“Trung Quốc điều thêm tàu hộ vệ tên lửa ra giàn khoan”
(Dân trí) - “Tình hình thực địa trên biển Đông càng ngày càng căng thẳng. Trung Quốc đã điều thêm một tàu hộ vệ tên lửa ra để cản phá tàu của ta trong khi tàu của ta chỉ là tàu dân sự” - Cục trưởng Cục Kiểm ngư công bố.
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) vừa công bố thông tin tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều nay 13/5.
Theo ông Oai, trên thực địa chúng ta có 30 tàu, trong đó có tàu của Cảnh sát biển, tàu Kiểm ngư và tàu Bình Minh. Kiểm ngư Việt Nam có 14 tàu với trên 300 cán bộ tham gia đấu tranh trên thực địa. Lực lượng kiểm ngư viên đã quen với việc đi biển nên rất hăng hái chiến đấu.
Phía Trung Quốc cũng hành động rất quyết liệt, vì thế đã có 8 tàu kiểm ngư của ta bị hỏng các thiết bị như cabin, trang thiết bị trên tàu như ống nhòm, máy quay camera và một số thiết bị khác. Mặc dù phía ta đã cố gắng né tránh nhưng có 9 kiểm ngư viên bị thương, trong đó có những kiểm ngư viên bị thương rất nặng ở đùi do kính văng vào. Tuy nhiên, nhờ sự chăm sóc y tế kịp thời, toàn bộ tàu và các kiểm ngư viên đã hồi phục và quay trở lại điểm nóng.
“Tình hình diễn biến trên thực địa ngoài biển Đông càng ngày càng căng thẳng. Trung Quốc có 80 tàu trong đó có 1 tàu hộ vệ tên lửa luôn kề sát để hộ vệ cho giàn khoan và hai tàu tấn công nhanh để cản phá lực lượng của ta. Trong khi đó phía ta chủ yếu là tàu dân sự. Có những lúc 4-5 tàu Trung Quốc vây quanh 1 tàu kiểm ngư của ta để cản phá chúng ta. Tuy nhiên với chiến thuật và sự khôn khéo trong điều khiển tàu, chúng ta đã né tránh được những vụ va chạm lớn có nguy cơ đắm tàu”, ông Oai khẳng định.
Theo ông Oai, lực lượng kiểm ngư đã chuẩn bị hàng chục tàu sẵn sàng bổ sung lực lượng. Bất chấp tình hình căng thẳng, ngư dân của ta vẫn tiếp tục bám biển và tiếp tục khai thác phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa. Nhiều ngư dân của ta vẫn rất hiên ngang đi theo lộ trình cũ qua bán đảo Chư Tôn để vào trong bờ thuộc khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng. Tuy nhiên tàu Trung Quốc đã xua đuổi ngư dân của ta, bắt họ quay trở lại đi theo hướng khác.
Ngư dân bám biển, thanh niên xung phong ra ngoài thực địa
Cũng theo ông Oai, đến ngày hôm qua 12/5, ngư dân các tỉnh miền Trung rất sục sôi. Họ cho rằng đây là ngư trường truyền thống nên tiếp tục bám biểm. Sáng qua có mấy chục tàu cá của ta tiếp tục lên đường và tính đến sáng nay đã có gần 20 tàu ngư dân của Quảng Nam - Đà Nẵng tiếp cận sát khu vực giàn khoan của Trung Quốc, tiếp tục khai thác ngư trường. Khi ngư dân ra đó, Trung Quốc không thể có những hành động đáp trả như với các lực lượng chiến đấu thực địa.
Dư luận quốc tế rất ủng hộ Việt Nam vì chúng ta là chính nghĩa; Trung Quốc không được báo chí nước ngoài ủng hộ vì họ là phi nghĩa.
“Cục Kiểm ngư cũng có đường dây nóng với các nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc; ngư dân, nhân dân đều biết đường dây này. Hàng ngày có khoảng 50 cuộc gọi đến để chia sẻ, động viên lực lượng kiểm ngư. Nhiều thanh niên, sinh viên gọi điện tình nguyện tham gia chiến đấu trên thực địa. Điều đó chứng tỏ lòng yêu nước của nhân dân ta”, ông Oai nói thêm.
Lực lượng kiểm ngư cần thêm trang thiết bị hiện đại
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, ông Nguyễn Văn Trung, Cục phó Cục Kiểm ngư cho biết phía Việt Nam vẫn tiếp tục các hoạt động tuyên truyền nhằm xua đuổi tàu Trung Quốc ra khỏi lãnh hải nước ta nhưng Trung Quốc vẫn dùng tàu để cản phá, không cho ta tiếp cận giàn khoan.
“Họ có hành vi đâm trực diện ở góc lớn vào tàu kiểm ngư của ta, gây nguy hiểm lớn cho các kiểm ngư viên, khiến tàu của ta có nguy cơ bị đắm. Họ cũng dùng các vòi rồng với tốc độ bắn xa 200m có sức mạnh làm kính vỡ; người bị bắn trúng sẽ bị ngã bật về phía sau” - ông Trung khẳng định.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Trung cho biết, phía Trung Quốc không có hành động bớt hung hăng mà vẫn thường xuyên gây hấn với tàu của ta. “Hiện nay cái khó nhất của lực lượng kiểm ngư là thiếu trang thiết bị hiện đại. Sắp tới, lực lượng kiểm ngư cần trang bị thêm các máy camera chịu nước, chống sóc để giúp thu thập chứng cứ. Chúng tôi cũng cần băng rôn, khẩu hiệu, các loa có công suất lớn để hỗ trợ cho công tác tuyên truyền; máy móc hàng hải như radar định vị. Cần cử thêm cán bộ thạo ngoại ngữ để phát thanh bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung để tuyên truyền đối với tàu Trung Quốc”.
Thảo Nguyên