Từ 1/10: Nâng lương tối thiểu lên 300.000 đồng
Theo tiến trình cải cách tiền lương, từ ngày 1/10/2005, mức lương tối thiểu sẽ được nâng lên 300.000 đồng. Ngoài ra, trong khu vực hành chính sự nghiệp còn có thêm phụ cấp điều chỉnh tăng thêm là 7%.
Đề án Cải cách chính sách tiền lương quy định, từ 1/10/2004, người làm công ăn lương được chuyển xếp sang hệ thống thang bảng lương mới-đồng nghĩa với việc lương thực hưởng được tăng cao nhất tới 30%. Tính đến 5/1/2005, liên bộ đã ban hành 23 thông tư hướng dẫn thực hiện, trong đó đã quy định cho tạm ứng tiền lương và trợ cấp mới từ 1/10/2004. Nhưng tới nay, rất nhiều cơ quan đơn vị vẫn chưa thực hiện được.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Đặng Như Lợi, đã có cuộc trao đổi với báo chí về việc này.
Thưa ông, nguyên nhân chậm trễ trong việc thực hiện Đề án Cải cách chính sách tiền lương do đâu?
Hệ thống văn bản hướng dẫn đều đã có đầy đủ. Vấn đề là, ở bộ phận lãnh đạo chịu trách nhiệm về tiền lương của các cơ quan đơn vị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ về tiền lương không có nên đơn vị thực hiện né tránh, không xếp lại thang bảng lương. Việc chậm thực hiện điều chỉnh lương là ở khâu triển khai chứ không phải của các cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn.
Phải chăng vẫn có lỗi của văn bản bởi hiện nay dù điều chỉnh tăng lương nhưng vẫn có quy định về khống chế quỹ lương. Nên dù có tăng lương, cơ quan chủ quản không phê duyệt quỹ lương thì các cơ quan bên dưới không thể thực hiện được?
Cần hiểu cho đúng, lần này đâu phải tăng lương mà là điều chỉnh thay đổi hệ thống thang bảng lương một cách phù hợp. Thay đổi hệ thống thang bảng, mở rộng bội số tiền lương nên mức độ tăng của mỗi người một khác. Vấn đề là phải xếp đúng quy định, chuyển xếp như thế nào theo đúng trình độ chuyên môn, đúng năng lực, công việc và chức vụ, ngạch bậc mình đang làm. Nếu đã xếp đúng thì không ai cản trở việc đó.
Thực tế, với sự điều chỉnh tiền lương như vậy thì lương không thể theo kịp mức độ tăng giá?
Chỉ bàn về vấn đề trượt giá thì rất đơn giản. Đề án Cải cách chính sách tiền lương bắt đầu từ năm 2003, ngay năm đó đã điều chỉnh lương tối thiểu tăng 38%, trong khi chỉ số giá tăng 4%. Năm 2004 chỉ số giá tăng 9,5% nhưng tăng lương của năm 2003 đã thừa để bù trượt giá. Năm 2005, điều chỉnh hệ thống thang bảng lương thì mỗi người đều được tăng lương, có người được tăng đến 30%, cũng có người chỉ được tăng 2%-3% và chỉ số tăng giá dự kiến là 6,5%. Cho nên, nếu chỉ so sánh giữa tăng lương với trượt giá thì nó đơn giản lắm.
Bản chất ở đây không phải là câu chuyện “giá và lương” mà cái chính là nền lương (lương tối thiểu) của VN đang rất thấp, chưa bảo đảm cho cuộc sống để người hưởng lương yên tâm tập trung cho công việc. Làm sao phải đưa nền lương đó tương ứng với năng suất lao động để tiền lương gắn với công việc, trả theo giá trị của lao động một cách phù hợp.
Thưa ông, điều khó khăn nhất trong việc cải cách tiền lương một cách triệt để có phải do số lượng người hưởng lương từ ngân sách quá lớn? Phải có biện pháp giảm con số này?
Khó khăn từ rất nhiều phía, không phải chỉ từ nguyên nhân người hưởng lương từ ngân sách đông. Đối tượng hưởng lương đông, vẫn có biện pháp để xử lý, ví dụ như xã hội hóa để tạo thêm nguồn thu giúp các đơn vị chủ động về mặt tài chính để có thể trang trải tiền lương.
Nếu nói đối tượng hưởng lương từ ngân sách đông thì cứ tách ra: 1/Khu vực hưởng lương từ ngân sách; 2/Khu vực của Nhà nước nhưng tự trang trải lấy nguồn để giải quyết lương (như doanh nghiệp Nhà nước-dù tăng lương bao nhiêu thì họ vẫn phải tự lo lấy); 3/Các đơn vị sự nghiệp có thu-không liên quan gì đến ngân sách. Có những đối tượng không thể giảm được như người về hưu trước 1/1/1995.
Ta cứ quan niệm bộ máy Nhà nước đông quá! Thế nào là đông? Trong tổng số 1.550.000 người thuộc khu vực hành chính sự nghiệp thì bộ phận hành chính, quản lý nhà nước + đoàn thể + các hội do ngân sách nhà nước chi trả là 300.000 người; còn lại toàn bộ là từ các đơn vị sự nghiệp: giáo dục 1.000.000 người, y tế khoảng 180.000 đến 200.000 người. Dân số tăng, học sinh tăng thì đội ngũ giáo viên, y bác sĩ cũng phải tăng theo.
Cho nên, phải đổi mới cơ chế tài chính một cách phù hợp, bảo đảm cho mọi đồng tiền bỏ ra phải hiệu quả mới là vấn đề quan trọng.
Thời gian tới, chính sách tiền lương có thay đổi gì lớn?
Theo tiến trình cải cách tiền lương, từ ngày 1/10/2005 sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu lên 300.000 đồng, cũng có khả năng sẽ cao hơn mức trên. Ngoài ra, trong khu vực hành chính sự nghiệp còn có thêm phụ cấp điều chỉnh tăng thêm là 7%. Phụ cấp này áp dụng theo lương tối thiểu năm 2006 là 320.000 đồng/tháng + 9%; năm 2007 là 340.000 đồng +18%.
Phụ cấp này không phải bắt buộc áp dụng chung mà quy định “lỏng” – không nằm trong mức lương cơ bản, những đơn vị nào xử lý được cao hơn thì sẽ áp dụng – và cũng không nộp bảo hiểm xã hội khoản phụ cấp này.
Theo Người lao động