1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Từ vụ tai nạn liên hoàn tại Huế, nhìn lại chuyện cao tốc "bóp làn"

Ngọc Tân

(Dân trí) - Vụ tai nạn khiến 3 người chết trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn không dừng lại ở nguyên nhân tài xế vượt ẩu. Tranh cãi đã nổ ra về việc liệu thiết kế đường có phải là một vấn đề.

Một ngày sau vụ tai nạn liên hoàn khiến 3 người tử vong trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, mạng xã hội vẫn bàn luận sôi nổi về nguyên nhân dẫn tới bi kịch.

Đa số đều cho rằng tài xế ô tô 7 chỗ chịu trách nhiệm chính vì đã cố vượt xe container khi không đảm bảo an toàn. Người này sau đó cũng đã bị khởi tố hình sự để điều tra.

Tai nạn liên hoàn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Tuy nhiên, bên cạnh phê phán tài xế, nhiều người cũng đặt câu hỏi về thiết kế mặt đường và phương án tổ chức giao thông tại vị trí xảy ra tai nạn.  

Cao tốc "bóp làn"

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn vốn chỉ có 1 làn xe chạy và 1 làn dừng khẩn cấp mỗi chiều. Tuy nhiên, vị  trí xảy ra tai nạn được mở rộng ra tới 3 làn xe để đấu nối nút giao với đường 9.

Từ vụ tai nạn liên hoàn tại Huế, nhìn lại chuyện cao tốc bóp làn - 1

Ảnh vệ tinh vị trí tai nạn cho thấy trong khoảng gần 200m, bề rộng chiều đường bị "bóp" từ 3 làn xe về còn 1 làn xe (Ảnh: Google Maps).

Sau khi đi qua nút giao, bề rộng chiều đường được bóp hẹp trở lại từ 3 làn xuống 2 làn và sau cùng là 1 làn. Chính tại vị trí  khi mặt đường chỉ còn 1 làn, chiếc ô tô 7 chỗ cố vượt lên, tạt đầu xe container và gây ra tai nạn liên hoàn.

Xem lại camera hành trình, nhiều tài xế cho rằng việc "bóp làn" đột ngột như vậy khiến người điều khiển phương tiện không kịp xử lý. Trong cự li chưa đến 200m, bề rộng chiều đường bị thu hẹp tới 2 lần.

"Bóp làn" hay thu hẹp bề rộng chiều đường là hiện tượng thường thấy trong thiết kế đường cao tốc. Ví dụ phổ biến nhất là tại các nút giao liên thông, khi có thêm một làn xe từ lối rẽ nhập vào phần đường chính.

Từ vụ tai nạn liên hoàn tại Huế, nhìn lại chuyện cao tốc bóp làn - 2

Tình huống có làn đường nhánh đấu nối vào cao tốc, bề rộng chiều đường sẽ tăng từ 2 làn lên 3 làn, sau đó thu hẹp trở lại 2 làn.

Các cao tốc 2 làn xe như Cam Lộ - La Sơn, Yên Bái - Lào Cai cũng thường được thiết kế thêm những đoạn mở rộng lên 4 làn xe dài khoảng 1-2km, cốt để cho xe vượt nhau, sau đó mặt đường lại được thu hẹp lại như cũ.

Liệu thiết kế "bóp làn" có phải là tác nhân gây mất an toàn khi lưu thông trên cao tốc? Câu hỏi này sẽ phải chờ đơn vị quản lý vận hành tuyến đường có những rà soát, đánh giá tổng thể.

Tuy nhiên, dù mặt đường bị thu hẹp lại vì lý do gì, đó vẫn là tình huống mà các tài xế phải lưu thông cẩn trọng. Thay vì tăng tốc và vượt ẩu, tài xế phải chú ý quan sát để có phương án chuyển làn an toàn.

Cần xem lại thiết kế?

Việc mở rộng rồi lại thu hẹp làn đường là giải pháp bất đắc dĩ của với những tuyến cao tốc 2 làn xe. Tuy nhiên, "bóp làn" thế nào để đảm bảo an toàn là trách nhiệm của người thiết kế đường và tổ chức giao thông.

Qua ghi nhận trên đoạn cao tốc Yên Bái - Lào Cai, tình trạng "bóp làn" cũng có, nhưng cách tổ chức giao thông khác biệt với tuyến Cam Lộ - La Sơn.

Cụ thể, tại vị trí chiều đường chuyển từ 2 làn về 1 làn, làn đường sát dải phân cách giữa sẽ được bóp lại. Phương tiện đi sát dải phân cách giữa bắt buộc chuyển làn sang bên phải (thay vì bắt xe đi bên phải chuyển làn sang trái như tại cao tốc Cam Lộ - La Sơn).

Từ vụ tai nạn liên hoàn tại Huế, nhìn lại chuyện cao tốc bóp làn - 3

Đoạn cao tốc Yên Bái - Lào Cai có cách "bóp làn" khác với cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Chiều dài đoạn chuyển tiếp từ 2 làn về 1 làn cũng được bố trí dài hơn (Ảnh: Google Maps).

Tại vị trí hết dải phân cách cứng, một vạch phân cách màu vàng có bề rộng lớn, dài hơn 400m được bố trí. Vạch phân cách này có chức năng giúp việc nhập từ 2 làn về 1 làn đảm bảo an toàn hơn. Trường hợp xe lao nhanh chưa kịp chuyển làn sẽ đè lên vạch vàng thay vì lao ngay sang làn đường ngược chiều.

Trả lời phóng viên Dân trí, lãnh đạo Phòng Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông (Cục Đường bộ) cho biết việc rà soát lại phương án tổ chức giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn chắc chắn sẽ được thực hiện sau vụ tai nạn này. 

Còn đại diện Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Chủ đầu tư cao tốc) khẳng định các biển báo, sơn kẻ đường và gờ giảm tốc đã được thiết kế đầy đủ tại vị trí "bóp làn" này. Tài xế tuân thủ hiệu lệnh sẽ đảm bảo an toàn khi lưu thông.

Từ vụ tai nạn liên hoàn tại Huế, nhìn lại chuyện cao tốc bóp làn - 4

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn (Ảnh: Vi Thảo).

Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận bất cập của cao tốc 2 làn xe, không có dải phân cách giữa như tuyến Cam Lộ - La Sơn. Trên thực tế, bề rộng nền đường mới chỉ như đường cấp 3 đồng bằng chứ chưa chuẩn cao tốc.

Trên "cao tốc 2 làn xe" này, một số đoạn vạch kẻ vàng phân chia chiều đường được vẽ nét đứt để phương tiện vượt nhau khi đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, khi đường đông, việc lấn sang làn đường ngược chiều để vượt tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

"Bộ GTVT đã giao chúng tôi nghiên cứu, sớm mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe", đại diện PMU đường Hồ Chí Minh chia sẻ.

Với mục tiêu xây dựng môi trường giao thông an toàn và thuận lợi hơn, báo Dân trí mở diễn đàn: "Độc giả Dân trí cùng chung tay vì giao thông an toàn", mong muốn kêu gọi sự đóng góp và phản ánh thông tin từ độc giả.

Độc giả có thể gửi bài viết, bình luận, chia sẻ thông tin, ý kiến của mình về các vấn đề giao thông như xe khách chở quá số người quy định, tăng giá vé quá quy định, nhồi nhét và chèn ép hành khách, đón trả khách sai quy định, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông… Hoặc hình ảnh những điểm đen, bất cập trong việc đặt biển báo, kẻ vạch, phân làn giao thông mà các bạn đã trải qua.

Báo sẽ tổng hợp các ý kiến, phản ánh của độc giả và gửi đến các cơ quan chức năng liên quan. Mỗi phản ánh của độc giả đều quan trọng và có ý nghĩa, góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn và tiện lợi hơn cho cộng đồng.

Hãy cùng nhau hành động, để giao thông của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn! Độc giả có thể gửi phản ánh của mình thông qua email: bandoc@dantri.com.vn, qua số điện thoại đường dây nóng: 0973-567-567. 

Khi phản ánh tới đường dây nóng cần có đầy đủ thông tin về thời gian, địa điểm, biển kiểm soát phương tiện, hành vi vi phạm hoặc vấn đề gây mất trật tự an toàn giao thông.