1. Dòng sự kiện:
  2. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí
  3. Thủ tướng thăm chính thức Hàn Quốc

"Trụ sở bỏ hoang, để bò vào thì được, cho thuê lại vi phạm"

Dương Nguyên

(Dân trí) - "Trụ sở xã sau sáp nhập bỏ hoang, để bò vào thì được nhưng lỡ cho ai thuê quản lý sử dụng lại vi phạm. Chúng tôi đề nghị cần nghiên cứu phương án, chính sách để xử lý", đại biểu HĐND ở Hà Tĩnh nói.

Chiều 17/7, kỳ họp 20, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII bước vào phiên chất vấn, trả lời chất vấn và vấn đề được đại biểu, cử tri quan tâm nhiều đó là xử lý tài sản công dôi dư.

Đại biểu Đặng Trần Phong, Tổ đại biểu huyện Can Lộc, nêu thực trạng, tại Can Lộc có trụ sở Ban Chỉ huy Quân sự huyện gần chục năm bỏ không, toàn tỉnh có 7 trụ sở tương tự.

Trụ sở bỏ hoang, để bò vào thì được, cho thuê lại vi phạm - 1

Toàn cảnh kỳ họp (Ảnh: HĐND Hà Tĩnh).

Vấn đề này nhiều lần được cử tri, người dân kiến nghị nhưng chưa được xử lý, trong khi đó trụ sở vẫn để hoang, gây phản cảm.

"Đề nghị tỉnh làm việc với Bộ Quốc phòng để xử lý dứt điểm. Vấn đề thứ 2, trụ sở xã sau sáp nhập để hoang, lãng phí, để bò vào thì được nhưng lỡ cho ai thuê quản lý sử dụng lại vi phạm. Chúng tôi đề nghị cần nghiên cứu phương án, chính sách để xử lý", đại biểu Phong nói.

Trả lời chất vấn về nội dung trên, Giám đốc Sở Tài chính Hà Tĩnh Trịnh Văn Ngọc, cho biết địa bàn Hà Tĩnh có 35 tài sản công của các cơ quan Trung ương, đã xử lý xong 15 tài sản, còn lại 20 tài sản chưa xử lý xong.

Trụ sở bỏ hoang, để bò vào thì được, cho thuê lại vi phạm - 2

Hà Tĩnh có hàng chục trụ sở xã bỏ hoang sau sáp nhập (Ảnh: Dương Nguyên).

Trong đó, tại huyện Can Lộc trong số 3 trụ sở gồm Viện Kiểm sát huyện, doanh trại Ban chỉ huy Quân sự huyện, Chi cục thuế huyện. Trong số này, ngành chức năng đã xử lý xong 2 tài sản, chỉ còn lại doanh trại Ban chỉ huy Quân sự huyện Can Lộc cũ.

Hiện nay, Bộ Quốc phòng đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã có văn bản trả lời Bộ Quốc phòng. Vì vậy, cần phải chờ cơ quan cấp trên có ý kiến vì quy trình xử lý qua rất nhiều khâu.

Theo ông Ngọc, ngay cả 31 trụ sở xã dôi dư sau sáp nhập, mặc dù đã chuyển cho công an xã sử dụng và đi vào hoạt động nhưng thủ tục đang ở Trung ương. Để tránh lãng phí, địa phương vẫn sử dụng dần, đồng thời thực hiện các quy trình bàn giao.

Vấn đề này, vai trò của lãnh đạo tỉnh, UBND tỉnh và các ngành là phối hợp với cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn để khâu nối triển khai.

Cũng liên quan vấn đề này, đại biểu Trần Thị Hoa, Tổ đại biểu huyện Thạch Hà đặt câu hỏi, trong lúc chưa có phương án xử lý tài sản dôi dư, có phương án nào để tránh mất mỹ quan, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường?

Giám đốc Sở Tài chính Hà Tĩnh cho rằng, một số trụ sở tài sản công trong lúc chưa thu hút được dự án đầu tư theo hình thức đấu giá, đấu thầu thì chuyển giao về địa phương quản lý. 

Trụ sở bỏ hoang, để bò vào thì được, cho thuê lại vi phạm - 3

Cảnh nhếch nhác trong một trụ sở xã bỏ hoang ở Hà Tĩnh (Ảnh: Dương Nguyên).

"Không đồng nhất giữa việc chuyển về địa phương sử dụng với việc bán tài sản. Do vậy, giải pháp trước mắt là cần chỉnh trang, đảm bảo vệ sinh môi trường. Trường hợp có hoạt động kinh doanh, dịch vụ trên tài sản công thì khó giải thích với cơ quan báo chí hoặc pháp luật", ông Ngọc nêu giải pháp.

Theo ông Ngọc, tại thành phố Hà Tĩnh, Nhà khách Hương Sen đã đấu giá cho Câu lạc bộ bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh thuê, còn trụ sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển từ tỉnh về thành phố quản lý và đang tiến hành chỉnh trang, đảm bảo mỹ quan đô thị chứ chưa thu hút được dự án đầu tư.

Kỳ họp 20, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII, diễn ra trong 2 ngày 17-18/7 để tập trung đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và thảo luận, thông qua một số nghị quyết quan trọng khác.