1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Tượng đài vẫn đứng vững, nếu cần xin được đúc lại”

(Dân trí) - Phần thẩm vấn với nhóm bị cáo trực tiếp tham gia quy trình đúc tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ trong ngày làm việc thứ 2 lộ nhiều “éo le” khi cả nhà thầu được chỉ định và người được bán thầu cùng nhận sai nhưng vẫn làm…

“Bán thầu” trước, nhận thầu sau
 
GĐ Cty mỹ thuật TƯ - bị cáo Võ Thị Hồng khai nhận, tháng 3/2003 ký hợp đồng với Cty TNHH Đoàn Kết để đúc tượng đồng tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ do đơn vị không có xưởng đúc, không thể trực tiếp “thể hiện tác phẩm”. Tuy nhiên, 3 tháng sau, (tháng 6/2003), Cty mỹ thuật TƯ mới được UBND tỉnh Lai Châu chỉ định thầu thi công gói thầu số 3 (đúc tượng và xây dựng sân hành lễ).
 
“Tượng đài vẫn đứng vững, nếu cần xin được đúc lại” - 1
Võ Thị Hồng: "Tôi thấy tượng đài vẫn đứng vững".
 
Bà Hồng biện giải, từ cuối năm 2002, UBND tỉnh Lai Châu đã mời Cty mỹ thuật TƯ lên làm việc để khảo sát và lập dự toán xây dựng tượng. Khi UBND tỉnh Lai Châu giao cho Cty phóng mẫu tượng đất thì về cơ bản đã lựa chọn Cty là nhà thầu đúc tượng đồng. Các bước thực hiện của đơn vị là “đón lõng” quyết định.
 
Theo bà Hồng, việc thi công tượng được tính từ khi phóng mẫu đất để phải đảm bảo tính liên tục của sáng tác. Quy định về trình tự lựa chọn nhà thầu như vậy không đúng nhưng so với quy trình đúc tượng thì không sai.
 
Về nội dung cáo buộc bị cáo thông đồng, chỉ đạo rút ruột 100 tấn đồng trong quá trình thi công tượng đài, chủ tọa phiên tòa truy vấn: “Nhìn tượng đài hiện tại, bị cáo nghĩ sao?”. Nữ giám đốc gạt nước mắt: “Khi tôi lên tượng đài vẫn đứng vững. Vấn đề là tượng đồng nào cũng rỉ khi đúc cùng bê tông”.
 
Bị cáo thanh minh sự thật không tham ô đến gần trăm tấn đồng. Tòa dẫn chứng nhiều con số trong kết luận giám định của Viện KHHS - Bộ Công an, Cty mỹ thuật TƯ kê khối lượng đồng nguyên chất để đúc tượng đài là 218,7 tấn nhưng thực tế số lượng này chỉ đạt 120,94 tấn.
 
Bà Hồng xác nhận, Nguyễn Trọng Hạnh - Phó GĐ Cty TNHH Đoàn Kết (Ý Yên, Nam Định) đã dùng đồng hỗn hợp, trong đó có cả đồng phế liệu để đúc tượng đài. Khi xuống xưởng của Hạnh, bà Hồng thấy cả kho đồng thỏi, bãi đồng ống, đồng phế liệu.
 
Tuy nhiên, giám định viên được triệu tập cũng khẳng định trước tòa, về mặt vật lý, không thể đúc tượng đồng bằng đồng nguyên chất mà phải đúc tượng bằng hợp chất đồng. Tượng đài chiến thắng Điện Biên hiện nay đã đảm bảo về chất lượng.
 
Hạnh “tượng” xin đúc lại tượng đài Điện Biên
 
“Tượng đài vẫn đứng vững, nếu cần xin được đúc lại” - 2
Phó GĐ Cty Đoàn Kết kiêm xưởng trưởng xưởng đúc tượng đài Điện Biên Nguyễn Trọng Hạnh.
 
Quay qua phần trách nhiệm của Nguyễn Trọng Hạnh (nghệ danh Hạnh “tượng”), bị cáo tỏ ra bất phục trước kết luận rút ruột gần 100 tấn đồng của giám định vì đã không tính đến lượng đồng hao hụt trong quá trình đúc tượng.
 
Hạnh cũng khẳng định không đúc theo thiết kế kỹ thuật và dự toán vì không thể thực hiện được việc đúc tượng theo thiết kế này. Nguyễn Trọng Hạnh đã đúc đồng theo phương pháp “thủ công truyền thống” của mình.
 
Trước cáo buộc về chất lượng pho tượng, Hạnh khảng khái: “Hiện công trình chưa được nghiệm thu, vì vậy tượng đài vẫn là của chúng tôi, nếu cần cho chúng tôi đúc lại”.
 
Cùng lúc đóng 2 “vai” Phó Giám đốc Công ty TNHH Đoàn Kết và trưởng xưởng đúc đồng - Công ty MTTW) nhưng Hạnh “tượng” thú thật chỉ là thợ, không có quyền hạn gì.
 
“Chức phó GĐ thì do… bố phong cho còn chức xưởng trưởng là bị ép. Thấy không ảnh hưởng gì tôi nhận vì nếu không đeo biển, mặc quần áo của Cty này thì họ không cho vào làm” - Hạnh “tượng” trình bày.
 
Hạnh khai nhận đã “xin thầu” tham gia việc đúc tượng mà bà Hồng trúng. Sau khi xem kỹ yêu cầu, Hạnh ra giá 20 tỷ đồng khoán gọn toàn bộ việc đúc tượng. Tuy nhiên bà Hồng chỉ đồng ý với giá 16,5 tỷ đồng theo phương thức công trình khoán gọn. Về sau thấy vận chuyển khó khăn, quá khổ nên Hạnh mới đề nghị và được “ưu ái” trả lên 18,5 tỷ đồng.
 
Xuân Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm