1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội:

Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC nói gì về cột điện "mọc" xuyên nhà?

(Dân trí) - Theo Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 1 (Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội), hệ thống dây điện, dây cáp chằng chịt trên những cây cột điện tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến cháy nổ, đặc biệt vào những ngày nắng nóng, hệ thống dây điện quá tải.

Liên quan đến vụ cháy dây cáp điện trên cây cột điện “mọc” xuyên nhà trên phố Trần Khát Chân kéo dài sáng 7/6, Đại tá Trần Văn Vụ - Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 1- cho hay, ngay khi nhận tin báo về vụ cháy trên cột điện, đơn vị này đã điều động xe chữa cháy cùng các cán bộ xuống hiện trường, tổ chức dập lửa.

Một vụ cháy cột điện trên địa bàn Hà Nội cuối năm 2015. (Ảnh: Nguyễn Dương)
Một vụ cháy cột điện trên địa bàn Hà Nội cuối năm 2015. (Ảnh: Nguyễn Dương)

Việc một số công trình xây dựng “trùm” lên lưới điện tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy nổ, nhất là trong điều kiện thời tiết khô nóng hiện nay, các hộ sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện dẫn đến đường dây quá tải. Theo thông tin Đại tá Vụ cung cấp, trong 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn Phòng Cảnh sát PCCC số 1 phụ trách xảy ra 87 vụ cháy, trong đó có tới 25 vụ liên quan đến điện.

“Về mặt nguyên tắc, chúng tôi đều khuyến cáo người dân không nên đưa đường dây điện luồn qua mái nhà, mái tranh tre nứa lá vì nguy cơ hỏa hoạn là rất lớn, có thể gây ra cháy lan sang các khu vực xung quanh. Đây là tình trạng khá phổ biến đặc biệt tại các khu tập thể cũ, mật độ đông, đường dây xuống cấp.” - Đại tá Vụ nói.

Ông Vụ nhận định thêm, dù các cơ quan phòng cháy chữa cháy và điện lực liên tục đưa ra khuyến cáo, nhưng người dân vẫn cứ vi phạm với lý do “trong phạm vi đất của tôi thì tôi cứ làm”.

Trong vụ cháy xảy ra tại ngôi nhà 4 tầng “ôm” cột điện trên đường Trần Khát Chân kéo dài hôm 7/6 vừa qua, điểm phát hỏa được xác định là từ hệ thống dây điện được mắc chằng chịt trên cột điện tạm. Chủ ngôi nhà này cũng phân trần, do chủ quan, nghĩ là dự án làm đường sẽ sớm hoàn thành nên bà vẫn cứ để công nhân thi công trùm lên cột điện (!?).

Hệ thống dây điện, dây cáp chằng chịt, cột điện còn chui trong nhà, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến cháy nổ.
Hệ thống dây điện, dây cáp chằng chịt, cột điện còn "chui" trong nhà, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến cháy nổ.

Từng chỉ huy nhiều cuộc chữa cháy liên quan đến điện, Đại tá Vụ cho hay, khi xảy cháy trên cột điện, việc cháy lan là tất yếu do người dân thường làm nhà sát với đường, sát với hệ thống cột điện. Các cơ quan chức năng nhắc nhở, tuyên truyền, khuyến cáo nhưng người dân vẫn “bỏ ngoài tai”. Nguyên nhân nhiều vụ cháy liên quan đến điện là do hạ tầng thấp nhưng một phần cũng do ý thức người dân.

“Muốn phòng tránh tình trạng này thì trước hết người dân phải tuân thủ các nguyên tắc an toàn.” - Trưởng Phòng CS PCCC số 1 nhấn mạnh.

Theo Đại tá Trần Văn Vụ, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chập, cháy do điện như: cháy át-tô-mát, cháy do chất lượng đường dây xuống cấp, người dân sử dụng nhiều thiết bị điện, không đảm bảo an toàn, cắm ổ cắm không sâu dẫn đến hiện tượng chập; sử dụng thiết bị điện để lưu điện (máy photocopy, máy in, máy tính), quá trình lưu điện dẫn đến cháy, do chuột bọ cắn đường dây. Ông Vụ cũng khuyến cáo người dân không nên để các thiết bị điện gần các vật dễ cháy như quần áo, vải vóc, giấy tờ…

“Hiện chúng tôi đang có chương trình phối hợp với bên điện lực để vận động các hộ dân sửa chữa, thay thế cải tạo lại hệ thống điện. Tuy nhiên, biện pháp chủ yếu hiện tại là tuyên truyền, vận động người dân.” - Đại tá Vụ cho hay.

Tiến Nguyên