1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

UBND TPHCM giải trình về 100 dự án giải ngân 0 đồng

Q.Huy

(Dân trí) - Năm 2021, TPHCM chỉ giải ngân được 61% tổng kế hoạch đầu tư công. Trong đó, toàn địa bàn có 100 dự án giải ngân 0 đồng.

Sáng 24/8, HĐND TPHCM tổ chức phiên giám sát đối với công tác đầu tư công. Tại phiên họp này, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cùng các sở, ngành sẽ thực hiện giải trình các vấn đề được cơ quan dân cử yêu cầu.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM, đánh giá, trong thời gian qua, công tác đầu tư công của thành phố đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn khó khăn, hạn chế liên quan khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.

"Thành phố còn bị động trong phát huy các nguồn lực để bổ sung, hỗ trợ cho đầu tư công. Các dự án ODA bị chậm tiến độ, phải gia hạn thời gian thực hiện, điều chỉnh tổng mức đầu tư", bà Nguyễn Thị Lệ phân tích.

UBND TPHCM giải trình về 100 dự án giải ngân 0 đồng - 1

Giải ngân đầu tư công chậm là một trong những tồn tại lớn của TPHCM (Ảnh: Hải Long),

100 dự án giải ngân 0 đồng

Phát biểu yêu cầu giải trình, ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, đặt vấn đề về việc địa phương chỉ giải ngân được hơn 61% tổng kế hoạch trong năm 2021. Đặc biệt, TPHCM có 100 dự án giải ngân 0 đồng.

Qua công tác giám sát, HĐND thành phố nhận thấy, việc lập kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước có tình trạng chưa sát khả năng thực hiện. Điều này dẫn đến việc không phân bổ hết kế hoạch được giao.

Mặt khác, UBND TPHCM còn chậm trong khâu giao vốn, chưa đảm bảo thời gian theo quy định khiến tiến độ dự án bị ảnh hưởng.

UBND TPHCM giải trình về 100 dự án giải ngân 0 đồng - 2

Toàn cảnh phiên họp giải trình của UBND TPHCM về việc thực hiện pháp luật đầu tư công (Ảnh: H.Q.).

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách cũng đặt ra vấn đề về việc đất công tại các quận, huyện, TP Thủ Đức chưa được xử lý hoặc sử dụng không đúng mục đích, thậm chí bỏ trống khá nhiều. Trong khi đó, các địa phương muốn xây dựng công trình công cộng, công viên, trường học thì lại không có quỹ đất thực hiện.

Tại hội nghị, đại biểu Lê Minh Đức, đánh giá, việc quản lý dự án từ khâu chuẩn bị đến kết thúc chưa thật sự hiệu quả. Ngoài ra, UBND TPHCM quyết định danh mục các dự án đầu tư nhưng chưa ghi nguồn vốn cụ thể, dẫn đến các dự án dù được duyệt nhưng thiếu vốn triển khai.

Đối với việc quản lý nguồn vốn, ông Nguyễn Văn Đạt, Phó ban Pháp chế HĐND TPHCM, chất vấn, theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, thành phố có ngân sách Trung ương khoảng 13.000 tỷ và ngân sách địa phương 142.000 tỷ. Tuy nhiên, số vốn này chỉ đảm bảo nhu cầu thực hiện các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước và một số dự án cấp bách, một số dự án khác phải cắt giảm bớt vì thiếu tiền...

Các nguồn vốn chỉ đáp ứng 21% nhu cầu

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng giao cho thành phố tổng ngân sách địa phương là 142.000 tỷ đồng, chỉ đạo ứng 21% tổng nhu cầu (khoảng 672.000 tỷ đồng). 

Trong bối cảnh đó, thành phố cần phân bổ nguồn vốn tập trung hoàn thành các dự án chuyển tiếp của giai đoạn trước nhằm nâng cao hiệu quả, tránh lãng phí. Cụ thể, số dự án chuyển tiếp của TPHCM hiện nay là 1.191 dự án, chiếm đến 48% tổng vốn trung hạn 2021-2025.

UBND TPHCM giải trình về 100 dự án giải ngân 0 đồng - 3

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, báo cáo giải trình tại hội nghị (Ảnh: H.Q.).

Chủ tịch UBND TPHCM thừa nhận, các tồn tại, hạn chế được các đại biểu HĐND đặt ra là điều chính quyền đã nhìn rõ. Trong thời gian qua, việc quản lý đầu tư công trên địa bàn đã bộc lộ nhiều bất cập.

Trong đó, một số chủ đầu tư lập dự án còn chậm so với thời gian quy định. Người có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt không căn cứ trên kết quả giám sát, đánh giá. Vừa qua, một số cơ quan, đơn vị phê duyệt dự toán gói thầu vượt định mức đã bị phát hiện và xử lý.

Về việc giải ngân chậm, người đứng đầu chính quyền thành phố cũng chỉ rõ, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc là một trong những nguyên nhân chính. Thành phố thực hiện khâu này còn chậm, thiếu sự phối hợp giữa các bên.

"Thời gian tới, công tác giải phóng mặt bằng, giao vốn là vấn đề lớn của thành phố khi hoàn thiện tuyến đường vành đai 2 và triển khai xây dựng vành đai 3, vành đai 4. Thành phố cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị thì công tác này mới tốt hơn được", Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ.

UBND TPHCM giải trình về 100 dự án giải ngân 0 đồng - 4

Lãnh đạo các sở, ngành báo cáo phương án cân đối trong bối cảnh TPHCM thiếu vốn (Ảnh: H.Q).

Bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, giải trình, trong năm 2020 và 2021, thành phố chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19. Sự đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh đã gián tiếp làm giảm thu ngân sách. Do đó, để cân đối vốn đầu tư công, thành phố cần đảm bảo tốc độ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng kỳ vọng, tạo nguồn thu cho ngân sách.

Bên cạnh đó, địa phương sẽ tập trung gỡ vướng về thủ tục đầu tư, đất đai. Điều này vừa tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, vừa góp phần tăng thu cho ngân sách địa phương về dài hạn.

Giám đốc Sở Tài chính TPHCM cũng đưa ra giải pháp, thời gian tới, các địa chỉ nhà, đất công sử dụng chưa hiệu quả sẽ được rà soát, kê khai, báo cáo để phục vụ phát triển công trình công cộng. Đối với nhà, đất của các bộ, ngành Trung ương nằm trong quy hoạch, thành phố sẽ kiến nghị Bộ Tài chính đôn đốc các bên liên quan rà soát, chuyển giao cho thành phố nhằm tạo giá trị phát triển.