1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Từ Biển Đông tới núi Hải Vân - cần cảnh giác cao độ

(Dân trí) - Tiếp xúc cử tri ngày 6/12 để báo cáo về kết quả kỳ họp Quốc hội thứ 8 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ lo lắng của các bậc lão thành về chuyện Trung Quốc xây dựng, leo thang trên biển cũng như việc trao dự án có vi trí chiến lược trên núi Hải Vân cho người nước ngoài...

Cử tri Nguyễn Minh Chung (phường Đội Cấn, quận Ba Đình) nhận xét, về chiến lược giải quyết vấn đề chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa, người dân hài lòng với quan điểm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói trước Quốc hội là “vừa hợp tác vừa đấu tranh”.

Tuy nhiên, về phương thức đấu tranh, ông Chung thẳng thắn bày tỏ việc bản thân chưa hài lòng. Theo ông Chung, ứng xử của Việt Nam vẫn còn mềm, cần “cứng” hơn vì “bài” của Trung Quốc là tạo ra những “việc đã rồi” và từ đó lấn tới.

“Trong khi họ vẫn đang tiếp tục hút cát, đổ bê tông, mở rộng đảo Gạc Ma, xây dựng trên đảo Chữ Thập… mà Việt Nam vẫn chỉ tuyên bố phản đối, chưa xúc tiến làm gì. Cần có hình thức đấu tranh cao hơn như khởi kiện ra Liên Hợp quốc để dư luận quốc tế biết, cùng lên tiếng phản đối hành vi vi phạm của Trung Quốc” - ông Chung cho rằng, Quốc hội, Chính phủ đều cần đề ra biện pháp thích hợp hơn để giải quyết những vấn đề nóng bỏng đang đặt ra.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm ngày 6/12.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm ngày 6/12.

Mở rộng hơn vấn đề này, cử tri Nguyễn Văn Hiền (phường Phan Chu Trinh- quận Hoàn Kiếm) liên hệ với câu chuyện tỉnh Thừa Thiên – Huế cấp dự án cho thuê đất dài hạn 50 năm cho một doanh nghiệp Trung Quốc ở khu vực đèo Hải Vân (bán đảo Sơn Trà 2).

Ông Hiền đặt vấn đề, Bộ trưởng Quốc phòng Phung Quang Thanh đã khẳng định, khu vực này không thể cho nước ngoài thuê đất, dù với mục đích làm bất cứ việc gì. Dự án suýt “lọt lưới” nếu Đà Nẵng không lên tiếng phản ánh về sự việc.

Cử tri lật lại vấn đề, đây không phải lần đầu các cơ quan chức năng để xảy ra việc một số nơi vì lợi ích cục bộ, địa phương mà để xảy ra việc ảnh hưởng lợi ích, an ninh quốc gia. Điểm lại việc cho nhà thầu Trung Quốc làm dự án bô xít Tây Nguyên, đưa lao động Trung Quốc sang lập cả làng, cả phố Tàu ở địa bàn, rồi việc lao động phổ thông của Trung Quốc tràn ngập Vũng Áng (Hà Tĩnh), việc cho doanh nhân Trung Quốc quây biển nuôi thuỷ sản ở vịnh Cam Ranh (Khánh Hoà), cho người nước ngoài thuê rừng gần biên giới… cử tri không giấu những lo ngại.

Ông Hiền cảnh báo, Trung Quốc đã bộc lộ dã tâm cướp vĩnh viễn Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Các động thái leo thang trên biển đã thể hiện rõ điều này, cần cảnh giác với âm mưu của Trung Quốc.

Ông Hiền đề nghị phải có lộ trình cụ thể để Việt Nam từng bước thoát sự lệ thuộc vào Trung Quốc vì từ lệ thuộc kinh tế sẽ phát sinh những khó khăn với yêu cầu độc lập về chủ trương, chính trị. Cử tri cũng gợi ý xử lý nghiêm những tôt chức cá nhân làm sai chủ trương để ảnh hưởng đến vấn đề chủ quyền an ninh quốc gia.

Đáp lại ý kiến của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt lại câu hỏi: “Cử tri nói Việt Nam vẫn mềm quá, cần kiên quyết hơn nhưng kiên quyết hơn là như thế nào, kích động dùng vũ lực, tuyên chiến?”.

Nhận định cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển là vấn đề rất lớn, Trung ương đã nhiều lần họp và cho ý kiến trong thời gian qua, Tổng Bí thư cho biết, chủ trương chung được thống nhất là yêu cầu cơ quan chức năng phối hợp rất nhiều biện pháp, từ đấu tranh ngoại giao, đấu tranh trên thực địa, khơi dậy dư luận quốc tế…

Theo đó, kết quả đem lại là việc Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển Việt Nam trước 1 tháng so với kế hoạch, phải chấp nhận đón tiếp các đoàn đại biểu, ngoại giao của Việt Nam tới làm việc.

“Ta vẫn là hàng xóm láng giềng ăn đời ở kiếp với Trung Quốc, có phải “xúc đất đổ đi” được đâu. Cần đảm bảo chủ quyền nhưng cũng phải giữ cho được chế độ, giữ được sự lãnh đạo của Đảng, giữ môi trường an toàn, ổn định để phát triển. Chỉ một hành động quá khích dẫn đến biểu tình, đập phá tài sản của doanh nghiệp nước ngoài mà hình ảnh của Việt Nam đã xấu đi, nếu không có động thái xử lý kịp thời, kiên quyết” – Tổng Bí thư phân tích thiệt hơn.

Người đứng đầu Đảng nhấn mạnh, bạn bè quốc tế hoan nghênh Việt Nam và đánh giá cao chủ trương, chiến lược của nhà nước chính ở cách xử lý mềm dẻo, khôn khéo thời gian qua. Cách đấu tranh như vậy, vừa đạt được mục đích vừa đảm bảo môi trường hoà bình, ổn định cho đất nước.

Tổng Bí thư nhắc lại nguyên tắc, yêu nước nhưng phải đúng hướng vì các đối tượng xấu rất muốn Việt Nam sai lầm, một bước đi sai lầm, dù là nhỏ nhất cũng sẽ bị lợi dụng để phá hoại. Nhấn mạnh thêm yêu cầu giữ vững phương châm đường lối ngoại giao Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư chia sẻ, thế giới phải kính nể chính vì sự khôn khéo truyền thống trong đường lối đối ngoại của cha ông.

Nhắc lại kết quả chuyến thăm Nga, Belarus vừa qua, Tổng Bí thư khẳng định, đoàn Việt Nam được đón tiếp trang trọng và cũng thân tình đặc biệt cũng chính vì lập trường đấu tranh hoà bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trách nhiệm và xây dựng… đã thể hiện.

Tổng Bí thư quả quyết, Việt Nam muốn làm bạn với cả thế giới thì với những nước lân cận, quan hệ càng phải khăng khít, gần gũi, nhất là với nước bạn láng giềng cùng chung con đường XHCN.
 

Tại buổi tiếp xúc cử tri, trao đổi thêm với cử tri về việc xử lý biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa do gia đình cựu Chủ tịch Hà Nội Hoàng Văn Nghiên đang sử dụng dù ông Nghiên đã về hưu gần 10 năm nay, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội ông Nguyễn Ngọc Tuấn, khẳng định việc quản lý biệt thự ở Thủ đô là "rất nghiêm túc": Tại kỳ họp HĐND vừa kết thúc, chuyện 312 biệt thự đã được chất vấn, tái chất vấn và tranh luận rất gay gắt.

Riêng với biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa mà ông Hoàng Văn Nghiên chưa trả lại, ông Tuấn khẳng định biệt thự này nằm trong phân loại biệt thự loại 2 và không được bán. Do đó thành phố sẽ thu hồi biệt thự này.

"Giải quyết chính sách cho gia đình ông Hoàng Văn Nghiên cũng sẽ thực hiện theo đúng quy định, và trong thời gian sớm nhất, cử tri cứ yên tâm là việc này sẽ được làm công khai", ông Nguyễn Ngọc Tuấn nói.

P.Thảo