nhập cư, thì Quốc hội chưa thông qua Luật thủ đô”, ông Nghị phân tích.
Nếu trở thành ĐBQH, Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến - Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) sẽ đề nghị Quốc hội tiếp tục giám sát toàn diện những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Trong đó coi trọng giám sát sâu một số tập đoàn kinh tế nhà nước như Điện lực, Dầu khí, một số ngân hàng thương mại lớn… để kịp thời bảo toàn vốn, chống thất thoát, thua lỗ lớn như một số tập đoàn thời gian qua.
Ông Tuyến cũng sẽ đề nghị Quốc hội và Thành phố có giải pháp đồng bộ, tạo sự chuyển biến tình hình ùn tắc và tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đến hình ảnh Việt Nam trước bạn bè quốc tế.
Trả lời các câu hỏi của cử tri, ứng viên Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng cho biết, nếu được làm ĐBQH bà sẽ quan tâm mọi vấn đề dân sinh bức xúc và kiến nghị Quốc hội điều chỉnh pháp luật đúng với tình hình thực tiễn.
Tuy nhiên, vấn đề bà quan tâm nhất là vấn đề môi trường và đào tạo nguồn nhân lực cho khoa học. “Đây là những vấn đề dân rất bức xúc nhưng hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Điều đó gây ra những hậu quả nặng nề cho xã hội hiện tại và tương lai”, bà An nói.
Còn ứng viên Nguyễn Hoàng Phong - Phó giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết, ông rất quan tâm đến việc giải quyết vấn đề an sinh xã hội hiện nay của nhân dân Hà Nội cũng như cả nước. Một trong số đó là chủ trương xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, sinh viên, công nhân lao động điều đó sẽ góp phần giải quyết những gánh nặng cho người lao động hiện nay.
Qua ý kiến của cử tri, ứng viên Ngô Thị Lan Phương, Hiệu phó THPT Kim Anh, huyện Sóc Sơn nhận thấy trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội là rất nặng nề. Để làm tròn trách nhiệm của người đại diện cho nhân dân trên diễn đàn Quốc hội, bà Phương sẽ tiếp tục học hỏi, tìm hiểu những chính sách của nhà nước. Những vấn đề lớn, quan trọng cử tri đưa ra hôm nay bà Phương hứa sẽ nghiên cứu thêm.
Quang Phong