Tròn 550 năm vua Lê Thánh Tông thành lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam

Công Bính

(Dân trí) - Ngày 28/12, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Quảng Nam - 550 năm hình thành và phát triển".

Tham dự Hội thảo có hơn 70 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên các lĩnh vực kinh tế, lịch sử, văn hóa, dân tộc học, khảo cổ học, ngôn ngữ học... ở các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học, cơ quan Trung ương và địa phương trên cả nước.

Tròn 550 năm vua Lê Thánh Tông thành lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam - 1

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch tỉnh Quảng Nam phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch tỉnh Quảng Nam khái quát quá trình ra đời của Danh xưng Quảng Nam. Theo đó, cách đây tròn 550 năm, vào năm 1471, vua Lê Thánh Tông thành lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam - đơn vị hành chính thứ 13 của nước Đại Việt, Danh xưng Quảng Nam ra đời từ đây.

Với sứ mệnh lịch sử thiêng liêng của mình, Quảng Nam luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Đây là vùng đất "địa linh, nhân kiệt", hàm chứa nhiều giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa, anh hùng cách mạng và cũng là quê hương của nhiều bậc chí sĩ yêu nước, những lãnh tụ cách mạng và nhân sĩ trí thức nổi tiếng.

"Nhìn lại chặng đường lịch sử 550 năm hình thành và phát triển, trong sâu thẳm mỗi người dân đất Quảng luôn tự hào và mãi mãi ghi ơn những thế hệ tiền nhân khai khẩn, bảo vệ, xây dựng và phát triển vùng đất Quảng Nam tươi đẹp như ngày nay", ông Lê Trí Thanh khẳng định.

Qua 550 năm hình thành và phát triển kể từ khi danh xưng Quảng Nam ra đời là mốc thời gian để người Quảng Nam tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc hơn và làm rõ nét hệ giá trị của vùng đất, con người Quảng Nam; về vai trò, vị trí, những đóng góp của Quảng Nam trong tiến trình phát triển của dân tộc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa, xã hội; tạo tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển Quảng Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Tròn 550 năm vua Lê Thánh Tông thành lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam - 2

Hơn 70 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên các lĩnh vực tham dự Hội thảo.

Hội thảo lần này nhằm tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn của đất và con người Quảng Nam trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đồng thời tiếp tục tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng của đất và người xứ Quảng; thể hiện tình cảm, đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với các thế hệ ông cha đã có công dựng nước và giữ nước.

Tròn 550 năm vua Lê Thánh Tông thành lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam - 3

PGS-TS Bùi Nhật Quang - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, PGS.TS Bùi Nhật Quang - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - cho rằng, con người và mảnh đất Quảng Nam ghi dấu ấn sâu sắc trong các trang sử của dân tộc Việt Nam.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng đầy cam go của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những thời điểm khó khăn thử thách nhất, Người luôn có sự đồng hành ủng hộ của những con người Quảng Nam có học thức uyên thâm và tinh thần cách mạng kiên định, vững vàng, như cụ Phan Châu Trinh, cụ Huỳnh Thúc Kháng.

"Lịch sử 550 năm hình thành và phát triển của Quảng Nam được phản ánh qua quá trình lịch sử, phát triển kinh tế - xã hội. Việc nhận diện các giá trị, di sản, nguồn lực, bản sắc của vùng đất này là một việc làm hết sức quan trọng; từ đó đánh giá những thế mạnh, cơ hội, vị trí và vai trò của vùng đất này, đồng thời chỉ ra những rào cản, điểm nghẽn cần phải khơi thông để giúp Quảng Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, phát huy những giá trị vốn có của vùng đất Quảng Nam nhiều hơn nữa", PGS.TS Bùi Nhật Quang nhận định.

Hội thảo khoa học quốc gia "Quảng Nam - 550 năm hình thành và phát triển" là một trong các hoạt động chính của chuỗi các sự kiện chào mừng kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam (1471-2021).

Ban Tổ chức hội thảo nhận được gần 100 tham luận của các nhà quản lý, các nhà khoa học đến từ các cơ quan trên khắp mọi miền đất nước. Các bài tham luận tập trung vào 4 nội dung chính: Lịch sử - khảo cổ; Dân tộc - tôn giáo; Văn hóa - ngôn ngữ; Kinh tế - xã hội.