Tuyến kênh hơn 4.300 tỷ đồng vỡ toác đã thông dòng trở lại
(Dân trí) - Chiều ngày 5/1, tuyến kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã tại Thanh Hóa đã được khắc phục và thông dòng trở lại sau 10 ngày xảy ra sự cố vỡ kênh.
Theo đó, chiều ngày 5/1, đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có mặt tại tuyến kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã, đoạn qua xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc để chứng kiến việc kênh thông nước trở lại.
Như vậy, sau một tuần tiến hành khắc phục sự cố, đúng 16h, ngày 5/1, đoạn kênh bị vỡ đã được khắc phục xong tạm thời và vận hành trở lại, nhằm phục vụ nước cho 31.000 ha đất nông nghiệp tại nhiều địa phương của Thanh Hóa trong vụ chiêm xuân 2021.
Những ngày qua, các ngành chức năng đã bám sát hiện trường, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công. Theo ngành chức năng, sau khi hoàn tất việc khắc phục, tuyến kênh đã được vận hành với lưu lượng nhỏ, nếu không có vấn đề gì sẽ tăng lên khoảng 20m3/giây.
Để đảm bảo an toàn và đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra, Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 3 đã cắm biển cảnh báo cho người dân không lại gần khu vực đoạn kênh vừa được khắc phục. Đồng thời, tổ chức lực lượng túc trực 24/24h trong suốt thời gian cấp nước, để theo dõi và xử lý nếu có dấu hiệu bất thường.
Ông Đồng Văn Tự, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT, cho biết, để khắc phục sự cố vỡ kênh, đơn vị đã huy động nhiều máy móc, nhân lực làm việc suốt ngày đêm kể từ ngày 29/12/2020. Gần 20.000 m3 đất, đá đã được vận chuyển để san lấp, khắc phục sự cố.
"Với công trình này nếu xử lý tạm sẽ không đảm bảo an toàn. Do vậy, đơn vị đã phải đào móc toàn bộ phần đất yếu phía dưới. Trước mắt, đơn vị đang xử lý phần kênh để đảm bảo kịp thời việc tưới tiêu, sau đó sẽ tiến hành xử lý phần chân kênh, gia cố bằng đá để tránh sạt lở, xói mòn", ông Tự thông tin.
Trước đó, trong khi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục sự cố vỡ kênh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu phải hoàn thành khắc phục sự cố trong 3 ngày. "Sau khi nghiên cứu, chúng tôi đã xin ý kiến Thứ trưởng khắc phục trong 7 ngày (tức tới ngày 5/1). Vì nền địa chất yếu, nếu khắc phục tạm thời sẽ không ổn, khi vận hành mà gặp sự cố thì thời gian khắc phục sẽ lâu hơn và được Thứ trưởng đồng ý", ông Tự giải thích.
Trước đó như Dân trí đã thông tin, vào lúc 9h45 ngày 27/12, trong quá trình vận hành kênh chính thuộc hệ thống kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã để phục vụ sản xuất, đã xảy ra sự cố vỡ kênh chính đoạn từ K5+170 đến K5+240, thuộc địa phận giáp ranh giữa xã Phùng Giáo và Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa).
Sự cố vỡ kênh đã khiến một khối lượng lớn đất, đá bị xói lở trôi xuống, vùi lấp nhiều diện tích đất sản xuất và gia cầm của người dân ở khu vực hạ lưu hiện trường đứt, gãy kênh.
Về nguyên nhân xảy ra sự cố, theo Bộ NN&PTNT, đánh giá sơ bộ ban đầu cho thấy, đoạn kênh nằm trên nền địa chất có cấu trúc phức tạp, một bên là núi, một bên là suối, đất đào và đất đắp không đồng nhất. Đặc biệt, đây là đoạn kênh đắp nổi, chiều cao lớn (khoảng 6-7m), nằm trên lớp đá phong hóa và có cung trượt phức tạp.
Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 3 đã khẩn trương triển khai các phương án xử lý, khắc phục sự cố phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho Nhân dân. Hàng chục phương tiện các loại và 60 công nhân đã được huy động làm liên tục trong 5 ngày đêm để kịp thông dòng phục vụ nước tưới cho vụ chiêm xuân 2021.
Đồng thời, rà soát các vị trí xung yếu trên tuyến để có giải pháp vận hành, khai thác bảo đảm an toàn công trình về lâu dài. Cùng với đó, phối hợp với chính quyền địa phương, rà soát, tổng hợp thiệt hại, hỗ trợ Nhân dân sớm phục hồi sản xuất.
Được biết, tuyến kênh chính Bắc Sông Chu - Nam Sông Mã có tổng mức đầu tư hơn 4.300 tỷ đồng, do Ban quản lý Đầu tư & Xây dựng thủy lợi 3, Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư. Dự án được đầu tư, đưa vào sử dụng, phục vụ nước tưới cho hơn 31.000 ha của nhiều địa phương tỉnh Thanh Hóa.