Trích một phần tiền xử phạt vi phạm giao thông, cần giải trình thuyết phục

Hoài Thu
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

(Dân trí) - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị việc giải trình quy định "trích một phần tiền xử phạt vi phạm giao thông" cần thuyết phục, công bằng, khách quan và tránh gây tâm tư cho lực lượng khác.

Một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 34, sáng 11/6. Đây là phiên họp giữa hai đợt của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Dự kiến, dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại đợt 2 của kỳ họp thứ 7.

Đề xuất trích lại một phần tiền xử phạt và tiền thu từ đấu giá biển số

Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới thông tin về chính sách của Nhà nước về Trật tự An toàn giao thông đường bộ, được quy định tại Điều 5 dự thảo luật.

Trích một phần tiền xử phạt vi phạm giao thông, cần giải trình thuyết phục - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới (Ảnh: Hồng Phong).

Ông Tới cho biết nhiều ý kiến nhất trí với quy định về trích lại một phần khoản thu từ tiền xử phạt vi phạm hành chính về giao thông sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước để phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này hoặc quy định rõ trích lại bao nhiêu phần trăm. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định trích lại tiền thu được từ đấu giá biển số xe.

Dẫn Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị khóa XIII về "Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới", Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng nhu cầu trích lại kinh phí từ nguồn kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ để Bộ Công an triển khai các dự án phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Bộ Công an cũng đang triển khai các dự án tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, nhất là dự án về chuyển đổi số, đầu tư hệ thống giám sát, trang thiết bị chỉ huy, điều hành giao thông, xử lý vi phạm giao thông đường bộ, xây dựng Trung tâm dữ liệu, hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát giao thông, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, hàng năm, Bộ Công an được Quốc hội phân bổ ngân sách theo hướng bố trí dự toán chi ngân sách từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước, để tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Tỷ lệ phần trăm trích lại tùy thuộc vào nhu cầu từng năm của Bộ Công an. Cụ thể, giai đoạn 2018-2020 trích lại 70%; năm 2021 trích lại 70%; năm 2022 và 2023 trích lại 79%; từ năm 2024 trích lại cho Bộ Công an 85%, các địa phương 15%.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng còn có khó khăn, vướng mắc, do nội dung chưa được quy định trong luật.

Ông Tới cho biết đến nay, nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính năm 2024 trích cho Bộ Công an vẫn chưa được cấp do chưa có văn bản hướng dẫn về chi thường xuyên có tính chất đầu tư.

Còn phần trích lại tiền thu được từ đấu giá biển số xe đã được quy định tại Nghị định số 39 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Nghị quyết số 73 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, đã nêu rõ Bộ Công an được trích lại 30% số tiền thu được từ đấu giá biển số xe.

Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng nội dung cần được quy định khung trong dự thảo Luật này để bảo đảm tính thống nhất về cơ sở pháp lý.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ lại nội dung này trong dự thảo Luật và có chỉnh sửa theo ý kiến đại biểu Quốc hội.

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 5 của dự thảo luật quy định: "Trích một phần tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và tiền đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông".

Ủy ban Quốc phòng - An ninh khẳng định sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về nội dung này, việc quản lý, sử dụng số tiền trích lại được thực hiện theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và pháp luật về ngân sách Nhà nước, không phải sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Cần giải trình thuyết phục, khách quan

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ủng hộ việc quy định về trích lại một phần tiền xử phạt vi phạm giao thông, tuy nhiên ông lưu ý cần viết từ ngữ cho chuẩn để không mâu thuẫn, xung đột với luật khác.

Trích một phần tiền xử phạt vi phạm giao thông, cần giải trình thuyết phục - 2

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Hồng Phong).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị việc giải trình nội dung này cần thuyết phục, công bằng, khách quan, tránh gây tâm tư cho các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính trong chính lực lượng giao thông và các lĩnh vực khác.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh ủng hộ trích lại một phần tiền xử phạt để hỗ trợ lực lượng cảnh sát "ngày nắng, đêm mưa rất vất vả".

Trích một phần tiền xử phạt vi phạm giao thông, cần giải trình thuyết phục - 3

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh (Ảnh: Hồng Phong).

Tuy nhiên, ông đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra báo cáo Quốc hội nguyên tắc, tiêu chí bố trí rõ tỷ lệ phần trăm trích lại.

Về dài hạn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cảnh sát giao thông tăng cường hệ thống camera xử phạt nguội, hạn chế dư luận xã hội về việc lực lượng cảnh sát làm việc trực tiếp với người vi phạm sẽ "có việc này, việc kia".

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng đây là vấn đề không mới, Bộ Công an thời gian qua đã trích để nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông.

Dù vậy, ông đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần xem xét kỹ lưỡng, giải trình cụ thể nội dung này.