Từ vụ CDC Thừa Thiên Huế: Cần xem lại "câu thề" của người có liên quan
Trước khi bị khởi tố, ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế từng khẳng định: "Công ty Việt Á cho tôi dù một ly cà phê tôi đi tù cũng xứng đáng!".
Ngày 19/2, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Hoàng Văn Đức - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên Huế và ông Hà Thúc Nhật - Kế toán trưởng đơn vị này. Theo thông tin ban đầu, ông Hoàng Văn Đức và ông Hà Thúc Nhật bị khởi tố, bắt giam vì liên quan đến việc mua bán kit xét nghiệm Covid-19. Trong ngày 18/2, cơ quan công an đã tiến hành khám xét nơi làm việc của ông Đức và ông Nhật tại CDC tỉnh Thừa Thiên Huế.
Từ những vụ việc trước, đến vụ việc này, Tiến sỹ- Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật Chính pháp cho rằng, khi một loạt giám đốc và các thuộc cấp của Trung tâm kiểm soát bệnh tật nhiều tỉnh thành bị khởi tố liên quan đến sai phạm, chung chi trong vụ Việt Á và vi phạm trong mua sắm thiết bị, vật tư y tế ở nhiều bệnh viện cho thấy đạo đức của một bộ phận cán bộ trong ngành này đã suy thoái nghiêm trọng hoặc đã có những lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Theo đó, việc công ty Việt Á được thổi phồng thành tích rồi bán kit xét nghiệm không đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn cho một loạt tỉnh thành phố, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả của công tác phòng chống dịch bệnh, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người bệnh, làm phát sinh nhiều chi phí chống dịch của nhà nước.
Luật sư Đặng Văn Cường nhận định, những sai phạm đó đã tác động tiêu cực đến công tác phòng chống dịch bệnh, có thể gián tiếp tước đoạt tính mạng của nhiều bệnh nhân, đây phải nói là tội ác chứ không chỉ là vi phạm pháp luật thông thường. Điều đáng nói là các bị can khai nhận đã chi số tiền trên 800 tỷ đồng để "bôi trơn" cho các cán bộ, lãnh đạo ở nhiều địa phương. Bản chất hành vi "bôi trơn" là hành vi đưa hối lộ, cấu kết với nhau để làm trái quy định của nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về đấu thầu, vi phạm về quản lý kinh tế, vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước... Bởi vậy việc mở rộng điều tra, xác minh làm rõ sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật là cần thiết.
Theo luật sư Cường, một điều cũng đáng lưu ý trong vụ án này là khi cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố nhiều người tại công ty Việt Á thì rất nhiều cán bộ lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật ở các địa phương đều "thề" rằng mình không liên quan, và khẳng định "nếu ăn 1 đồng thôi là xứng đáng đi tù". Tuy nhiên, những phát ngôn, "thề thốt" của một số cán bộ CDC ở địa phương đã bị cơ quan điều tra lột "mặt nạ", khởi tố và tống giam cho thấy, đạo đức của nhiều cán bộ trong ngành y tế hiện nay đã suy thoái nghiêm trọng.
Hành vi vi phạm như vậy là lỗi cố ý, những cán bộ này biết rõ hành vi như vậy là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi để hưởng lợi từ nỗi sợ hãi, hoang mang của cộng đồng trước dịch bệnh. Họ biết rõ là hành vi vi phạm quy định về đấu thầu (cấu kết với công ty Việt Á, mua các vật tư y tế không đảm bảo chất lượng, thổi giá để lấy tiền nhà nước chia nhau) nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, chỉ vì lợi ích trước mắt, vì số tiền bất chính có thể ăn chia nên đã bất chấp pháp luật. Hành vi lại diễn ra đối với lãnh đạo, cán bộ ngành y tế, một ngành đòi hỏi đạo đức cao trong hoạt động nghề nghiệp, được xã hội tôn vinh, nể trọng.
Bởi vậy vụ án này là một nỗi đau trong công tác cán bộ, là tiếng chuông cảnh tỉnh cho nhiều người khác, đồng thời cho thấy lỗ hổng trong công tác quản lý tài sản nhà nước, trong mua sắm thiết bị vật tư y tế.
"Bản chất của vụ việc là các đối tượng đã không tuân thủ quy định của luật đấu thầu khi lựa chọn nhà thầu, xác định không đúng giá trị của các loại hàng hóa khi mua bằng tiền từ ngân sách nhà nước. Dù là tổ chức đấu thầu hay chỉ định thầu để mua sắm thiết bị y tế, vật tư y tế thì cũng phải tuân thủ các quy định pháp luật về mua sắm tài sản công, quy định của luật đấu thầu, hướng đến mục đích là để sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Nhà nước chi tiền để mua những sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý thông qua thủ tục đấu thầu hoặc chỉ định thầu, có sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Nhưng các đối tượng đã cấu kết với nhau vi phạm quy định về đấu thầu, bán cho Nhà nước sản phẩm kém chất lượng với giá cao ngất ngưởng, gấp nhiều lần giá thị trường"- Luật sư Cường nói.
Do vậy, theo luật sư Cường, các đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh như: tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, tội đưa hối lộ, nhận hối lộ; tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng... Tùy thuộc vào từng hành vi và hậu quả của những người có liên quan.
Ngoài ra những sản phẩm kém chất lượng này sẽ tác động tiêu cực đến công tác phòng chống dịch bệnh, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bệnh nên thiệt hại đối với xã hội là không thể đo đếm được. Bởi vậy, trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ những thiệt hại mà các bị can đã gây ra đối với nhà nước, với các tổ chức, cá nhân để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Đối với các cán bộ, lãnh đạo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thừa Thiên Huế thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi là vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng hay hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nhận hối lộ để xử lý đối với các tội danh tương ứng... Những tội phạm về chức vụ có mức chế tài rất nghiêm khắc, nếu là hành vi nhận hối lộ thì với số tiền nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên, người phạm tội có thể phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất có chế tài là tử hình.
Vụ án này không chỉ để xử lý đối với các cán bộ có vi phạm mà còn tìm ra các "lỗ hổng", "kẽ hở" trong công tác quản lý đối với lĩnh vực y tế để kịp thời sửa chữa, khắc phục.