TP Huế:
Trộm tung hoành trong khu đô thị mới
(Dân trí) - Chỉ trong một đêm kẻ trộm đã đến “khám” nhiều ngôi nhà mới xây ở khu đô thị hai bên đường Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, phường Vĩ Dạ. Từ chuyện mất cắp, dẫn đến nhiều chuyện khác mà đa số là “buồn nhiều hơn vui”.
Có cùng thủ đoạn
Ngày 7/5, mới đầu giờ sáng, công an phường Vĩ Dạ đã phải tiếp nhiều khổ chủ đến báo mất trộm. Nạn nhân đầu tiên là anh Q.T nhà ở lô N11, đường Tuy Lý Vương. Theo trình báo, đêm 6.5, trước khi đi ngủ, anh T cất ví tiền vào túi quần, treo ở móc. Lúc ngủ dậy thì phát hiện chiếc ví không cánh mà bay.
Tìm khắp nhà, cuối cùng anh thấy chiếc ví vứt chỏng chơ ở phòng thờ tầng trên, giấy tờ bị lục tung. Toàn bộ số tiền trong ví đã mất. “Tôi chỉ mất tiền. Còn những tài sản khác như thẻ ATM, máy tính, máy ảnh, xe máy đã cắm sẵn chìa ở ổ khóa... đều bị kẻ trộm chê, không thèm lấy”, anh T. trình báo.
Tiếp theo anh T, một khổ chủ khác cũng ở trong khu đô thị mới này đến CA phường mếu máo: “Trước khi đi ngủ, vợ chồng em đã khóa nhà cẩn thận nhưng trộm vẫn lẻn vào, lấy đi 21 triệu đồng”, người này cho biết.
Khu đô thị mới hai bên đường Tùng Thiện Vương là phần nối dài của khu đô thị Nam Vĩ Dạ vừa hình thành sau nhiều năm bị bỏ hoang. Song, sau khi xây dựng nhà cửa, nhiều hộ dân khi chuyển về đây đã bị kẻ trộm viếng thăm lấy đi nhiều tài sản.
Đơn cử như, gia đình anh S. chủ của một cửa hàng sơn trong khu vực, sau khi xây nhà, dọn đến ở đã bị trộm đột nhập lấy hơn một tỷ đồng. Kế tiếp là vụ mất trộm hơn 700 triệu của ông K. một cán bộ kiểm lâm vào năm ngoái.
Bọn trộm có cùng một thủ đoạn: Lợi dụng sơ hở của chủ nhà, chúng leo vào từ giếng trời, hoặc ban công. Vào trong nhà, chúng chỉ lục lấy tiền rồi leo ngược ra ngoài theo đường cũ để trốn thoát.
Một mất, mười ngờ
Tình trạng mất trộm, theo nhóm cư dân cũ sống liền kề với khu đô thị này thì “lâu nay vẫn xảy ra, nhưng thường là trộm vặt”. Sau những lần mất trộm, họ đều tập trung nghi ngờ vào các đứa nhỏ sống trong những ngôi nhà lụp xụp sát khu đô thị.
Từ sự nghi ngờ này, cách đây khoảng một tháng đã xảy ra chuyện đau lòng. Số là một người trong khu vực bị mất hơn 2 triệu đồng. “Của đau con xót”, những người trong gia đình đã tra hỏi những thằng bé sống ở nhà bên cạnh.
Lời qua tiếng lại gần một ngày. Đến xẩm tối, hai gia đình xông vào ẩu đả. Kết quả, tiền mất không lấy lại được, nhưng vụ ẩu đả giữa hai gia đình làm cô con gái đầu của gia đình bị tình nghi bị hư thai.
Những cư dân mới khi dọn đến khu đô thị hai bên đường Tùng Thiện Vương phần lớn đều được cảnh báo về những đứa nhỏ này. Tuy họ đã cẩn thận đề phòng, nhưng rốt cuộc vẫn bị mất cắp. Và từ đó, mâu thuẩn giữa cư dân cũ - mới bắt đầu hình thành.
Khoảng trống đầu tư
Sau khi bị mất trộm, những khổ chủ đều thấy một phần lỗi, do chủ quan, thiếu cảnh giác. Song vẫn còn một thực tế khó lý giải. Theo ông Q.T thì “từ ngày triển khai xây dựng cho đến khi xảy ra mất trộm là hơn 8 tháng nhưng chúng tôi thấy công an phường, hoặc dân phòng của phường đi tuần tra khu vực vào buổi tối”.
Ông H., một cán bộ quân đội về hưu đang nhận trông giữ vật liệu cho một gia đình đang xây nhà ở đây, cười: “Hình như khu vực này mới quá nên chưa được công an phường quan tâm nhiều. Không chỉ không đi tuần tra, họ cũng không thèm đến hỏi giấy CMND, hoặc hỏi tôi đã đăng ký tạm trú hay chưa”.
“Đến việc thu gom rác cũng vậy”, anh L., một hộ dân mới chuyển đến thở dài: “Cùng sống trong một khu vực, nhưng nhân viên vệ sinh chỉ thu gom rác của những hộ dân cư cũ, còn rác thải sinh hoạt của những hộ mới đến ở họ lại không gom. Những người mới đến nếu chịu khó thì chạy xe máy tìm chỗ xa nhà để đổ. Những người khác thì tiện tay đổ vào những lô đất chưa xây dựng, khiến khu đô thị này có lúc trông như bãi rác”.
Đại Dương