1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Giám đốc Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam Đoàn Thị Lam Luyến:

Tự bỏ tiền để làm rõ trắng đen!

(Dân trí) - “Nếu đó là sự thật thì không chỉ là tội mạo danh mà là tội chiếm đoạt quyền tác giả theo khoản 1 điều 28 Luật sở hữu trí tuệ, hành vi nặng nhất điều luật này”- Đó là khẳng định của GĐ Trung tâm quyền tác giả văn học VN Đoàn Thị Lam Luyến.

Vụ việc bà Đào Kim Hoa “đạo thơ” vẫn đang gây sự bức xúc không chỉ trong giới văn nghệ sĩ và ngày càng có những bằng chứng không có lợi cho bà Phó trưởng Ban đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam. 
 
Tự bỏ tiền để làm rõ trắng đen! - 1

Bà Đoàn Thị Lam Luyến
 
Với tư cách là người bảo vệ quyền lợi cho các tác giả đã ký bản quyền tác phẩm bà đánh giá như thế nào về sự việc bà Đào Kim Hoa bị nghi ngờ là “mạo danh”tác giả 4 bài thơ?
 
Vấn đề là hiện nay chúng ta chưa có đầy đủ căn cứ để kết luận nhưng đã thấy xuất hiện nhiều rắc rối trong vấn đề tác quyền. Ngay từ việc dịch giả Trần Lê dịch 4 tác phẩm đó sang tiếng Trung, tôi cũng thấy ông ấy có lỗi vì đã không hề xin phép tác giả. 
 
Ông Trần Lê là dịch giả được Ban tổ chức festival thơ quốc tế tại Đài Bắc năm 2001 trao quyền dịch toàn bộ các bài thơ đã gửi đến tham dự, thưa bà?

Tôi muốn hỏi Ban tổ chức dựa vào điều luật nào để trao quyền đó. Nếu Ban tổ chức trao cho một dịch giả dịch thơ của các nhà thơ tham dự festival thì phải có sự thỏa thuận trước bằng văn bản với người sở hữu tác phẩm, đồng thời cũng phải có bồi dưỡng bản quyền cho tác giả của tác phẩm đó. 

Ý của bà là có thể bà Hoa phải được một khoản tiền từ Ban tổ chức, nếu như bà ấy kí tên là tác giả?

Nếu Ban tổ chức làm đúng, dù bà Hoa kí là dịch giả hay là tác giả thì đều sẽ được hưởng số tiền tương ứng. Nếu là tác giả thì sẽ hưởng trọn vẹn nhưng là dịch giả thì phải chia thù lao tác giả tức là cho ông Hữu Thỉnh và ông Lò Ngân Sủn. Nhưng chúng ta cần phải hỏi rõ Ban tổ chức việc đó trước khi bàn về vấn đề này.

Mang thơ người khác sang tham dự festival nhưng bà Hoa không hề trao đổi trước với các tác giả, chẳng phải là có sự “lập lờ” ?

Có thể có một vấn đề nào đó đằng sau sự việc này nhưng tôi không bàn, vì không phải phạm vi tham gia của tôi. Vấn đề là ông Hữu Thỉnh và ông Lò Ngân Sủn đã từng nhờ bà Hoa dịch các tác phẩm của mình sang tiếng Anh. Bà Hoa có quyền sở hữu tác phẩm tái sinh.

Nhưng không phải để cho bà ấy mang sang tham dự festival thơ Quốc tế tại Đài Bắc năm 2001! Bà ấy đã sử dụng sai mục đích, thưa bà?

Có thể bà ấy đã sử dụng sai mục đích nhưng vấn đề là chúng ta không thể xử lý nếu hai ông Hữu Thỉnh và Lò Ngân Sủn không có thỏa thuận rõ ràng với bà Hoa về mục đích sử dụng bản dịch này. Tôi sẽ hỏi lại hai ông đó xem có văn bản thỏa thuận nào cụ thể về việc này hay không. Từ vấn đề của bà Hoa, tôi muốn cảnh báo tất cả các tác giả cần phải rất rõ ràng trong vấn đề bản quyền bằng một hợp đồng có kí kết, có điều khoản thì chúng tôi mới có thể bảo vệ lợi ích hợp pháp cho họ.

Việc “nhờ vả” mà không có văn bản cam kết thì rất khó xử lý nhưng xét trên phương diện pháp lý, nếu sự việc bà Đào Kim Hoa mạo danh tác giả 4 bài thơ là sự thật?

Nếu đó là sự thật thì bà ấy không chỉ là tội mạo danh mà là tội chiếm đoạt quyền tác giả theo khoản 1 điều 28 Luật sở hữu trí tuệ, hành vi nặng nhất trong điều luật này. 

Là người đứng ra bảo vệ quyền lợi cho các tác giả bà sẽ làm gì?

Tôi sẵn sàng bỏ tiền túi để đi đến cùng vụ việc này. Tôi cần có sự giúp đỡ của ông Trần Lê hoặc nhà văn Trang Hạ phiên dịch cho tôi trong quá trình làm việc với Ban tổ chức ở Đài Bắc. Nếu Ban tổ chức khẳng định bà Hoa đã kí tên tác giả của 4 bài thơ đó thì đương nhiên là phải xử lý theo đúng luật. Còn nếu ông Trần Lê hay Ban tổ chức có lỗi thì chúng tôi cũng sẽ lên tiếng.

Bà và bà Hoa làm cùng cơ quan, có ý kiến lo ngại rằng bà sẽ “khó nghĩ” trong việc xử lý đồng nghiệp?

Chúng tôi làm cùng cơ quan nhưng không có nghĩa là tôi sẽ bao che nếu bà Hoa có tội. Tôi là người bảo vệ quyền lợi cho các tác giả mà cụ thể là bảo vệ cho ông Hữu Thỉnh và ông Lò Ngân Sủn, tôi sẽ bảo vệ đến cùng. Nhưng trước mắt cần phải thẩm định sự việc đó, có chứng cứ cụ thể để xử lý. Tôi sẽ làm việc với Ban tổ chức festival thơ, tôi hy vọng được Hội Nhà văn Việt Nam ủng hộ việc này. Ai là người có tội, xử lý như thế nào lúc đó sẽ minh bạch và rõ ràng.
 

Điều 28. Hành vi xâm phạm quyền tác giả

 

1. Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.

 

2. Mạo danh tác giả.

 

3. Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.

 

4. Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó.

 

5. Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

 

6. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.

 
Hà Vân