"Trí tuệ nhân tạo AI đang đe dọa nguồn thu của báo chí"

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Đó là khẳng định của ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, tại Hội thảo Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn sáng 18/3.

Sáng 18/3, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023 tại Bảo tàng Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội thảo Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân dân cho rằng, sự phát triển rất nhanh của trí tuệ nhân tạo AI đang đặt ra nhiều cơ hội, thách thức đối với báo chí, cả vị trí việc làm của các nhà báo và các nhà quản lý. Đồng thời, trí tuệ nhân tạo AI đang đe dọa nguồn thu của báo chí, đây là vấn đề sống còn của báo chí hiện nay.

Kinh tế báo chí đang gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các công cụ tìm kiếm và mạng xã hội. Nền kinh tế của sự chú ý vốn là cơ bản của báo chí, nhưng khi lên môi trường số lại là câu chuyện hoàn toàn khác biệt, không còn là câu chuyện về mặt chất lượng nội dung nữa mà là câu chuyện về từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất hay SEO.

Những công cụ tìm kiếm đang mang lại khoảng 50% traffic cho các cơ quan báo chí, trong khi đó các nền tảng mạng xã hội mang lại trung bình 15 - 20%. Tuy nhiên, với sự ra đời của AI, cách thức trả kết quả của các công cụ tìm kiếm đã hoàn toàn khác. Nguy cơ các cơ quan báo chí mất 50% lượng traffic từ các công cụ tìm kiếm là hiện rõ, kèm theo đó là mất doanh thu từ quảng cáo.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, cần đầu tư vào AI trong báo chí. Đầu tư cho AI không phải là mua một chatbot như ChatGPT để viết bài thay phóng viên. AI có nhiều ứng dụng khác nhằm hỗ trợ cho hoạt động của báo chí như việc nắm bắt hành vi người đọc, từ đó khuyến nghị nội dung theo hướng cá nhân hóa để lôi kéo, giữ chân độc giả

"Hiện nay, đo đạc đánh giá các trang báo không chỉ là lượng truy cập mà đo bằng độ sâu của người đọc trên trang. Tức là người đọc ngồi trên trang càng nhiều thì càng tốt", ông Minh chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, sự xuất hiện của AI như ChatGPT cho báo chí cơ hội để loại dần đi các loại lao động, kỹ năng mà máy móc có thể làm như con người, thậm chí làm tốt hơn.

Ông Lâm khuyến nghị các tòa soạn báo nên suy nghĩ về những thứ không làm nữa thay vì làm gì. 

"Chúng ta nên dùng công nghệ để có lợi cho chúng ta, phục vụ chúng ta chứ không nên hùa theo xu hướng công nghệ mà có khi ta lại trở thành phụ thuộc, thậm chí bị kiểm soát", ông Lâm nói.

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, có nhiều cách khác nhau để áp dụng AI trong hoạt động nghiệp vụ báo chí như: Tóm tắt nội dung văn bản và tài liệu, trả lời theo yêu cầu và chủ đề của người dùng hoặc sáng tạo các nội dung, các tác phẩm theo góc nhìn mới, đặt tiêu đề cho các bài báo, dịch thuật đa ngôn ngữ. Các ứng dụng này giúp nhà báo tiết kiệm thời gian và công sức lao động nghề nghiệp. 

AI có thể là trợ lý ảo đắc lực cho nhà báo trong tìm kiếm, xác định thông tin. Có thể sử dụng các phần mềm ứng dụng công nghệ AI để phát hiện đề tài, thu thập xử lý thông tin để theo dõi sự kiện, trích xuất thông tin và xác định xu hướng.

Theo bà Hằng, các phần mềm ứng dụng AI dù có nhiều tính năng vượt trội, nhưng xét đến cùng, đó cũng chỉ là một công cụ mà nhà báo phải học cách để làm chủ nó, sử dụng nó phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của mình nhằm tạo ra tác phẩm, sản phẩm báo chí theo nguyên tắc của nghề nghiệp.