1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tuyên y án 20 năm tù với Nguyễn Gia Thiều

Sau 5 ngày xét xử, chiều qua (24/3), phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Công ty Đông Nam đã kết thúc, HĐXX đã tuyên bác toàn bộ đơn kháng cáo kêu oan của Nguyễn Gia Thiều, giữ nguyên mức án 20 năm tù cho cả 2 tội buôn lậu và trốn thuế.

Đối với các bị cáo có hành vi tiếp tay cho Nguyễn Gia Thiều thực hiện hành vi buôn lậu gồm: Phạm Anh Vũ, Huỳnh Tiến Dũng, Đào Lê Anh, Vũ Hữu Thiều, Nguyễn Quang Hoan, Lê Văn Nhân, HĐXX nhận định hành vi phạm tội của các bị cáo này rất nghiêm trọng, án sơ thẩm tuyên phạt mức án từ 5 năm đến 9 năm tù về tội buôn lậu là quá nhẹ, chưa tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo.

Tuy nhiên, do án sơ thẩm không bị kháng nghị, tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo tỏ ra thành khẩn nhận tội nên HĐXX cấp phúc thẩm xét thấy không cần thiết phải kiến nghị giám đốc thẩm về tăng hình phạt đối với các bị cáo này.

Đối với các bị cáo nguyên là cán bộ hải quan có hành vi tiếp tay cho Nguyễn Gia Thiều buôn lậu như Nguyễn Đăng Chiểu, Nguyễn Đình Hiếu, Đặng Mạnh Quyền, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định bản án sơ thẩm qui buộc các bị cáo số lượng điện thoại di động nhập lậu từ 1.000 đến 2.670 chiếc là không có căn cứ.

Áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo, HĐXX chấp nhận lời khai của các bị cáo tiếp tay buôn lậu từ 360 chiếc đến 402 chiếc nên tuyên chấp nhận kháng cáo, giảm án cho các bị cáo từ 5 năm tù xuống 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội buôn lậu.

Đối với bị cáo Đỗ Liên Anh đã giúp sức Thiều buôn lậu 300 chiếc ĐTDĐ, HĐXX cho rằng bị cáo đang nuôi con nhỏ nên chuyển từ án hình phạt tù giam sang án treo.

Đối với 4 bị cáo nguyên là cán bộ hải quan sân bay Nội Bài bị cấp sơ thẩm phạt từ 18 tháng đến 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội thiếu trách nhiệm, HĐXX nhận định rằng mức án này là tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo nên bác kháng cáo.

Riêng bị cáo Lương Thị Dương bị cấp sơ thẩm phạt 18 tháng tù cho hưởng án treo về tội thiếu trách nhiệm, HĐXX phúc thẩm nhận định bị cáo này thuộc trường hợp đặc biệt (người dân tộc, gia đình có công với nước) nên tuyên phạt 18 tháng cải tạo không giam giữ.

Về phần kháng cáo xin lại 200.000 USD và 10 triệu đồng của Hà Kiều Anh, HĐXX cấp phúc thẩm khẳng định có nhiều chứng cứ cho thấy két sắt đựng khoản tiền này không phải là của Hà Kiều Anh mà là của Nguyễn Gia Thiều. Do vậy, HĐXX tuyên bác kháng cáo của Hà Kiều Anh về việc xin lại khoản tiền này.

Đối với phần VKS đề nghị tịch thu 8,4 tỷ đồng mà Nguyễn Gia Thiều chuyển cho Hà kiều Anh, HĐXX nhất trí với nhận định của VKS. Tuy nhiên, do phần này sau khi án sơ thẩm tuyên, VKS không kháng nghị nên tòa cấp phúc thẩm không thể tuyên tịch thu.

Theo HĐXX, trong thẩm quyền của mình, tòa sẽ có bản kiến nghị riêng đề nghị TAND Tối cao và VKSND Tối cao xem xét theo trình tự giám đốc thẩm.

Đối với ông Nguyễn Trọng Thăng (anh ruột bị cáo Nguyễn Gia Thiều và là người nắm giữ 90% vốn góp của Đông Nam Việt Nam), trong phần xét hỏi tại phiên tòa đã phát hiện có nhận một khoản tiền rất lớn từ Công ty Đông Nam. Đây là khoản tiền Nguyễn Gia Thiều phạm tội mà có, do vậy, HĐXX sẽ kiến nghị VKSND Tối cao, Bộ Công an điều tra xem xét trách nhiệm đối với ông Thăng. Nếu xác định có dấu hiệu đồng phạm thì phải khởi tố và xử lý theo pháp luật.

Theo Gia Khang
VietNamnet