Trèo tường trốn khỏi trại cai nghiện… tìm gặp nhà báo
Bỗng dưng tôi nhận được điện thoại của một người đang “trả lệnh” cai nghiện ma tuý bắt buộc ở Trại cai nghiện tỉnh Thái Nguyên. “Tôi là Nguyễn Hữu Nam mà. Nam hôm trước được các anh tặng sách ở trại cai nghiện đây!”.
Hàng ngày Nguyễn Hữu Nam vẫn lao động bình thường. Những người xung quanh đều chứng nhận anh đã hết nghiện ma túy.
Tôi đến thẳng trụ sở, không gặp, rồi gọi điện nói về việc Nam đào thoát khỏi trại cai nghiện với anh Thượng - Trưởng công an xã Phấn Mễ. Anh Thượng bắt máy, anh biết rõ Nam trốn trại.
Trung tâm cai nghiện (trại) dĩ nhiên là càng biết rõ hơn, họ chỉ gọi điện cho Nam bảo quay về cai tiếp đi, chứ nếu trốn thì 2-3 năm nữa họ lại... tóm vào cai đấy. Mãi, lâu lắm, họ mới cử nhân viên đến nhà Nam hỏi han vài câu lấy lệ rồi vui vẻ ra... về.
Không một ai hành động gì cho ra hồn, cho nó giống với sự tưởng tượng của tôi khi cơ quan chức năng cưỡng chế đưa người đi cai, quản lý chặt đến mức mỗi tháng gia đình chỉ được gặp/ tiếp tế 1 lần vào ngày 15 và trước khi gặp, đồ đạc bị khám, điện thoại bị giấu vào một cái tủ riêng.
Lúc đi gặp Nam, tôi đã nghĩ đến sự trầm trọng của việc mình gặp kẻ đào tẩu phi pháp, mình không báo cáo ai thì thành ra mắc tội “không tố giác tội phạm”.
Nhưng sau các cuộc điện thoại, các cuộc gặp gỡ kia, thú thật tôi hơi ê chề cho sự tử tế của mình. Tôi càng thấm thía hơn cảm giác về cả hệ thống cái việc cưỡng chế bà con đi cai nghiện rất hình thức, được chăng hay chớ, quan liêu, vô lối, coi thường các giá trị thuộc về phẩm giá con người.
Quan liêu, vô lối…
Hỏi: Anh Nam trốn kiểu gì? Trả lời: “Giờ lao động là em lừa lừa nhảy tường ra thôi. Chạy thục mạng, rồi gọi taxi về nhà mình. Về em lại làm gạch. Thời gian họ bắt oan em đi cai, em hỏng mất hai lò gạch, thiệt hại hàng trăm triệu đồng, em ức lắm. Em trốn về, có một cán bộ quản lý gọi điện thoại bảo quay lại trại đi. Rồi lãnh đạo trại cũng có cử người về khuyên giải, nhưng em kệ”.
Hỏi tiếp: Bằng chứng nào anh nói là ở thời điểm bị bắt đi cai, anh không nghiện nữa đã lâu? Trả lời: “Anh đọc đơn kiến nghị của gia đình em đi, đầy đủ hết, cán bộ cũng nhận đơn đủ cả rồi. Vì nữa (lúc bức xúc, Nam xưng “tôi”): Không bao giờ người ta gọi tôi ra xã để kiểm tra hay có bất cứ một bằng chứng nào để chứng minh là tôi có nghiện cả. Mà tôi mua thuốc về cai tại gia đình thì tốn đến mấy chục triệu đồng. Tôi cai nghiện thành công hẳn hoi. Tôi gây dựng cả cơ nghiệp này mà. Thế rồi họ vẫn bắt đi!”.
Bố Nam đỡ lời: “Tết Giáp Ngọ này là 74 tuổi rồi. Tôi có 9 người con. Nam là thứ 5, nó nghiện lâu rồi, cai đủ các loại thuốc. Về sau nghe tin là thuốc của ông Nguyễn Phú Kiều cai tốt, tôi đi mua, xuống đến nơi thì họ bảo thuốc đắt lắm, hơn 30 triệu mới được 1 liều cơ. Phải nhờ anh em hàng xóm, bạn bè giúp cho mới mua được 1 liều.
Nhưng cai thì tốt lắm. Cai được một cái thì ông Kiều lên thăm. Ông Khải - Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội của tỉnh Thái Nguyên - lên thăm. Phó Chủ tịch UBND xã Phấn Mễ vào thăm. Các bác ấy còn cho thằng Nam này cân đường, hộp sữa để động viên và bảo “cai được rồi” mà.
Hỏi: Bằng chứng nào ông và Nam khẳng định là trước khi bị bắt đi cai ở trại thì anh Nam đã không còn nghiện ma tuý nữa? Bố Nam: “Bằng chứng của tôi, tất cả xóm làng biết là tôi phải đưa nó vào góc rừng núi này để cai nghiện đây. Xác nhận của trưởng xóm Bún 2 - bà Nguyễn Thị Hương - vào đơn kiến nghị của gia đình là Nam “khoẻ mạnh và lao động tốt tại gia đình” đây này”.
Nam: “Nhưng, theo như hồ sơ ở trong trại đang giữ, thì cán bộ họ nói là họ bắt được quả tang tôi sử dụng ma tuý hôm đầu tháng 10 năm ngoái (2013) ở ngoài phường Tân Long (thành phố Thái Nguyên) cơ. Họ thêm vào (cái chi tiết đó) thì phải. Họ chỉ nói thế thôi, chứ có bắt được mình sử dụng ma tuý bao giờ đâu. Mình có sử dụng đâu mà bắt được. Suốt mấy tháng trời cai nghiện, tôi không có đi đâu cả. Đến đưa con đi học cũng không”.
Thế thì cho đến giờ, anh và gia đình bức xúc nhất chuyện gì? Nam: “Tôi uất lắm, tôi đã kiên trì, đã quyết tâm cai như thế, đã thành công như thế, giờ họ bắt đi cai thì thấy thất vọng và chán chường lắm, vì tức nên mình bỏ, trèo tường bỏ trốn chứ”.
Theo anh, tại sao họ lại “bịa” ra chi tiết anh có sử dụng ma tuý và bị bắt quả tang? Nam trả lời: “Chả biết được. Hình như là bắt cho nó đủ “chỉ tiêu” số người quy định hay sao ấy. Tôi vào trại, anh em trong đó cũng cho biết như vậy. Khi xét nghiệm nước tiểu của tôi trong trại, cả mấy lần đều âm tính với ma tuý. Có buổi 3 người âm tính luôn. Việc xét nghiệm ấy có sự chứng kiến của cán bộ, bác sĩ, cả công an và nhiều học viên nữa. Nhưng họ không cho chúng tôi cầm tờ kết quả, cũng không cho chúng tôi về, mà cứ thế nhốt”.
Tôi hỏi lại, anh trả lời câu này và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của câu trả lời: Năm ngoái (2013) và cả 5 năm gần đây, có lần nào anh bị bắt quả tang khi sử dụng ma tuý mà anh ký vào biên bản không? Nam: “Không một lần nào! Chỉ có lần họ động viên tôi ký vào văn bản là tôi có nghiện ma tuý, tôi ký duy nhất một chữ vào năm 2006”.
Bằng chứng về những “hồ sơ ảo”
Tuy nhiên, với thái độ có văn hoá và trách nhiệm nhất, ông Dương Ngọc Khải - Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Thái Nguyên - đã trao đổi và vào trại lục tìm hồ sơ, trả lời chúng tôi rất rõ ràng. Hiện nay, ông Khải đã có công văn gửi và cử cán bộ đến gặp một loạt các cơ quan hữu trách để xác minh, báo cáo Giám đốc Sở LĐTBXH Thái Nguyên trước ngày 25/1/2014, đồng thời trả lời Báo Lao Động và gia đình các đối tượng về tính xác thực của hồ sơ và sự hợp pháp của việc đưa các công dân kia đi cai nghiện.
Ông Khải cho biết: Hồ sơ của anh Nam lưu ở trại phản ánh, Nam “khai” có mua và sử dụng ma tuý vào tháng 10/2013(?). Biên bản ấy ở dạng lấy lời khai của Nam (dòng thứ 6 từ dưới lên, ở trang 2). Ông Khải đặt vấn đề về tính khách quan của biên bản này (nhất là khi mà Nam khẳng định không sử dụng, không bị bắt quả tang sử dụng ma tuý, 7 năm nay không ký vào bất cứ văn bản nào).
Chi tiết đặc biệt đáng lưu ý nữa: Chữ ký của Nam ở đó là chữ ký... photo, còn chữ ký của các cán bộ lấy lời khai thì là chữ ký thật, chữ ký "tươi" (ông Thượng - Trưởng Công an xã Phấn Mễ - có ký). Đáng nghi ngờ hơn, là hồ sơ đưa anh Trung (nhân vật bị bắt “oan” trong kỳ 1 phóng sự này) đi cai nghiện bắt buộc lại còn không có cả chữ ký photo của Trung.
Theo ông Khải, biên bản xét nghiệm Trung được lập vào thời gian rất đáng nghi ngờ: Hơn 6 giờ sáng(!), chỉ có các ông Thuấn, ông Trường (trưởng, phó công an) và ông Khiêm (trạm y tế) thị trấn Sông Cầu ký. Hoàn toàn không có chữ ký của Trung. Lãnh đạo Công an thị trấn Sông Cầu cũng bước đầu thừa nhận với PV Báo Lao Động về việc không có chữ ký của Trung trong “hồ sơ ảo” kể trên, cũng như những sai lầm trong việc dùng hồ sơ cũ, đưa người đã cai nghiện thành công tiếp tục... nhập trại.
Nếu hồ sơ kể trên được hội đồng tư vấn cấp huyện (với bao nhiêu là ban bệ) coi là bằng chứng đủ để đưa Trung đi cai nghiện, thì một ngày nào đó, họ hoàn toàn có quyền để đưa tôi (nhà báo) và ông Khải (Chi cục trưởng) đi... cai nghiện ma tuý bắt buộc, mà không cần chúng tôi phải ký xác nhận của chúng tôi! Tôi và ông Khải cùng thở dài ngán ngẩm.
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao các ông, bà chủ tịch huyện kia lại dễ dàng ký quyết định đưa người không nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc một cách “hà khắc” như thế?
Theo Đỗ Doãn Hoàng
Lao động