Tuyên Quang: Sự hồi sinh kỳ diệu của cây đa Tân Trào lịch sử
Sau gần 7 năm được Công ty cổ phần Thanh Hà phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang “cứu chữa,” chăm sóc, đến nay cây đa Tân Trào lịch sử đã hồi sinh và tiếp tục phát triển rất nhanh.
Cây đa Tân Trào đang xanh tốt trở lại. (Ảnh: Quang Đán/TTXVN)
Hiện, tại vết tạo sẹo trên cành cây duy nhất còn sống của cây đa Tân Trào đã phát triển thành hai cụm rễ mới, đường kính mỗi cụm rễ 80-90cm, với nhiều cành lá xanh tốt, xum xuê.
Cây đa Tân Trào là biểu tượng của cách mạng Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến và là niềm tự hào của người dân Tuyên Quang, đã đi vào thơ, vào nhạc và “ăn sâu” vào tâm tưởng người dân Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám 1945.
Ông Trần Văn Rào, 80 tuổi, thôn Cả, xã Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) chia sẻ: "Cây đa Tân Trào lịch sử có từ rất lâu (khoảng hơn 300 năm), do vậy hình ảnh cây đa đã in sâu vào tiềm thức của biết bao thế hệ người dân Tân Trào. Người dân chúng tôi ai cũng coi cây đa là biểu tượng và là niềm tự hào nên rất có ý thức trong việc bảo vệ và chăm sóc cây đa Tân Trào."
Chị Lành Thị Kiên, hướng dẫn viên du lịch Ban Quản lý Khu du lịch, lịch sử, văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào cho biết cây đa Tân Trào gắn liền với những sự kiện trọng đại của đất nước.
Dưới gốc đa này, chiều ngày 16/8/1945, quân Giải phóng Việt Nam làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của 60 đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội và nhân dân Tân Trào. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó, quân Giải phóng đã lên đường qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Hà Nội...
Cũng theo chị Kiên, cây đa Tân Trào trước đây gồm hai cây, người dân trong vùng quen gọi là "cây đa ông" và "cây đa bà," mọc cách nhau khoảng 10m.
Năm 1993, "cây đa ông" bị đổ do bão, chỉ còn một nhánh nhỏ, còn "cây đa bà" do quy luật “sinh tử” có dấu hiệu của sự già cỗi, lá nhỏ, vàng và một số ngọn nhỏ bị chết. Đặc biệt, từ năm 2005-2007, cây có nhiều cành đường kính từ 30-80 cm bị gãy, chết khô...
Đến đầu năm 2008, cây đa Tân Trào chỉ còn duy nhất cành hướng Đông Bắc còn sống nhưng lá không tốt, các rễ chính của cây đa gần như đã hỏng.
Trước tình hình trên, năm 2008, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức “Hội thảo khoa học phục hồi cây đa Tân Trào” với sự tham gia của các nhà khoa học, quản lý lâm nghiệp, di sản văn hóa và sinh vật cảnh trong nước.
Mặc dù có rất nhiều phương án được đưa ra tại hội thảo như thay thế cây đa mới, cấy ghép sinh học, phục hồi bằng giải pháp sinh học kết hợp thay thế..., tuy nhiên, các nhà khoa học cũng như cơ quan quản lý chưa thể lựa chọn được phương án cuối cùng.
Đúng lúc khó khăn đó, Công ty cổ phần Thanh Hà đã đứng ra xin được “cứu chữa” cây đa Tân Trào. Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ra quyết định thành lập Tổ công tác theo dõi, giám sát quá trình chăm sóc, phục hồi sinh trưởng cây đa.
Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các Sở:Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ; Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Dương, Bảo tàng Tân Trào-ATK căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Công ty cổ phần Thanh Hà thực hiện các biện pháp chăm sóc phục hồi sinh trưởng của cây đa; kịp thời chỉ đạo các vấn đề phát sinh theo đề nghị của Tổ công tác cũng như Công ty cổ phần Thanh Hà trong quá trình theo dõi chăm sóc cây đa.
Theo Tổ công tác theo dõi, giám sát quá trình chăm sóc, phục hồi sinh trưởng cây đa Tân Trào, từ năm 2008-2010, cây đa Tân Trào đã trải qua quá trình chăm sóc, “cứu chữa” đặc biệt như Công ty cổ phần Thanh Hà phun các chế phẩm sinh học KH, AN, NH lên toàn bộ tán lá, thân và rễ đa theo định kỳ, trước là 21 ngày/lần, sau tăng lên 7 ngày/lần.
Cùng thời gian đó, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã chiết thành công 21 trong tổng số 26 cành để lưu giữ nguồn gen và một phần để tạo rễ ngay trên cây.
Ngoài ra, để bảo tồn phần gốc, thân chính cây đa đã bị chết và có nguy cơ đổ, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện dự án đầu tư biện pháp kỹ thuật để chống đổ, chống đỡ phần thân cây đang còn sống và bảo tồn nguyên trạng phần gốc không còn sống của cây đa Tân Trào bằng cách sử dụng hệ thống cốt thép móng bêtông, cột đỡ bằng thép ống D250 mm ngoài bọc vật liệu tổng hợp giả thân cây, liên kết với thân cây bằng đai thép…
Sau nhiều năm “cứu chữa” và chăm sóc, đến nay cây đa Tân Trào lịch sử đã hồi sinh rất nhanh. Tại vết tạo sẹo trên cành cây duy nhất còn sống của cây đa Tân Trào ("cây đa bà") đến nay đã phát triển thành hai cụm rễ, đường kính mỗi cụm rễ 80-90 cm; diện tích tán lá rộng khoảng 30-40m2.
Còn "cây đa ông" sau khi bị bão thổi đổ chỉ còn một nhánh nhỏ, đến nay cũng đã hồi sinh và phát triển thành cụm cây mới gồm 4 gốc xanh tốt.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu du lịch, lịch sử, văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào cho biết việc cây đa Tân Trào lịch sử hồi sinh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi cây đa không chỉ là biểu tượng cách mạng, biểu tượng của Thủ đô kháng chiến mà hình ảnh cây đa Tân Trào đã "ăn sâu" vào trong tiềm thức mỗi người dân Việt Nam.
Cũng theo bà Nhung, hiện cây đa Tân Trào lịch sử đã được Công ty cổ phần Thanh Hà và các cơ quan chức năng bàn giao cho Ban Quản lý Khu du lịch, lịch sử, văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào chăm sóc, bảo vệ.
Để đảm bảo cho cây đa Tân Trào lịch sử phát triển tốt nhất, Ban Quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào cử cán bộ tiến hành tưới nước hàng ngày và bón chế phẩm cho cành, lá vào thứ hai hàng tuần.
Bên cạnh đó, Ban quản lý cũng thường xuyên tuyên truyền đến người dân để mọi người cùng có ý thức bảo vệ cây đa Tân Trào lịch sử./.
Theo Vũ Quang Đán
TTXVN/VIETNAM+