1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tướng Thước kể về 3 nguyên tắc vàng trong “Binh pháp Đại tướng”

(Dân trí) - Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, chiến dịch Tây Nguyên đã triệt để áp dụng ba nguyên tắc vàng trong binh pháp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, góp phần quan trọng làm nên dấu son trên trang sử vẻ vang của quân đội ta.



Trong câu chuyện vào một chiều cuối tháng 4, bên ấm trà nóng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh Quân khu 4 không khỏi xúc động khi nhớ lại những năm tháng hào hùng của chiến dịch Tây Nguyên lịch sử. Ông kể: “Đến bây giờ tuy đã 39 năm trôi qua, song hồi ức về chiến dịch Tây Nguyên vẫn khiến tôi ám ảnh. Những bữa cơm độn sắn hay bát choáng loãng húp vội trước giờ ra trận, tiếng thở hắt của đồng đội, trên tay vẫn cầm chắc cây súng hướng về phía quân thù… có lẽ là những ký ức hào hùng, bi tráng nhất trong cuộc đời binh nghiệp…”.

“Quả đấm thép" của chiến trường miền Nam

Khi ấy, tướng Thước mang quân hàm Thiếu tá, Tham mưu trưởng mặt trận Tây Nguyên. Thời điểm cuối năm 1973, sau khi Hiệp định Pari (1973) được ký kết, Mỹ buộc phải đơn phương rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, tạo nên cục diện mới. Năm 1974, tướng Thước được thay mặt Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên ra Hà Nội báo cáo tình hình và nhận kế hoạch mới. "Sau khi làm việc với Bộ Tổng tham mưu, tôi được gặp bác Giáp tại nhà riêng để nghe lệnh. Lúc ấy, Đại tướng mới điều trị ở Liên Xô về, sức khỏe đang yếu nên tôi báo cáo ngắn gọn, rành mạch tình hình chiến trường và nhiệm vụ đã nhận của Đại tướng Dũng”, Tướng Thước kể.

"Hai ngày sau, tôi chuẩn bị vào chiến trường thì được Đại tướng gọi vào một lần nữa. Tôi vừa đến, Đại tướng nói ngay: Mọi nhiệm vụ và ý định tôi đã nói cả rồi, hôm nay nhắc lại một vấn đề hết sức hệ trọng. Cậu vào báo cáo với Vũ Lăng (Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên) tình hình có thể diễn biến rất mau lẹ, là người tư lệnh chiến trường không phải chờ mệnh lệnh ở Bộ Tổng Tư Lệnh mà phải dám trách nhiệm, hạ quyết tâm hành động ngay. Vấn đề thứ hai đánh vào TP lớn Buôn Ma Thuột phải tổ chức một mũi thọc sâu bằng bộ binh cơ giới, thọc ngay vào sở chỉ huy của địch”.

Riêng kế hoạch tác chiến ở TP Buôn Ma Thuật, Đại tướng vạch rõ: Đây là một thành phố lớn, lại là lần đầu tiên ta tiến công nên phải dùng lực lượng xe tăng, cùng bộ binh thọc sâu vào hang ổ, đầu não của địch chứ không thể tác chiến bên ngoài… Và đúng như dự đoán của Đại tướng, ta nhanh chóng giành được thế trận áp đảo".

Chỉ trong 16 ngày đêm, từ ngày 10/3 đến 25/3/1975, ta hoàn toàn giải phóng 3 tỉnh Tây Nguyên, chiến thắng vang dội vượt ra ngoài dự tính ban đầu. Không dừng lại ở đó, quân ta thừa thắng thực hiện 3 mũi tấn công trên các đường 19, đường 7, đường 24, sau đó tràn xuống vùng Trung Trung Bộ kết hợp cùng lực lượng địa phương, giải phóng Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, tạo ra một thế chiến lược hoàn toàn áp đảo, đập tan những đơn vị mạnh của địch. Trong thời gian ngắn, hơn 10 vạn quân địch bị loại khỏi vòng chiến đâu, hơn 60 vạn dân thuộc các dân tộc Tây Nguyên được giải phóng. Hệ thống phòng thủ chiến lược của quân Ngụy ở miền Nam đứng trước nguy cơ bị chia cắt.

Nghệ thuật nghi binh

Theo Tướng Thước, thành công của chiến dịch Tây Nguyên phần lớn là nhờ việc áp dụng ba nguyên tắc vàng trong binh pháp Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tôn trọng đối thủ; không đánh bằng quân số giống như đối thủ; không đánh theo cách đánh đã được chuẩn bị của đối thủ”. Mà hay nhất trong chiến dịch này, theo Tướng Thước chính là nghệ thuật “nghi binh”: “Ngày nay, trong nhiều tài liệu, người ta thường chỉ nhắc đến ngày mở đầu chiến dịch Tây Nguyên là ngày 4/3, nhưng đó chỉ là ngày cắt đường, thực ra cái hay của chiến dịch này chính là “buộc địch phải theo kế hoạch của ta, bỏ chỗ thực mà đánh chỗ hư, đó là cái diệu của việc dùng binh. Kế hoạch này diễn ra từ ngày 1/3/1975”.

Tướng Thước kể, quân địch đóng ở Tây Nguyên với lực lượng rất mạnh, trong khi trên Tây Nguyên ta lại chỉ có 2 sư đoàn, việc phối hợp với lực lượng tăng cường là cực kỳ khó khăn. Ta thực hiện kế hoạch “đánh giả” ở phía bắc Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai) và hút đại bộ phận địch lên đó. Nhận thấy các đài vô tuyến điện của quân ta có thể bị địch định vị bằng công nghệ cao, ta “tương kế tựu kế” đánh lừa địch. Mặc dù đã di chuyển hết quân, nhưng ta vẫn duy trì 3 máy vô tuyến điện như cũ, hàng ngày phát sóng đều đặn các thông tin.

“Đường dây điện thoại cũng được giữ nguyên để đánh lạc hướng. Trong khi địch vẫn đinh ninh quân ta đang đóng ở phía bắc, thì chúng ta với khoảng 3 vạn quân, hàng nghìn xe ô tô, hàng trăm xe pháo binh, xe tăng, cao xạ bí mật đi vào miền nam Tây Nguyên bằng đường hậu phương, giáp biên giới, rất xa tầm kiểm soát của địch. Sau một tháng trời hành quân bí mật, chúng ta từ từ siết chặt vòng vây Buôn Ma Thuột, ngày 10/3, ta bất ngờ tấn công trung tâm đầu não của địch tại đây, gây bất ngờ lớn cho cả Mỹ lẫn Ngụy, khiến đối phương trở tay không kịp”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhớ lại.

“Một vạn đồng đội của tôi vẫn đang nằm lại chiến trường”

Là vị tướng tài ba trên chiến trường, đã từng chinh chiến khắp các mặt trận ác liệt, nhưng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho biết dấu ấn, sự ám ảnh lớn nhất đối với ông không phải là những phút giây chiến thắng, mà chính là hình ảnh những người lính hy sinh trên chiến trận. Theo tướng Thước chỉ tính riêng Quân đoàn 3, vẫn còn hơn 1 vạn liệt sỹ nằm lại tại mặt trận Tây Nguyên mà chưa bốc cất được.

“Sáng ngày 30/4/1975, Quân đoàn 3 đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu chính quyền Sài Gòn. Khi tiến đến trước cổng sân bay, xe tăng của Quân đoàn bị đối phương dùng vũ khí chống tăng từ trên gác bắn xuống. Ba chiếc xe tăng của ta cháy một lúc, 15 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh. Bà con ở khu vực lân cận vừa được giải phóng ùa ra, vừa khóc vừa gọi quân giải phóng: “Các chú ơi, cứu các anh trong xe tăng với, cháy hết rồi, chết hết cả rồi…”.

Thời điểm đó lại đang là những giây phút cam go, sinh tử giữa ta và địch, tôi buộc lòng phải ra lệnh tiếp tục tấn công, đánh sâu vào bên trong cơ quan đầu não của địch. Đây là một quyết định khó khăn mà mãi cho đến bây giờ vẫn khiến tôi ám ảnh, day dứt: Chỉ còn một tiếng đồng hồ nữa là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nhưng trong ranh giới mong manh giữa sợi chỉ chiến tranh và hòa bình, vẫn nhiều chiến sỹ phải hy sinh mà chưa kịp chứng kiến giây phút độc lập của toàn dân tộc”, tướng Thước ngậm ngùi.

Trong một trận đánh ở Kontum, khi 36 chiến sỹ của ta đã lọt vào căn cứ của địch thì bị chúng đưa xe tăng bịt cửa, phản công quyết liệt. Là người chỉ huy chiến trường, ông Thước cho đơn vị vào giải cứu đồng đội nhưng càng tiến công, chúng ta càng hi sinh nhiều nên buộc phải dừng trận đánh, chấp nhận mất mát. Năm 1973, trong cuộc trao trả tù binh, gặp lại những người lính năm xưa, anh em đồng đội ôm lấy nhau khóc. Tướng Thước nghẹn ngào: “Tôi có lỗi với các đồng chí khi không cứu được anh em…”. Lúc này các chiến sĩ mới đồng thanh trả lời: “Nếu các thủ trưởng mà còn vào cứu nữa thì sự hi sinh càng nhiều”.

Hà Trang – Xuân Ngọc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm