TƯỜNG THUẬT tại hiện trường: Nghẹt thở tại điểm nóng HD 981
Từ ngày 11/5, phóng viên Nguyễn Huy của Tiền Phong đã có mặt trên các tàu chấp pháp của Việt Nam tiếp cận vị trí giàn khoan HD 981 của Trung Quốc để trực tiếp ghi nhận tình hình đặc biệt căng thẳng trên biển Đông.
Trực diện giàn khoan
Gần 24h trên tàu kiểm ngư HP 926, phóng viên Tiền Phong và phóng viên một số báo đã đối diện giàn khoan của Trung Quốc trên biển Hoàng Sa. Từ 9h25 ngày 11/5 tàu tiếp cận vị trí cách giàn khoan khoảng 10 hải lý, lúc này biển động mạnh, sóng lớn. Tàu HP 926 vừa tiếp cận thì có 5-7 tàu Trung Quốc lăm le áp sát. HP 926 cảnh giác cao độ, các cửa ra vào, cửa phòng, cửa sổ, cửa thông gió trên tàu được đóng kín để đề phòng các tàu Trung Quốc. Chỉ huy tàu bố trí các lớp cảnh giới từ các hướng để đề phòng với hành động gây hấn từ phía tàu Trung Quốc.
Khoảng 10h sáng 11/5, một chiếc máy bay tuần thám của Trung Quốc xuất hiện, lượn lờ trên vị trí tàu HP926 và liên tục quần đảo trên bầu trời nơi có các tàu chấp pháp của Việt Nam đang làm nhiệm vụ. Lúc 10h15, ba tàu Trung Quốc bất ngờ đổi hướng di chuyển về phía tàu Việt Nam. Tàu HP 926 bị kẹp giữa vòng vây của các tàu hải giám, tàu hải cảnh của Trung Quốc.
Lúc này, tàu CSB 4032 ở gần đó cũng bị 2-3 tàu Trung Quốc kèm chặt. Càng tiến gần vị trí giàn khoan càng có đông các tàu Trung Quốc bảo vệ, ra sức cản trở. Trời mù, nhưng hình giàn khoan hiện rõ. Giàn khoan neo cố định. Hàng chục tàu Trung Quốc bố trí từng lớp bảo vệ giàn khoan.
Trong cùng là các tàu phục vụ khai thác dầu khí của Trung Quốc, lớp nữa là các tàu hải giám hải cảnh xen lẫn là các tàu cá Trung Quốc giả dạng. Ngoài cùng là các tàu quân sự và tàu hộ vệ tên lửa. Tổng cộng có hơn 80 tàu của Trung Quốc có mặt xung quanh giàn khoan HD 981. Các tàu Trung Quốc sẵn sàng gây hấn uy hiếp tàu Việt Nam nào tiến sát vị trí giàn khoan để tuyên truyền quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
10h41 ngày 11/5, tàu 34011 của cảnh sát biển Trung Quốc đổi hướng chạy song song và kèm chặt HP 926 rồi đâm cắt đuôi tàu CSB 4032. Tàu CSB 4032 kịp thời né tránh.
Trưa cùng ngày, Trung Quốc nới rộng vòng cảnh giới. Phóng viên Tiền Phong cùng một số phóng viên khác được di chuyển sang tàu CSB 4032, rồi tiếp tục sang tàu CSB 8003 để tiếp cận các điểm nóng gần giàn khoan.
Nghẹt thở trong điểm nóng
Sáng sớm ngày 12/5, tàu CSB 8003 nhận lệnh từ sở chỉ huy cùng các biên đội tàu của tàu Cảnh sát biển, tàu kiểm ngư tiếp cận giàn khoan HD 981 để tuyên truyền và yêu cầu Trung Quốc đưa giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.
8h30, tàu CSB 8003 đến vị trí 15 độ 32 phút Bắc 111 độ 02 phút Đông cách giàn khoan khoảng 9,5 hải lý. Cùng thời điểm các tàu Cảnh sát biển Việt Nam mang số hiệu 2013, 2015, 2016, 4032 triển khai đội hình tiếp cận giàn khoan để làm nhiệm vụ tuyên truyền. Ngay lập tức, tàu Trung Quốc xuất hiện dày đặc, bố trí từng lớp tàu tiến ra be chắn giàn khoan trái phép.
Thuyền trưởng tàu CSB 8003 Nguyễn Văn Hưng bình tĩnh cùng các thuyền viên đưa tàu tiếp cận vị trí giàn khoan. Lúc 8h50 tàu Trung Quốc xếp đội hình ngăn cản tàu chấp pháp của Việt Nam. Hơn 9h, tàu CSB cách giàn khoan 7,3 hải lý. Trên rađa, nhân viên rađa Nguyễn Văn Tin báo có hàng chục chấm xanh là vị trí của tàu Trung Quốc bố trí đông đặc quanh khu vực giàn khoan trái phép.
Ba tàu cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 3210 3411 46101 chuyển hướng đi thẳng về phía tàu Cảnh sát biển Việt Nam 8003. Tàu 3411 đi về phía đuôi, bên mạn trái tàu Trung Quốc kẹp sát có lúc chỉ cách khoảng 200 m.
Lúc 9h25 ngày 12/5, từ khu vực đảo Tri Tôn (Hoàng Sa), Trung Quốc điều máy bay mang số hiệu B7112 trinh sát quần thảo liên tục trên tàu CSB 8003 của Việt Nam. Dưới biển, các tàu Trung Quốc liên tục thay đổi đội hình gây hấn, cản trở các tàu của cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ. Không nao núng, các tàu cảnh sát biển Việt Nam, tàu kiểm ngư vẫn cơ động để tiếp cận giàn khoan.
“Đây là vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Theo Luật Biển Việt Nam và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, mọi hoạt động của quý vị trên vùng biển này là trái phép, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đi ngược với Tuyên bố ứng xử của các bên đối với biển Đông. Yêu cầu quý vị chấm dứt và đưa giàn khoan ra khỏi vị trí vùng biển Việt Nam” – tiếng loa trên các tàu cảnh sát biển Việt Nam 4032, 2013, 2016 đồng loạt phát ra bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh và tiếng Trung Quốc hướng về phía các tàu Trung Quốc để tuyên truyền.
Hơn 1 tiếng đồng hồ, tàu Trung Quốc 3411 vẫn ngang nhiên áp sát cản chặn và có nhiều hành động đe dọa xịt vòi rồng vào các tàu chấp pháp của Việt Nam. Hơn 10h30 cùng ngày, sau thời gian dài các tàu Việt Nam bám trụ tuyên truyền, lúc này tàu 3411 của Trung Quốc mới chịu chuyển hướng.
Đại úy Nguyễn Huy Trung, - Chính trị viên tàu CSB 8003, nói đanh thép: Dù sóng to gió lớn, tàu Trung Quốc liên tục đe dọa và có nhiều hành động gây hấn nhưng các cán bộ chiến sĩ Cảnh sát biển và lực lượng chấp pháp không hề nản lòng, kiên quyết tuyên truyền và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan HD 981 ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Tối ngày 12/5, qua điện thoại từ Hoàng Sa, phóng viên Tiền Phong cho biết, tình hình vẫn còn hết sức căng thẳng, các tàu Trung Quốc vẫn bố trí đông đặc xung quanh giàn khoan. Các tàu chấp pháp Việt Nam vẫn kiên trì bám trụ, không lùi bước.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật và tường thuật thông tin từ vị trí giàn khoan HD 981 trong các số báo tiếp theo.
Theo Nguyễn Huy (điện thoại từ Hoàng Sa) Nguyễn Thành (lược ghi)
Tiền Phong