1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Trung tâm hành chính 2.000 tỷ đồng của Đà Nẵng: Như mê trận?

(Dân trí) - Các kiến trúc sư cho rằng, thiết kế của tòa nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng chỉ chú ý đến hình thức mà ít quan tâm đến công năng sử dụng, không phù hợp cho cơ quan hành chính. Câu hỏi được đặt ra là có nên di dời không? Nếu dời thì dời đi đâu?

Công năng kém?

Tại kỳ họp thứ 2, HĐND TP Đà Nẵng sáng 11/8, thông tin về việc Đà Nẵng tính di dời Trung tâm hành chính (TTHC) ra khỏi tòa nhà hơn 2.000 tỷ dù công trình hoành tráng này mới được đưa vào sử dụng 2 năm nay, khiến dư luận rất xôn xao. Nhiều ý kiến cho rằng như vậy là quá lãng phí.

Sáng 12/8, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với một số kiến trúc sư về công trình này.

Ông Hoàng Quang Huy, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, cho biết công trình Tòa nhà TTHC Đà Nẵng có nhiều nhà tư vấn tham gia thiết kế. Sau đó lãnh đạo thành phố đã chọn phương án của Hàn Quốc. Công trình thiên hướng về hình thức nhưng ít quan tâm đến công năng sử dụng.


Tòa nhà TTHC Đà Nẵng (bên trái)

Tòa nhà TTHC Đà Nẵng (bên trái)

Lúc bấy giờ ông Huy (nguyên là Viện trưởng Viện Quy hoạch Đà Nẵng) là thành của Hội đồng kiến trúc quy hoạch thẩm định công trình. Ông và một người nữa trong hội đồng đã phản đối thiết kế này nhưng cuối cùng thiết kế vẫn được chọn để trình lãnh đạo.

Theo ông Huy, công trình này là loại tòa nhà làm khối tròn nên có nhiều bất lợi cho người làm việc bên trong. Thứ hai là nó đi theo chiều cao nên liên hệ giữa người dân với cơ quan công quyền phức tạp. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng vì tập trung người đông nên thiếu ô xy; lại có kính bọc xung quanh nên nóng. Đặc biệt là hệ thống giao thông đông đúc bên dưới, khi có sự cố rất khó giải quyết. Với những lý do trên, ông Huy cho rằng công năng của công trình này kém.

“Loại công trình hành chính rất ít khi người ta tổ chức theo khối hình, nó tập trung quá, lại cao vút lên, chắc chắc là tổ chức giao thông ảnh hưởng. Công trình lại được bao bọc bởi kính cố định nên bí”, ông Huy nói.

Ông Nguyễn Cửu Loan, Chánh văn phòng Hội Quy hoạch phát triển TP Đà Nẵng, cũng cho rằng TTHC Đà Nẵng hiện nay chỉ thuận tiện ở thủ tục một cửa. Trong khi đó, người dân rất khó liên hệ làm việc trực tiếp công việc với lãnh đạo các sở, ban, ngành.

“Nó giống như mê trận. Nó chỉ được khi người dân đến liên hệ làm việc ở thủ tục một cửa. Còn để gặp ông lãnh đạo thì không khác mê hồn trận", ông Loan nêu quan điểm.

"Nên di dời"

Theo ông Huy, ông có nghe thông tin có doanh nghiệp muốn mua lại công trình này; nếu đúng như vậy thì thành phố nên chuyển lại tòa nhà cho họ. Khi nhà đầu tư tiếp nhận, họ sẽ trả lại tiền cho thành phố làm công trình mới. Họ cũng sẽ sửa lại để phù hợp với công năng. Sự hoán đổi đó sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Theo ông Hoàng Quang Huy, công năng sử dụng công trình tòa nhà TTHC Đà Nẵng kém
Theo ông Hoàng Quang Huy, công năng sử dụng công trình tòa nhà TTHC Đà Nẵng kém

“Quan điểm của tôi là công năng sử dụng không phù hợp thì nên chuyển. Đây là hoán đổi chứ không phải đập nó. Tòa nhà hành chính không nên ở đấy. Mặc dù có thể giãn con người ra, đưa khí vào hay tăng điều hòa lên, nhưng những cái đó cũng chỉ giải quyết chắp vá thôi”, ông Huy nhận định.

Ông Huy cho biết, ở Đà Nẵng cũng đã có những công trình tương tự như công trình này, xây rồi nhưng không sử dụng được và phải bán cho doanh nghiệp để họ chuyển đổi công năng, như Công viên nước, Nhà biểu diễn đa năng.

Dời đi đâu?

Ông Huy ủng hộ ý kiến đưa UBND TP về lại chỗ cũ là 42 Bạch Đằng (trước đây là trụ sở của UBND TP Đà Nẵng, nay là trụ sở của HĐND TP Đà Nẵng). Vị trí này vừa đảm bảo diện tích, điều kiện thông thoáng lại uy nghi, trang nghiêm đối với một cơ quan hành chính.

Tuy nhiên, nếu UBND TP đi, các sở ban ngành ở lại thì nó rất lãng phí mà cũng không đảm bảo kiện điều làm việc cho những cán bộ, công chức ở đây. Đã chuyển là phải chuyển đi hết.

Theo ông Huy, từ lâu lãnh đạo TP Đà Nẵng đã có chủ trương di chuyển tất cả các cơ quan làm việc hành chính trên đường Bạch Đằng, ưu tiên cho phát triển du lịch. Vì thế nên chuyển TTHC về đường Xô Viết Nghệ Tĩnh là hợp lý.

“Chúng tôi gọi là khu đô thị mới, đường xá thoáng đãng. Thứ hai là nó là trục đôi nên đảm bảo lưu thông giao thông tốt. Ở đó nên hình thành tòa nhà liên cơ quan, phân theo các khối, gọi là tổ hợp công trình. Phân thành các khối chứ không phải chung một cửa ra vào, không thuận lợi tý nào”, ông Huy nói.

Về câu hỏi "dời đi đâu?", ông Nguyễn Cửu Loan cũng cho rằng nếu di dời thì nên sử dụng lại công trình trụ sở UBND cũ ở số 42 Bạch Đằng. Còn các sở, ban, ngành thì nên xây khu TTHC với từng cụm công trình riêng biệt, sẽ thuận lợi cho người dân khi làm việc với cơ quan công sở.

Về việc công trình nghìn tỷ hoành tráng mới đưa vào sử dụng đã bị chê, theo ông Huy, dư luận không nên bàn chuyện lãng phí tiền của vì thực tế đã có doanh nghiệp muốn tiếp nhận tòa nhà. "Tất nhiên là phải tiết kiệm nhưng có những cái đã lỡ rồi thì phải sửa, không có cái gì là toàn diện 100% được", ông Huy nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Cửu Loan cho rằng nếu phải di chuyển TTHC thì nên đưa UBND TP về chỗ cũ ở 42 Bạch Đằng
Ông Nguyễn Cửu Loan cho rằng nếu phải di chuyển TTHC thì nên đưa UBND TP về chỗ cũ ở 42 Bạch Đằng

Nói về trách nhiệm của người khi đồng ý phê duyệt công trình này, ông Huy cho rằng không nên quy trách nhiệm cho ai.

“Khi bắt tay vào đổi mới phát triển, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố là làm thế nào để rút ngắn công đoạn chuẩn bị và giai đoạn xây dựng, đuổi kịp các đô thị có từ vài chục năm, hàng trăm năm như các đô thị Hải Phòng, Hà Nội, TPCHM... Bây giờ ta là đô thị mới, trong cách làm cũng có sai sót chứ không thể luôn luôn đúng được. Chúng ta không nên quy kết trách nhiệm ở đây. Nếu không phù hợp thì chúng ta chuyển đổi công năng”, ông Huy nói thêm.

Khánh Hồng