Trịnh Xuân Thanh đầu thú: Chờ khai báo về trách nhiệm người liên quan
(Dân trí) - Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM cho rằng “nhiều người đang run” trước sự việc ông Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú tại cơ quan công an. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định, dư luận xã hội rất quan tâm tới việc sẽ thu hồi được bao nhiêu tài sản qua vụ án này.
Trao đổi với phóng viên Dân trí sáng 1/8, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên đại biểu Quốc hội khoá VIII, IX, X - cho rằng sự việc ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) ra đầu thú sẽ giúp cơ quan chức năng đẩy nhanh quá trình điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh những người có trách nhiệm trong hai vụ án xảy ra tại PVC và dự án Thanh Hà- Cienco 5 Land.
“Nếu Trịnh Xuân Thanh thực sự thấy sai lầm của mình thì sẽ thành khẩn khai báo về trách nhiệm của những người có liên quan, những người chưa bị lôi ra ánh sáng. Còn nếu không thành khẩn thì tội sẽ còn nặng hơn”- ông Thước nói.
Ông Thước đặc biệt quan tâm tới việc thu hồi tài sản trong hai vụ án trên, bởi thu hồi được càng nhiều thì càng “giảm thiệt hại cho đất nước và nhân dân”.
Đồng tình, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định việc thu hồi tài sản trong các vụ án lớn là một mảng cực kỳ quan trọng cần đặt ra hiện nay.
“Không thể để quan chức tham nhũng bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị tù tội nhưng tài sản của họ chiếm đoạt được thì không bị đụng tới. Điều đó sẽ làm nảy sinh những kẻ tham nhũng khác, tiếp tục có tâm lý “hi sinh đời bố củng cố đời con”, cứ cố gắng đục khoét tích luỹ tài sản tối đa rồi cũng chỉ bị xử lý kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc. Tôi cho rằng Nhà nước phải có trách nhiệm thu hồi tài sản tối đa trong những vụ án như thế này. Chưa gì đã thấy báo chí phản ánh Trịnh Xuân Thanh tẩu tán tài sản trước khi bị khởi tố, trốn ra nước ngoài thì không ổn”- bà Lan nêu quan điểm.
Vị chuyên gia kinh tế đề nghị cơ quan điều tra phải làm rõ Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm đã cất giấu, tẩu tán tài sản đi những đâu để phong toả, kê biên và thu hồi về cho nhà nước.
“Nếu không thu hồi được tài sản nhà nước đã bị thất thoát, mà chỉ nhằm vào xử lý hình sự các cá nhân và tìm ra đầu mối, dây mơ rễ má liên quan để xử lý thì xã hội sẽ có cảm nhận về chuyện này chuyện khác, chứ không phải đạt được mục đích cuối cùng là chống tham nhũng. Mục đích cuối cùng của chống tham nhũng là vừa phải trừng trị đích đáng, đúng pháp luật kẻ tham nhũng nhưng cũng phải thu hồi được tối đa tài sản đã bị thất thoát để trả lại cho nhân dân”- bà Lan phân tích.
Một vấn đề khác cũng được bà Phạm Chi Lan đặc biệt quan tâm là làm rõ trách nhiệm của những cá nhân đã giúp Trịnh Xuân Thanh thăng tiến thần tốc sau khi lãnh đạo PVC gây thua lỗ tới 3.300 tỷ đồng. Việc lật lại tất cả hồ sơ về quy trình đề xuất, phê chuẩn, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh qua hàng loạt chức vụ ở Bộ Công Thương, tỉnh Hậu Giang và trúng cử đại biểu Quốc hội không hề khó khăn.
“Đã có lần tôi nói rồi, tham nhũng quyền lực là tham nhũng lớn nhất. Không tự nhiên mà lấy được những vị trí như thế. Chính vì thế những ai tham gia vào việc đó phải có chịu trách nhiệm, chứ không thể vô can được”- bà Lan bày tỏ.
Dẫn ra câu chuyện thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ rất thấp trong suốt thời gian qua gây bức xúc dư luận nhân dân, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM khẳng định số tiền thất thoát qua vụ án liên quan đến Trịnh Xuân Thanh quá lớn nên cần truy tìm và ngăn chặn việc tẩu tán.
“Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú khiến nhiều người đang run. Sự việc này sẽ giúp gỡ nhiều nút thắt trong quá trình giải quyết vụ án và tiếp tục làm rõ trách nhiệm của những cá nhân liên quan chưa bị xử lý, bởi Trịnh Xuân Thanh vừa là nhân vật trung tâm nhưng lại chỉ là một mắt xích, bởi trước đó đã có nhiều cán bộ cấp cao liên quan bị kỷ luật, xử lý về mặt đảng rồi”- ông Hậu nói.
Trước đó, trao đổi với PV Dân trí, TS Dương Thanh Biểu - nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao khẳng định, cơ quan điều tra sẽ làm rõ tại sao Trịnh Xuân Thanh có thể trốn ra nước ngoài ngay trước thời điểm bị khởi tố và quá trình thăng tiến thần tốc có những “ô dù” nào giúp sức, bao che.
“Có thể coi sự việc của Trịnh Xuân Thanh là yếu kém trong công tác quy hoạch cán bộ. Việc xây dựng quy hoạch cán bộ đã được quy định rất cụ thể và được tiến hành theo trình tự chặt chẽ, thận trọng, kỹ lưỡng nhưng tại sao lại để xảy ra chuyện này? Thiết nghĩ những cơ quan, cá nhân cụ thể nào phải chịu trách nhiệm trong việc bổ nhiệm Thanh cần phải được các cơ chức năng làm rõ và theo tôi cũng phải được xử lý nghiêm minh”- ông Biểu nói.
Thế Kha