Trung ương lấy phiếu tín nhiệm với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Hoài Thu

(Dân trí) - Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ xem xét, quyết định nhiều vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng, trong đó có việc lấy phiếu tín nhiệm của Trung ương với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Sáng 15/5, Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khai mạc tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII; cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, cùng một số vấn đề quan trọng khác.

Trung ương lấy phiếu tín nhiệm với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư - 1

Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII (Ảnh: Nhật Bắc).

Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là dịp nhìn lại, đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả, thành tựu đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.

Hội nghị cũng dự báo bối cảnh tình hình mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Từ đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra những chủ trương, quyết sách lớn cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XIII.

Theo chương trình, Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ làm việc đến ngày 17/5, xem xét, quyết định nhiều vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ.

Việc thực hiện nhiệm vụ này được tiến hành trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước đã, đang và sẽ tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo cũng như so với các nhiệm kỳ gần đây.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đại biểu thể hiện chính kiến của mình về mức độ tín nhiệm đối với từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, góp phần nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ phát triển mới.

Trung ương lấy phiếu tín nhiệm với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư - 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị (Ảnh: Nhật Bắc).

Liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm, đầu tháng 2, Bộ Chính trị ban hành Quy định 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Phạm vi, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm là cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc; cán bộ đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu thì không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm.

Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp).

Kết quả phiếu tín nhiệm được công bố tại các hội nghị lấy phiếu tín nhiệm. Đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư thì công khai trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng.