1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Trưởng Công an thành phố Thanh Hóa “âm thầm" thôi chức

Dư luận ở Thanh Hóa đang xôn xao về việc ông Trưởng Công an thành phố Thanh Hóa bỗng dưng được "ngồi chơi xơi nước" mà không thấy cấp trên công bố bất cứ lý do gì. Đầu mối vụ việc bắt đầu từ một nhân vật có cái tên lạ: Trịnh Cẩy...

Ông Trịnh Cẩy có tên khai sinh là Trịnh Văn Cẩy, thích xưng danh là Trịnh Xuân Cẩy, quê ở làng Phú Khê, xã Hoằng Quí, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Học xong Đại học An ninh, ông Cẩy được phân công về làm việc tại một tỉnh miền núi phía Bắc, sau đó về công tác tại Công an tỉnh Thanh Hóa, bắt đầu từ trinh sát an ninh rồi lên đến Đội trưởng đội CSĐT Công an TP Thanh Hóa. Hiện nay, thiếu tá Trịnh Văn Cẩy làm việc tại Đội miền núi Phòng bảo vệ chính trị Công an tỉnh Thanh Hóa.

 

Chính trong thời gian làm đội trưởng đội CSĐT mà ông Trịnh Cẩy làm nên "tai tiếng" của mình. Các năm 2002-2003, ông tham gia chỉ huy phá 6 vụ án thì cả 6 vụ này đều có vấn đề. Đơn cử: cuối năm 2003, đội CSĐT bắt vụ mại dâm tại nhà hàng karaoke ở số nhà 27 Lê Phụng Hiểu, phường Ba Đình do Phùng Thị Liên làm chủ. Một nguồn tin riêng cho biết, khi bị bắt, thị Liên đã đề nghị Trịnh Cẩy giúp đỡ, ông này ra giá 50 triệu đồng. Con gái thị Liên đã trực tiếp đem 20 triệu đồng cho ông Cẩy nhưng thị Liên vẫn không được thả ra. Thấy chưa ổn, chồng thị Liên tiếp tục chi 20 triệu đồng nữa. Ngay sau đó, thị Liên được tự do và chỉ bị xử phạt hành chính 500.000 đồng.

 

Tháng 4/2003 đội CSĐT Công an TP Thanh Hóa bắt quả tang 5 đối tượng đánh bạc tại số nhà 37 Phùng Khắc Khoan, thu được tại hiện trường 10 tờ giấy ghi chép về việc đánh đề; khám xét khẩn cấp địa điểm tổ chức đánh bạc thu giữ 20 triệu đồng, 5 máy fax... Ngay sau khi bị bắt, Nguyễn Thị Nguyệt và đồng bọn đã thành thật khai nhận việc tổ chức đánh bạc bằng hình thức bán số đề qua máy điện thoại. Vụ án này lẽ ra phải bị xử lý hình sự nhưng rốt cuộc, các đối tượng lại được xử lý hành chính. Điều ngạc nhiên hơn nữa là tang vật vụ án gồm 20 triệu đồng và hầu như toàn bộ các thứ khác đều được trả lại cho đối tượng (!).

 

Tương tự, tháng 8/2003, Đội CSĐT phá vụ án chọi gà ăn tiền do Nguyễn Văn Phái tổ chức tại số nhà 16 Trần Hưng Đạo, phường Nam Ngạn. Khi chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của Công an tỉnh Thanh Hóa, Đội CSĐT của ông Trịnh Cẩy đã đề xuất trả lại tang vật vụ án. Chính đội trưởng Trịnh Cẩy lại đứng tên nhận hộ 3 xe máy cho đối tượng còn Công an TP Thanh Hóa đề xuất họp với các ngành liên quan thống nhất: chọi gà ăn tiền của Phái, sai phạm chưa đến mức xử lý hình sự.

 

Vì sao nhiều vụ việc do ông Trịnh Cẩy chỉ huy phá án lại có dấu hiệu không bình thường và sai phạm có hệ thống đến như vậy? Qua điều tra, chúng tôi được biết, đó là nhờ sự nâng đỡ của ông Trưởng Công an TP Thanh Hóa Trịnh Xuân Thủy.

 

Với tư cách là Trưởng Công an thành phố, thủ trưởng đội điều tra, từ năm 2001-2003, chính ông Trịnh Xuân Thủy đã chỉ đạo ông Trịnh Văn Cẩy trong những vụ án "không bình thường" như đã đơn cử ở trên, chưa kể những vụ khác không kém nghiêm trọng như: trả tang vật vụ án cướp của giết người cho 2 đối tượng ở Hà Nội và Nghệ An; vụ kiểm tra hành chính tại nhà nghỉ Tây Thành, phường Tân Sơn; vụ kiểm tra xử lý nhà hàng karaoke Linh Thái Sơn ở phường Đông Thọ; vụ kiểm tra nhà hàng karaoke Minh Nguyệt, phường Trường Thi; vụ mua bán số đề tại phường Ba Đình; vụ chiếm đoạt mua bán thẻ môn bài trên địa bàn TP Thanh Hóa... Nếu không có sự chỉ đạo và đồng ý của cấp trên, Đội trưởng Đội CSĐT Trịnh Văn Cẩy không thể tự tung tự tác, bỏ lọt người lọt tội nhiều như thế.

 

Một vấn đề nữa mà dư luận hết sức quan tâm đối với ông Thủy là việc gia đình ông có nhiều lô đất và nhà cửa ở các thành phố lớn, tổng giá trị lên đến hàng chục tỉ đồng. Đương nhiên, thực hư vấn đề tài sản của ông Thủy thì chỉ có lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa và Bộ Công an nếu quyết tâm điều tra mới có cơ làm rõ bởi bất động sản đứng tên người khác không phải là chuyện dễ chứng minh.

 

Thực ra những dị nghị về phẩm chất của ông Trịnh Xuân Thủy đã rộ lên ngay khi ông còn tại chức Trưởng Công an TP Thanh Hóa. Nhưng dư luận càng trở nên bức xúc sau khi ông Thủy thôi chức Trưởng Công an TP lẫn chức Bí thư Đảng ủy Công an TP Thanh Hóa (tháng 8/2005). Nhất là khi mới đây, đầu tháng 9/2005, tại Đại hội đảng bộ TP Thanh Hóa, ông Trịnh Xuân Thủy vẫn ngồi Đoàn chủ tịch để điều hành đại hội.

 

Được biết, mặc dù chưa đến tuổi nhưng thượng tá Trịnh Xuân Thủy đã phải viết đơn xin nghỉ chế độ sớm hơn so với quy định. Điều trớ trêu là trước đây, chính ông Thủy đã làm văn bản đề nghị các ngành chức năng ở Thanh Hóa cho phép ông được sửa năm sinh từ 1948 xuống năm 1952, chắc hẳn không ngoài ý muốn được công tác nhiều năm hơn nữa trong ngành công an.

 

Bộ Công an đã và đang chỉ đạo các đơn vị chức năng làm rõ những vụ án có dấu hiệu không bình thường xảy ra tại TP Thanh Hóa cũng như các cá nhân có trách nhiệm liên đới.

 

Theo Thanh Niên