1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hiện tượng “hi hữu” trong lịch sử văn học Việt Nam

Trở thành “thi hào” nhờ thơ… người khác!

(Dân trí) - Những ngày qua, làng văn chương nước nhà xôn xao xung quanh thông tin của Nhà văn Trang Hạ đăng trên một số phương tiện thông tin đại chúng về trường hợp “đạo thơ” của “nhà thơ” Đào Kim Hoa.

Nhà văn Trang Hạ cho biết, “nhà thơ” Việt Nam Đào Kim Hoa hiện đang trở thành một “hiện tượng văn chương độc đáo” tại Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia … Thơ Đào Kim Hoa được tuyển vào các trang Giáo dục Văn học của Trung Quốc, các trang mạng nổi tiếng nhất Trung Quốc như Baidu, Tianya đều đăng tải thơ và tiểu sử của bà.

Trang web chính thức của dịch giả và Cục Văn hoá thành phố Đài Bắc viết về Đào Kim Hoa: “Bà am hiểu sâu sắc về văn học Việt Nam, nắm rõ tính độc đáo của nó… Thơ của bà tinh tế về cảm xúc, nhưng lại rất phong phú về trí tuệ, lại thấy được sức ảnh hưởng từ dân ca, bà sở trường viết thơ tình”.

Đào Kim Hoa được Cục Văn hoá thành phố Đài Bắc mời tham dự Festival thơ quốc tế lần đầu tiên (và cũng là Liên hoan thơ Đài Bắc lần thứ Hai) được tổ chức tại Đài Bắc tháng 9/2001.

Thế nhưng điều đáng ngạc nhiên là chùm thơ 4 bài tham gia Festival do chính Đào Kim Hoa chuyển cho Ban tổ chức, được dịch giả Trần Lê (Đài Loan) dịch sang tiếng Hoa và in trong tuyển tập tác phẩm của các nhà thơ quốc tế tham dự Festival thơ đồng thời đăng tải trên website Triển lãm thơ quốc tế của Festival thơ quốc tế lần đầu tiên lại là các bài thơ nổi tiếng như “Thư mùa đông” và “Thơ viết ở biển” của Nhà thơ Hữu Thỉnh, “Người đẹp” và Đứng trước em của Nhà thơ Lò Ngân Sủn.

Sự việc trên đã khiến công luận hết sức bức xúc, đặc biệt là đối với các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với một số nhà văn, nhà thơ nổi tiếng xung quanh “sự kiện” hi hữu này.

Trở thành “thi hào” nhờ thơ… người khác! - 1
Nhà thơ Vũ Quần Phương - Chủ tịch Hội đồng thơ Hội nhà văn Việt Nam: Đào Kim Hoa không phải nhà thơ

Chị Đào Kim Hoa không làm thơ, không viết văn, không nghiên cứu, không phê bình… mà chỉ làm về dịch thuật, dịch một số bài thơ, truyện ngắn. 

Bốn bài thơ trên tôi biết là không phải của chị Đào Kim Hoa. Nhưng trước hết cần xác nhận xem tin đăng trên báo mạng đã chính xác chưa. Vì sự việc nếu đúng như bài báo phản ánh thì là một sai lầm nặng, ảnh hưởng đến uy tín chị Hoa. Cũng cần biết chị Hoa được mời dự Festival này qua Hội Nhà văn hay được mời trực tiếp. Những lời giới thiệu và đánh giá tài năng văn chương của chị là do chị cung cấp hay họ lấy từ nguồn nào. Chị Hoa có biết việc này không và đã cải chính gì chưa.

Theo tôi, cũng cần gặp anh Hữu Thỉnh hay một lãnh đạo Hội để tìm hiểu cho kỹ.

Trở thành “thi hào” nhờ thơ… người khác! - 2
Nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha - Hội viên hội Nhà văn Việt Nam: Không phải là “đạo thơ” mà là “ăn cắp”

Tôi là một hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là người đã từng tiếp xúc và làm việc với Đào Kim Hoa. Chị này chỉ là một dịch giả loàng xoàng thôi chứ có biết thơ phú gì đâu. Việc kết nạp chị Hoa vào Hội Nhà văn Việt Nam là do được một vị lãnh đạo chủ chốt của Hội tạo điều kiện, châm chước chứ chúng tôi vẫn cho rằng sự kết nạp ấy là “hơi non”. Nhưng ở đây tôi không bàn đến việc đó mà chỉ xin đưa ý kiến về đạo đức cũng như văn hoá của một hội viên.

Bà Hoa làm bên đối ngoại của Hội, là người có trách nhiệm trong vấn đề tổ chức cho các anh em văn nghệ sỹ đi công tác nước ngoài nhưng đã một vài lần có những “nhập nhèm” trong giá vé đi lại, một việc làm quá phản cảm. Sau khi Hội Nhà văn đưa ra giải quyết, bà Hoa cũng phải trả lại số tiền đã “gian lận” của anh em. Nhưng dù sao cũng thực sự gây ức chế đối với các nhà văn nhà thơ. Một người mà có tính như thế thì không thể làm thơ được. 

“Nhà thơ nữ Việt Nam Đào Kim Hoa sinh năm 1957 tại Hà Tây, hiện sống tại Hà Nội, năm 1974 tốt nghiệp trung học rồi sang Liên Xô học tập, năm 1981 tốt nghiệp khoa Anh - học viện Giảng dạy Ngoại ngữ ở đó. Sau đó về làm tại Ban đối ngoại Hội nhà văn Việt Nam. Bà am hiểu sâu sắc về văn học Việt Nam, nắm rõ tính độc đáo của nó. Hiện bà sống tại Hà Nội, là biên tập viên tạp chí Phê bình Văn học Việt Nam. Bà chủ yếu sáng tác thơ, tản văn, phê bình, dịch thuật.” (Theo VietNamNet)

Mà kì thực tôi đã bao giờ được “vinh dự” nghe thơ của Kim Hoa đâu. Thế mà bỗng dưng lại được “vinh danh”, tên tuổi vượt ra khỏi bờ cõi nước nhà thì quả là một nỗi hổ thẹn cho giới nghệ sỹ.

Sự việc được nêu không phải là “đạo thơ” mà là “ăn cắp”. Mà việc làm đó là điều đáng lên án, có thể phải cần đến sự can thiệp của luật pháp. Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng về sự việc này bởi không giản đơn là bản quyền tác giả mà còn là danh dự, nhân cách của người cầm bút, của Hội Nhà văn Việt Nam.

Tôi cũng ngạc nhiên là một người đã từng gian lận tiền bạc của anh em hội viên, giờ lại bị nghi vấn là gian lận văn chương mà vẫn được làm Phó Ban đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam thì lạ thật.

Nhà văn Nguyễn Hữu Tòng - Phó trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam: Sẽ phải tìm ra sự thật và xử lý triệt để

Chúng tôi sẽ đưa sự việc này ra cuộc họp Ban chấp hành sắp tới của Hội. Còn với quan điểm của tôi sau khi nghe được thông tin này tôi hết sức bất ngờ và buồn vì cùng là Hội viên Hội nhà văn, sao lại để xảy ra sự việc này. Tôi cũng “ngờ” rằng có thể có chút sai sót trong việc dịch thuật chăng nhưng nếu đó là sự thật với tư cách là nhà văn, nhà báo, một người có trách nhiệm trong vấn đề xử lý vi phạm tôi cũng sẽ yêu cầu làm rõ trắng đen.

Nhất thiết phải làm rõ sự việc một cách khách quan và giải quyết triệt để, minh bạch. Ban Kiểm tra sẽ đề nghị Ban Chấp hành có ý kiến và quan điểm xử lý, Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh cũng đã lên tiếng rồi đấy. Nếu oan thì giải oan cho người ta nhưng đúng thế thì phải làm cho nghiêm vì văn thơ vốn trong sáng không thể có sự đen tối được.
 

“Tôi chưa bao giờ đồng ý cho cô Đào Kim Hoa được quyền sử dụng 2 bài thơ “Thư mùa Đông” và "Thơ viết ở biển”. Tôi cũng chưa bao giờ đồng ý nhượng quyền cho cô Đào Kim Hoa dịch những tác phẩm này để mang qua Đài Bắc tham dự Festival thơ Quốc tế. Nhà thơ mạo danh sẽ phải trả lời trước công luận về vấn đề mạo danh này. Còn chuyện khai trừ nhà thơ mạo danh ấy ra khỏi HNV VN hay không còn phải xem có rơi vào Quy chế không đã. Vì còn phải qua rất nhiều khâu xem xét của Hội đồng kỷ luật, Ban kiểm tra… nó nhiều vấn đề lắm!” - Nhà thơ Hữu Thỉnh. (Theo VietNamNet)

 
 
Hà Vân