1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Trường chuẩn quốc gia cũng mất vệ sinh

Bẩn, quá tải, xuống cấp... là thực trạng tại nhiều nhà vệ sinh ở các trường tiểu học nội thành Hà Nội và TPHCM. Việc 400 - 500 trò phải dùng chung một nhà vệ sinh đã khiến nhiều trường bế tắc trong việc giải quyết.

>> Hàng triệu học sinh không dám đi... vệ sinh

 

“Cháu ơi! Nhà vệ sinh ở chỗ nào?”, Anh Tú, cậu học sinh lớp 2 đang đùa vui với bạn vội chỉ: “Ở tầng dưới ấy chú! Nhưng bên trong thối lắm! Bọn cháu vào đó toàn phải nín thở thôi”. “Thế cháu có kể với cô không?”, “Không dám đâu, cháu sợ bị cô phạt đứng lên bảng lắm”.

 

Đó là cảm nhận của học sinh Tiểu học Nam Thành Công, trường nổi tiếng của quận Đống Đa (Hà Nội), về nhà vệ sinh của trường mình. Mặc dù có 2.700 học sinh nhưng trường chỉ có 3 nhà vệ sinh dành cho nam và nữ. Nhà vệ sinh tại hai dãy nhà 3 tầng đều được bố trí ở tầng 1, gây khó khăn cho học sinh ở các tầng phía trên.

 

Dù cách nhà vệ sinh chừng 5 mét nhưng học sinh ở hai lớp học nằm sát đó luôn phải ngửi mùi khai thoang thoảng bay đến. Một nữ sinh giấu tên cho biết: “Hôm nào trời nóng, mùi khai kinh lắm. Đóng kín cửa mà vẫn ngửi thấy”.

 

Bên ngoài hành lang gần cửa nhà vệ sinh, mùi khai bốc lên nồng nặc, nhiều học sinh rón rén, nhăn mặt bước vào. Thấy bẩn, có em đứng ngay trước cửa, ưỡn người tè vào khiến các bạn đứng trong kêu oai oái.

 

Bước vào trong, mùi khai xộc vào mũi, những đường xả nước tự động khô roong, bên trên cánh cửa gỗ đóng kín được chèn tạm bợ bằng tấm ván mỏng là dòng chữ: “Hỏng, tắc - không đi vào”. Do phải phục vụ nhiều học sinh và thiếu nước xả thường xuyên nên càng về cuối buổi học, mùi khai càng bốc lên mạnh.

 

Tương tự, khoảng 3.500 học sinh tiểu học Kim Liên, trường điểm của Hà Nội, đang phải dùng chung 3 nhà vệ sinh. Khu nhà vệ sinh nằm ngay sát cổng trường được xây cách đây gần 10 năm giờ khá tồi tàn. Hệ thống ống nước nhỏ giọt không hoạt động, vòi nước gẫy núm xoáy, cửa nhà vệ sinh vỡ toang, nắp bể chứa nước mở toang... Còn phía sau nhà vệ sinh này, nước tiểu và chất thải học sinh lênh láng.

 

Trường chuẩn quốc gia cũng mất vệ sinh - 1

Nước tiểu lênh láng phía sau nhà vệ sinh.

 

Do nằm cạnh nhà vệ sinh nên lớp 2H luôn phải hứng mùi khai bay vào. “Ngồi trong lớp cũng ngửi thấy mùi kinh kinh. Cháu toàn phải nhịn về nhà mới dám đi vệ sinh. Có hôm buồn quá thì nín thở đi vào”, một học sinh chờ mẹ đón về tâm sự. Không những thế, do nhà vệ sinh nữ ở khu này không có cửa nên nhiều em không dám vào vì “sợ bị bọn con trai nhìn thấy”.

 

16h30, tại khu nhà 2 tầng vừa được tiểu học Kim Liên lấy lại của trường Nguyễn Trường Tộ, vì quá mót tiểu, không kịp chạy ra nhà vệ sinh gần cổng trường, một học sinh đã tè ngay xuống lỗ thoát nước trước cửa lớp. Nơi cậu bé đứng tè bậy này chỉ cách khu nhà vệ sinh đang bị khóa trái cửa chừng 4 mét.

 

Chỉ tay về phía cậu bé tè bậy, bác Phan Nam đang chờ đón cô cháu gái học lớp 4 bức xúc: “Nhà vệ sinh ở khu này cứ ngoài 16h chiều là đóng cửa. Trong khi đó nhiều hôm phải 5 giờ các cháu mới tan. Chẳng hiểu sao lại trái khoáy đến vậy”.

 

Chiều 25/10, trao đổi với PV, Hiệu trưởng tiểu học Nam Thành Công Trần Thị Hòa thừa nhận, các nhà vệ sinh đều chưa đạt chuẩn và chưa đáp ứng nhu cầu của học sinh. Đây đang là vấn đề quan tâm số một của trường.

 

Do mỗi nhà vệ sinh phải phục vụ gần 500 học sinh nên trường đã thuê 4 lao công dội, rửa liên tục các nhà vệ sinh sau mỗi giờ ra chơi. Bên cạnh đó, hệ thống nước chảy nhỏ giọt và lavabo cho học sinh rửa tay cũng đã được lắp đặt. Tuy nhiên, khi bà Hiệu trưởng đi kiểm tra, những vòi nước này đều không có nước.

 

Theo cô Hòa, sắp tới, trường có thể phải xây thêm bể ngầm để cung cấp đủ nước cho các nhà vệ sinh. Tuy nhiên, giải pháp xây thêm nhà vệ sinh chưa được trường tính tới. “Là trường tốt của thành phố nên chúng tôi cần phải nâng cao chất lượng nhà vệ sinh để các em không phải sợ mỗi khi đi vào”.

 

Còn thầy Nguyễn Văn Long, Hiệu phó phụ trách cơ sở vật chất tiểu học Kim Liên cho biết, nếu tính theo đầu học sinh thì lượng nhà vệ sinh của trường hiện vẫn chưa đủ đáp ứng. Do vậy, sau giờ ra chơi, việc nhà vệ sinh có mùi là điều không tránh khỏi. Mỗi tháng, trường này trả tiền nước hơn 10 triệu đồng.

 

Trường chuẩn quốc gia cũng mất vệ sinh - 2

Nhà vệ sinh trường tiểu học Kim Liên, cửa vỡ toang,

chậu và vòi nước hỏng.

 

“Do gần đây có nơi xảy ra tình trạng nữ sinh bị xâm hại trong nhà vệ sinh nên để đảm bảo an toàn cho các em, sau 16h30, nhà vệ sinh ở khu nhà mới lấy lại của tiểu học Nguyễn Trường Tộ được khóa lại, em nào có nhu cầu thì đi ra khu vực gần cổng”, Hiệu trưởng tiểu học Kim Liên Phan Nam Phương giải thích.

 

Theo cô Phương, học sinh đông trong khi nhà vệ sinh ít, ý thức nhiều em vẫn còn kém cộng với việc thiếu nước chính là nguyên nhân khiến vệ sinh trường học xuống cấp. Tuy nhiên, hiện trường vẫn chưa có biện pháp khắc phục, ngoài việc ngày ngày lãnh đạo trường phân công nhau đi kiểm tra để nhắc nhở lao công dọn dẹp sạch sẽ hơn.

 

Tại TPHCM, quy định liên Sở Y tế và GD&ĐT yêu cầu nhà vệ sinh phải có đủ ánh sáng, nước dội, vòi nước, xà bông rửa tay, không có mùi hôi, không bị đọng nước hay xuống cấp. Tuy nhiên, một số nhà vệ sinh ở các trường ngay địa bàn trung tâm dù còn khá mới, cũng chưa đáp ứng đủ các tiêu chí này.

 

Tiểu học Kỳ Đồng (quận 3), có mặt bằng cơ sở vật chất khá khang trang, nhưng nhà vệ sinh vẫn bị phụ huynh, học sinh than phiền vì luôn bốc mùi và dơ dáy.

 

“Cháu học bán trú cả ngày nên không thể nhịn tiểu để về nhà đi được. Nhưng mỗi lần đi vệ sinh ở trường, tụi cháu đều phải bịt mũi, rất chóng mặt và khó thở”, Phương Thảo, học sinh Tiểu học Kỳ Đồng kể.

 

Còn anh Nguyên, có hai con cùng học trường này cho biết, Đại hội cha mẹ học sinh năm nào, phụ huynh cũng than phiền về tình trạng nhà vệ sinh của trường nhưng không thấy cải thiện. “Chúng tôi lo lắng sức khỏe của con mình nên tự nguyện đóng góp tiền cơ sở vật chất hàng năm không nhỏ. Nhưng hình như nhà trường quên mất việc bảo dưỡng nhà vệ sinh”, anh Nguyên nói.

 

Theo quan sát của PV, tiểu học Kỳ Đồng có tới 4 nhà vệ sinh ở cuối mỗi dãy phòng học, 2 nhà vệ sinh phục vụ cán bộ nhân viên, giáo viên trong trường, đều còn khá mới. Sau giờ ra chơi, các nhà vệ sinh vừa được lao công dọn dẹp nhưng vẫn bốc mùi khai nồng, nước còn đọng lênh láng trên sàn và trơn trượt.

 

Tại tiểu học Đống Đa, trường đạt chuẩn quốc gia duy nhất của quận Tân Bình, tình trạng không khá hơn. Các nhà vệ sinh tuy sạch sẽ, nhưng vẫn có mùi khai, các lavabo đóng cặn và cáu bẩn.

 

Thời gian qua, mặc dù bị báo chí “điểm mặt chí tên” về tình trạng bẩn và xuống cấp nhưng hiện các nhà vệ sinh tại trường Nguyễn Thị Diệu, THCS Trưng Vương, tiểu học Bà Điểm ở các quận 3, 1 và Tân Bình, cũng chưa có cải thiện nào đáng kế. Tình trạng khai, hôi hám, nhà cầu không có cửa, hoặc cửa không có chốt, giấy rác quăng bừa bãi... vẫn tiếp diễn.

 

Lý giải tình trạng trên, lãnh đạo một số trường cho biết, “lực bất tòng tâm” vì học sinh quá đông trong khi đội ngũ lao công rất mỏng. Vấn đề thiếu nước, lực xả của nước yếu, cộng với ý thức kém của học trò cũng là nguyên nhân khiến tình trạng các nhà vệ sinh luôn bất ổn.

 

“Trường tôi chỉ có 3 lao công trên gần 2.500 học sinh. Vào những lúc cao điểm như giờ giải lao, trường bố trí mỗi lao công trực 2 nhà vệ sinh để nhắc nhở và phụ các em dội nước nhưng không xuể”, ông Lê Thanh Long, Hiệu phó tiểu học Kỳ Đồng than thở.

 

Ông Long cũng cho biết, xảy ra tình trạng nhà vệ sinh bốc mùi, do học sinh thường giải quyết nhu cầu cá nhân tập trung vào giờ ra chơi, nước không kịp lên trên bể để xả xuống, dù trường này dùng tới 2 nguồn nước giếng khoan, nước máy, và mỗi năm chi một khoản tiền không nhỏ vào việc mua vệ sinh phẩm.

 

Vấn đề định biên cho lao công cũng được lãnh đạo nhiều trường biện bạch cho tình trạng dơ dáy của nhà vệ sinh. Theo đó, các trường hiện không có biên chế cho nhân viên vệ sinh, lương trả cho lao công thường được “cấu” ra từ phí bán trú ít ỏi, nên không thể hợp đồng với nhiều người.

 

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó ban chỉ đạo Giáo dục sức khỏe và an toàn trường học, Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, nhìn nhận khách quan, nhà vệ sinh các trường ở thành phố khá tốt so với mặt bằng chung. Nhưng do học sinh thành phố đa phần con nhà khá giả, nhiều em có cả phòng riêng khép kín với trang thiết bị nhà vệ sinh hiện đại, nhu cầu hưởng thụ cao nên “chê” nhà vệ sinh trường là điều dễ hiểu.

 

“Ngành giáo dục thành phố và các trường có cố gắng đến mấy cũng khó có thể đáp ứng được đòi hỏi cao đó”, ông Đạt phân trần.

 

Tuy nhiên, ông Đạt cũng thừa nhận tình trạng nhà vệ sinh xuống cấp, không đạt yêu cầu về ánh sáng, vệ sinh môi trường, thiết kế không phù hợp lứa tuổi còn rải rác tại một số huyện ngoại thành như Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ và rải rác ở các quận nội thành, do xây dựng đã lâu, chưa được cải tạo.

 

“Thời gian tới, Ban chỉ đạo Giáo dục sức khỏe và an toàn trường học sẽ tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh các trường khắc phục nhà vệ sinh chưa đạt, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục ý thức vệ sinh môi trường cho học sinh các cấp”, ông Đạt nói.

 

Theo Tiến Dũng - Lan Hương

Vnexpress