1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ “chê” người bằng cao:

UBND tỉnh “bảo” nhận lại, Sở Nội vụ “không nghe”

(Dân trí) - Sau thỏa thuận bố trí lại công việc cho chị Trần Thị Diệu Hương, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công văn chỉ đạo thực hiện song Sở Nội vụ vẫn khăng khăng cho rằng kết quả tuyển dụng năm 2006 - 2007 không thay đổi vì… tòa đã đình chỉ vụ án.

Sau khi báo Dân trí có bài “Hết “chê” người bằng cao lại tuyển ngành… trên mây”, ông Lương Ngọc Bính - Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình đã chỉ đạo UBND tỉnh xem xét, giải quyết dứt điểm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đảm bảo niềm tin của người dân.
 
Ngày 2/12/2009, ông Trần Công Thuật - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng chỉ đạo cuộc hòa giải do Tòa án Nhân dân tỉnh tổ chức, trong đó có sự góp mặt của Sở Y tế, Sở Nội vụ và chị Trần Thị Diệu Hương.
 
Kết quả buổi làm việc đã thỏa thuận: chị Hương rút lại đơn kiện Sở Nội vụ (qua 2 phiên tòa sơ, phúc thẩm - PV) và phía bị kiện (Sở Nội vụ) bố trí lại việc làm cho chị Hương.


UBND tỉnh “bảo” nhận lại, Sở Nội vụ “không nghe” - 1
Thực hiện thỏa thuận, chị Hương (đứng đầu tiên bên phải) đã rút đơn nhưng Sở Nội vụ cho rằng việc rút đơn đó không làm thay đổi kết quả tuyển dụng.
 
Tưởng như vụ kiện dai dẳng và hy hữu này đã có một cái kết “cơm lành canh ngọt”, nhưng hơn một tháng sau ngày thỏa thuận được các bên nhất trí, chị Hương đã làm đúng thỏa thuận là rút đơn kiện, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã đình chỉ vụ án nhưng Sở Nội vụ vẫn không có động thái tái bố trí công việc cho chị.
 
Ngày 6/1/2010, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công văn chỉ đạo Sở Nội vụ và Sở Y tế khẩn trương thực hiện việc này. Một ngày sau, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng Bố Trạch thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.
 
Tuy nhiên, một lần nữa Sở Nội vụ Quảng Bình lại khiến dư luận và cá nhân người lao động thất vọng khi phát công văn (ngày 18/1/2010, do ông Đặng Phúc Duệ - Phó Giám đốc Sở ký) cho rằng vụ kiện không làm thay đổi kết quả tuyển dụng, bởi… Tòa án Nhân dân tỉnh đã đình chỉ giải quyết vụ án.
 
Xin nói rõ, việc Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Bình đình chỉ vụ án là do chị Hương rút đơn, kết quả của buổi thỏa thuận ngày 2/12, trong đó Sở Nội vụ đã hứa sẽ tái bố trí công việc cho chị Hương.
 
Không đồng tình với câu trả lời của Sở Nội vụ, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc Sở Y tế cho rằng: “Sở Nội vụ nói như vậy chẳng khác nào phủ nhận kết quả buổi hòa giải ngày 2/12”.
 
Chị Diệu Hương, người đã thốt lên từ “mất niềm tin” sau khi đọc công văn này, thì cho rằng Sở Nội vụ đã một lần nữa lừa dối người dân. “Chẳng khác nào Sở lừa tôi rút đơn rồi bỏ mặc tôi”, chị Hương bức xúc nói.
 
Công văn của Sở Nội vụ còn nói thêm: đã giao biên chế cho Trung tâm Y tế dự phòng Bố Trạch và Sở Y tế, đó là căn cứ để tuyển dụng và bố trí làm việc cho người lao động theo quy định của Nhà nước. Sở này cũng dẫn một số quy định để “chuyền bóng” trách nhiệm sang cho ngành y tế, cho rằng việc tuyển dụng viên chức sự nghiệp ngành y tế thuộc thẩm quyền của Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc.
 
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Dân trí, việc tăng một biên chế đối với Trung tâm Y tế dự phòng Bố Trạch là việc tăng biên chế hàng năm theo định biên của ngành chứ không phải là sự đặc cách dành cho chị Hương.
 
Còn theo quy định mới Sở Y tế có thẩm quyền trong việc tuyển dụng, song việc tái bố trí công việc cho chị Hương là trách nhiệm của Sở Nội vụ do UBND tỉnh chỉ đạo, và năm 2006 thẩm quyền phê duyệt đề án tuyển dụng vẫn là thẩm quyền của Sở Nội vụ.
 
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết: “Sở Y tế sẵn sàng tiếp nhận cô Hương, nhưng phải có hướng dẫn cụ thể của UBND tỉnh và Sở Nội vụ. Theo công văn này của Sở Nội vụ, có nghĩa cô Hương phải dự tuyển lại từ đầu như các ứng viên bình thường, nếu tôi là cô Hương tôi cũng không chấp nhận”.
 
Trao đổi với Dân trí, ông Trần Công Thuật cũng thể hiện sự kiên quyết: “Sau khi có công văn chỉ đạo, tôi đã nhiều lần đốc thúc, nhắc nhở Sở Nội vụ, Sở Y tế giải quyết dứt điểm, song chẳng hiểu vì sao đến nay vẫn chưa thực hiện. Tôi sẽ chỉ đạo quyết liệt, không thể hứa với dân mà không làm”.

 

Như vậy, đến nay từ một vụ án hành chính vụ việc đã trở lại là một quy trình hành chính. Trong đó, mấu chốt của vướng mắc nằm ở chính Sở Nội vụ, nơi đã ra quyết định oái oăm khiến chị Hương mất việc và cũng là nơi được UBND tỉnh chỉ đạo tái bố trí công việc cho “nạn nhân”.
 
Một lần nữa, dư luận đặt câu hỏi: động lực nào khiến Sở Nội vụ Quảng Bình một mực không thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, khước từ thực hiện lời hứa của một cơ quan Nhà nước đối với công dân?
 
Hồng Kỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm