Bắt người vô tội vạ vào... trại cai nghiện: Đã có “lệnh” thì... 1.000 năm sau nó vẫn phải vào trại cai nghiện!

Chuyện không thể hình dung kể trên cứ dần hiện ra, ngày một thêm rõ ràng và bi phẫn. Người ta ra quyết định sẵn, “dụ” người đi lên công an xã, thị trấn làm việc rồi cho “dông” thẳng vào trung tâm giáo dục và lao động xã hội (gọi tắt là Trại cai nghiện).

Bắt người vô tội vạ vào... trại cai nghiện: Đã có “lệnh” thì... 1.000 năm sau nó vẫn phải vào trại cai nghiện!
“Đối tượng” bị cưỡng chế đi cai, bất biết lúc đó anh ta có nghiện ma túy hay không. Dùng que thử nước tiểu thì cơ bản sẽ biết họ “âm” hay “dương” tính với ma túy, nhưng người ta cũng không thèm dùng phương pháp này. Vào đến trại rồi, cán bộ trại thử thì mới tá hỏa “các ông nghiện” toàn âm tính với ma túy.

Thôi thì khỏi cần cắt cơn, cho sang khu quản lý, lao động, cách ly khỏi cộng đồng ít nhất là… 1 năm. Gia đình và các đối tượng rầm rĩ kêu oan lên các cấp, đến hỏi trưởng công an xã, thị trấn sở tại, thì họ bảo: “Nghiện hay không nghiện thì cũng cứ đi 1 năm rồi về!”.

Nhà báo đến chất vấn, thì các đồng chí ấy bảo: UBND huyện ra quyết định đưa “thằng ấy” đi cai, chúng tôi chỉ biết chấp hành đưa vào… trại thôi. Nếu “thằng ấy” mà tự cai ở nhà hay ở đâu đó được rồi, thì nó phải báo với chúng tôi để (theo quy định) 3 năm liền chúng tôi đi thử ít nhất 3 lần nước tiểu của nó, nếu “âm tính” cả thì mới đề nghị hội đồng của huyện, của tỉnh xét đưa nó vào danh sách đã… hoàn lương (hết nghiện ma túy) chứ?
Chị Đinh Thị Giang - vợ anh Trung - vô cùng bức xúc.
Chị Đinh Thị Giang - vợ anh Trung - vô cùng bức xúc.

Còn về phía công an xã, thị trấn chúng tôi thì chưa bao giờ… tự xét nghiệm hoặc đưa một ai ra khỏi danh sách nghiện cả. Đã có lệnh đi cai của huyện thì nó chưa “có dịp” đi năm nay, cứ “nợ” lệnh đó, một nghìn năm sau nó vẫn phải đi… “trại” ấy mà.

Thưa quý độc giả. Có ai đọc những dòng trên mà không nghi ngờ về tính xác thực của các cuộc đối thoại đau đớn, chua xót và vô trách nhiệm kể trên của đồng chí cán bộ cơ sở trong ứng xử với người từng trót nghiện ma túy và thân nhân của họ không? Xin thưa, đó là những gì chúng tôi ghi âm, ghi hình, trong các cuộc phỏng vấn chính thức, tại trụ sở của các cán bộ có trách nhiệm.

Với cung cách quản lý cẩu thả và coi thường “đối tượng” như thế, thì thử hỏi làm sao tránh được oan ức cho những người không nghiện mà bị bắt/ cưỡng chế đi cai ở trại cai nghiện?

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Lao Động tại trụ sở Công an thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên), đồng chí Trưởng Công an Vũ Văn Thuấn đã nói như vậy. Theo điều tra của chúng tôi, câu nói rất đời thường này đã phản ánh rất đúng bản chất vấn đề, bản chất của quy trình và thái độ của không ít cán bộ khi “bắt” người đi cai nghiện. Bắt - đôi khi như bắt gà từ chuồng nọ sang chuồng kia thôi.
Chị Đinh Thị Giang - vợ anh Trung - vô cùng bức xúc.
Bà Diệu - mẹ Phạm Đức Trung - đi kiện khắp nơi vì cho rằng con mình không nghiện ma túy mà bị bắt đi cai 1 năm.

Anh Thuấn giải thích rất từ tốn: Chúng tôi đưa anh Trung (đối tượng từng nghiện ma túy, người được gia đình, lãnh đạo thôn có đơn xác nhận đã cai nghiện thành công suốt 7 năm qua, nay bỗng bị cưỡng chế đi “quản thúc” ở trại cai nghiện 1 năm, gia đình đang khiếu kiện khắp nơi) vào trại cai nghiện là theo quyết định của UBND huyện Đồng Hỷ, do đồng chí Chủ tịch đã ký từ trước đó. Chúng tôi chỉ biết chấp hành.

 

Mời anh Trung lên và… đưa vào. Cùng ngày, trao đổi với PV Lao Động, bà Nguyễn Thị Hằng - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thái Nguyên - cũng rành mạch lắm: Bên công an đưa đối tượng vào và chúng tôi quản lý, cắt cơn, giáo dục, bắt lao động, hết thời hạn của quyết định kể trên thì đưa đối tượng… ra ngoài. Cái chuyện “bắt oan” không liên quan gì đến ngành LĐTBXH ư?

 

Quay về với Công an Sông Cầu. Khi được hỏi: Anh có biết đối tượng Trung còn nghiện hay đã hết nghiện không, các anh có xét nghiệm nước tiểu hay làm gì đó để chứng minh anh ta còn nghiện ma túy ở thời điểm bị “bắt” đi cai không(?), Trưởng công an Thuấn ba lần lảng tránh: Cái hồ sơ đó do anh Trường - cán bộ làm về đối tượng nghiện của công an thị trấn chúng tôi - đang giữ, anh ấy có vợ bị ung thư đang xin nghỉ, tôi không có chìa khóa tủ hồ sơ.

 

Đến khi chúng tôi khẳng định: Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Lao động xã hội tỉnh Thái Nguyên - ông Lê Đức Hùng - đã cho biết, khi vào trại, anh Trung đã được thử và cho kết quả âm tính (không nghiện) với ma túy. Gia đình còn giữ được cuống giấy xét nghiệm (sau khi nộp cho cán bộ) ở Trung tâm Y tế huyện, nói rằng anh Trung âm tính với ma túy… - thì bấy giờ ông Thuấn mới thú nhận: Ông trực tiếp bảo anh Trung lên xã rồi đưa thẳng vào trung tâm, không xét nghiệm gì cả.

 

Quan điểm của ông Thuấn rất thẳng thắn: UBND huyện, đồng chí Chủ tịch đã ký quyết định đưa Trung đi cai nghiện bắt buộc thì dĩ nhiên công an sẽ đưa Trung vào trại. “Lệnh” (quyết định) này “treo” từ lâu, sớm muộn Trung cũng phải “trả lệnh”, dù không đi năm nay thì 1.000 năm nữa cũng vẫn cứ phải đi!

 

Mà trước đó anh Trung bị gọi lên, anh ta đã trình bày rất nhiều rằng mình đã cai nghiện, anh còn van xin được hoãn thi hành quyết định 1 năm rồi, hoãn đến năm 2013 thì phải đi thôi. Ông Thuấn cũng không quên tiết lộ, nhiều cán bộ có chức vụ tương tự ông Thuấn trong loạt phóng sự này cũng tiết lộ như vầy: Cấp trên giao “chỉ tiêu” rồi, thị trấn có 32 đối tượng nghiện có hồ sơ, thì mỗi năm phải có ít nhất 4 “thằng” đi vào trại để cai, năm 2013 thị trấn Sông Cầu chúng tôi “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” với 7 đối tượng đi cai bắt buộc, thêm Trung nó trả “lệnh” chưa kịp thi hành từ trước nữa là… 8 “suất”.

 

Có phải, vì sự tắc trách, vì sự coi nỗi đau của bà con mình như rơm như rác mà ai đó đã vô tình hay hữu ý đưa cả những người dũng cảm, đã thành công trong cai nghiện, được cả cộng đồng kính trọng rồi… tiếp tục vào trại cai ma túy không? Thật kinh khủng! Và, đáng sợ hơn: Trung không phải là trường hợp duy nhất đã đủ tài liệu chứng minh cơ quan chức năng “bắt nhầm người”.

 

Vợ vay lãi ngày lấy tiền nuôi chồng không nghiện đi… cai

 

Mọi chuyện bắt đầu từ việc người viết bài này hiệu chỉnh cho một cuốn sách có tên là “Nẻo về” của NXB CAND (cuối năm 2013), viết về một người nghiện ma túy với những lầm lạc, tội ác khủng khiếp, giờ đã cai thành công, đã trở thành đảng viên, là người giàu có và khá nổi tiếng.

 

NXB đã in sách với số lượng khổng lồ đi phát không cho học viên ở các trại cai nghiện ma túy trên cả nước, với mong muốn ai đó sẽ noi gương người hoàn lương kia, muốn xã hội có cái nhìn cảm thông hơn chứ đừng chỉ chăm chắm nghi ngờ và miệt thị kiểu “chớ nghe cave kể chuyện, chớ nghe con nghiện trình bày”.
 
Chị Đinh Thị Giang - vợ anh Trung - vô cùng bức xúc.
Đơn kêu cứu, kiến nghị của gia đình Phạm Đức Trung gửi lên thị trấn, huyện, tỉnh, trung tâm cai nghiện và các nhà báo. 

 

Trước hàng nghìn học viên, sau đêm giao lưu ở trại cai nghiện tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi đã đắng lòng phải tiếp ít nhất 3 học viên “lạ”, họ đều khiến cả nhóm nhà báo thảng thốt. Các “chàng nghiện” ấy đều van vỉ, khóc lóc khi tố cáo rằng: Họ đã cai nghiện ma túy thành công từ nhiều năm nay, tốn vài chục đến vài trăm triệu đồng, họ đang làm ăn khấm khá, có khi tiền công trình xây dựng mà họ làm chủ lên đến cả trăm triệu đồng chưa quyết toán được, mẹ già, vợ trẻ con thơ như rắn mất đầu khi bỗng dưng họ bị tóm vào bắt cai nghiện với “mức án” 1 năm.

 

Nếu họ nghiện ma túy mà bị bắt đi cai thì không nói làm gì. Đằng này như anh Trung đã cai được 7 năm rồi, đi làm ăn khấm khá, đại gia đình chứng nhận, hàng xóm, cả trưởng xóm chứng nhận, có phiếu xét nghiệm âm tính với ma túy hẳn hoi. Bố mẹ, vợ con họ, hàng xóm, trưởng thôn của họ thích thú gì khi giữ một đối tượng nghiện ở bên cạnh mình để cho nó phá phách? Nếu anh Trung nghiện, thì không bao giờ họ viết đơn cùng ký xác nhận, cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật, là: Anh Trung đã hết nghiện từ lâu.

 

Bản thân anh Nam (một đối tượng khác ở Phú Lương, đang làm đơn kêu gào khắp nơi vì “bỗng dưng” bị bắt đi cai) là chủ một lò gạch mấy chục công nhân, làm ăn tấn tới, việc cai nghiện thành công của anh ta có cả lãnh đạo xã đến nhà xem, cả cán bộ Sở LĐTBXH Thái Nguyên, cả chuyên gia ở Hà Nội về tặng quà, ghi nhận… Có hay không việc bắt nhầm, việc tống người không nghiện vào trại cai ma túy?

 

Nếu không thả bố nó về, tôi sẽ đem các cháu vào nhờ trại cai nghiện nuôi giúp

 

PV Lao Động đã đi các huyện của Thái Nguyên để điều tra về từng trường hợp cụ thể. Trong một xóm nhỏ xa xôi, đường vào cực kỳ hiểm trở của huyện Đồng Hỷ, gia đình và hàng xóm nhà anh Phạm Đức Trung (SN 1970) chờ chúng tôi từ sáng sớm. Đường xấu, nên chị Đinh Thị Giang - vợ anh Trung - dắt cả mẹ già ngoài 70 tuổi và con nhỏ, đi bộ vài cây số, ra tận ngoài chợ ven tỉnh lộ chờ để “dẫn đoàn”.
Xác nhận của trưởng xóm Làng Cháy là Phạm Đức Trung đã hết nghiện.
Xác nhận của trưởng xóm Làng Cháy là Phạm Đức Trung đã hết nghiện.
 

Trung nghiện ma túy từ năm 2000. Mẹ Trung là bà Nguyễn Thị Diệu, ngoài 70 tuổi, hai vợ chồng bà đều là những cựu binh có uy tín ở địa phương, đang vui vầy hạnh phúc thì Trung bị rủ rê nghiện ma túy. Trung bán của bà hết đồ đạc, bòn bán đến cả từ cái gầu múc nước, cái dây xích con chó, cái lồng nhốt gà, cả cái bát, đôi đũa… Nhìn thấy Trung là thấy hắn đòi tiền… nên bà đau đớn lắm.

 

Bà cùng mấy đứa con trai cầm xích sắt, dây chão vây bắt rồi dựng lều riêng, tìm mọi cách nhốt Trung lại để cai nghiện, với suy nghĩ, một là Trung chết đi cho rảnh, hai là nó bỏ được ma túy để khỏi làm khổ gia đình, khổ cả vợ và đàn con nheo nhóc của nó. Anh Trung không bỏ trốn, chìa hai bàn tay ra cho mẹ trói lại, anh bảo: Con sẽ về bên nhà với bố mẹ để cai.

 

Sau thời gian cai tại gia thành công, gia đình đưa Trung vào miền Nam làm ăn, tách khỏi sới nghiện đáng sợ ở vùng thị trấn Sông Cầu. Đến năm 2005, Trung hết nghiện hoàn toàn, anh về nhà, chăm chỉ đi chặt củi trên rừng, đi bơm thuốc sâu thuê, đi làm thợ xây rồi làm chủ thầu, có tiền cho mẹ xây nhà, mua xe máy, nuôi đàn con ăn học tử tế.

 

Ông Đặng Hồng Xuân - trưởng xóm Làng Cháy, xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ, nơi gia đình nhốt Trung vài năm để cai nghiện - xác nhận trong đơn rất rõ ràng: Trung đã được cai tại nhà và đã hết nghiện ma túy. Bà Bùi Thị Hiền - trưởng xóm nơi Trung sinh sống hiện nay - cũng xác nhận: Đến năm 2012, gia đình anh Trung đã thoát nghèo. Nếu không hết nghiện, không cùng bạn bè đi nhận công trình, nuôi vợ và đàn con đông đảo thế, thì thử hỏi có “con nghiện” nào giúp gia đình thoát khỏi danh sách hộ nghèo được không?

 

Ông Dương Công Dụng - một cựu cán bộ Ty (Sở) lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái cũ, sống sát vách nhà Trung, thường có mặt ở nhà Trung để đánh cờ và uống trà với bố Trung - xác nhận: Trung khỏe mạnh, hiền lành, hết nghiện từ lâu. Không thể vô nguyên tắc đưa người cai nghiện thành công “đi trại” như hiện nay. Lẽ ra thấy anh và gia đình công phu cai ma túy được, cán bộ phải đến động viên, thậm chí cấp tiền cho họ gây dựng phong trào, tuyên dương điển hình chứ?

 

Đằng này đùng đùng bắt người đi cai, không cần xét nghiệm xem có còn nghiện không, không cần “tuyên bố lý do” với gia đình. Mẹ và vợ anh Trung cùng viết đơn gửi khắp nơi, rồi tố cáo với PV như sau: Khi nghe sắp có lệnh gọi mình đi cai, để “văn bản hóa” việc mình đã hết nghiện từ lẩu lâu, anh Trung đã cùng gia đình lên huyện, vào trung tâm y tế làm xét nghiệm, có văn bản âm tính với ma túy để chứng minh là mình đã cai thành công (từ 7 năm trước).

 

Nhưng công an vẫn gọi Trung lên. Trung bảo: Thằng nghiện thật nó trốn hết rồi, Trung không nghiện việc gì mà trốn. Trung lên, công an thị trấn bảo, tôi đưa anh đi xét nghiệm, nếu hết nghiện rồi thì chẳng ai bắt anh đi cai làm gì, anh sẽ được thả về. Trung rất quân tử (khi xác nhận với chúng tôi, Trưởng Công an Vũ Văn Thuấn cũng phải dùng từ “quân tử” để nói về thái độ của Trung), anh ta sẵn sàng đi.

 

Ai ngờ, cán bộ không đưa Trung đi xét nghiệm mà “lừa” đưa thẳng vào trại cai nghiện, giữ luôn ở đó hơn 8 tháng qua! Một công an thị trấn Sông Cầu am hiểu vụ việc, tiết lộ: Trung đã từng đề nghị cho ra khỏi danh sách người nghiện, hồ sơ nghiện của Trung có từ lâu, cơ sở từng đề nghị với huyện không ra quyết định đưa Trung đi cai nghiện nữa, nhưng “nhiều người” không chịu nghe. Và việc Trung bị “bắt” đi, chính ông công an này cũng bất ngờ và… lấy làm tiếc. Ông cho rằng, cái “chỉ tiêu” đưa người đi cai nghiện đã là nguyên nhân gây ra tình trạng đáng sợ này.

 

Vợ anh Trung kể: “Chồng tôi đi khỏi nhà, đi mấy ngày không thấy về. Đến lúc lên Công an thị trấn gặp anh Thuấn (Trưởng CA) thì anh ấy bảo đưa đi cai rồi. Chúng tôi không được nhận bất cứ thông báo nào tính đến… giờ phút nói chuyện với nhà báo này”.

 

Chị Giang đưa ra những chi tiết thuyết phục: Anh Trung đưa toàn bộ tiền cho tôi giữ, anh đi làm công trình, tôi đi cùng cả ngày, tôi nấu cơm cho anh và hiệp thợ ăn, tối nào cũng… ngủ cùng nhau, anh ấy nghiện tôi phải biết chứ. Không có tiền thì hút vào đâu? Người xung quanh, các bạn thợ xây của anh Trung cũng kéo đến nói: Tôi sống với bọn nghiện nhiều, đã chơi ma túy thì không dùng rượu, bữa nào cũng dùng rượu thay nước như Trung, trong cốp xe luôn có chai rượu như Trung, không thể là người nghiện.

 

Bà Diệu tiếp: “Tôi đi xuống công an thị trấn hỏi, thì anh Thuấn bảo, con bà nghiện thì cũng đi cai 1 năm rồi về, không nghiện thì cũng… cứ đi 1 năm. Tôi buồn quá, ức quá, lên huyện hỏi, vào trại cai nghiện hỏi, đến tận nhà cán bộ hỏi, bây giờ tôi vẫn giữ số điện thoại từng cán bộ. Anh Giám đốc (tên là Hùng), anh Trưởng phòng bảo vệ, anh trưởng phòng giáo dục quản lý của trại, tôi đều đã gặp, có người tôi đến tận nhà riêng hỏi, họ đều công nhận con tôi vào trại, đem xét nghiệm lúc đầu và cả thời điểm gần đây, đều là âm tính với ma túy.

 

Các anh vào trại gặp nó rồi, chắc nó cũng kể như thế, như anh vừa nói, Giám đốc Hùng cũng thừa nhận với anh như thế, đúng không? Ông Hùng còn bảo tôi về gặp Trưởng Công an thị trấn, xin xác nhận con tôi hết nghiện gửi vào trại thì ông ấy cho con tôi được về. Nhưng tôi về gặp anh Thuấn, anh ấy bảo xin xác nhận của xã bên kia (nơi tôi tổ chức cai cho con) rồi chỉ lên cấp trên, rồi chỉ về gặp Chủ tịch thị trấn Sông Cầu…

 

Tôi đi vòng quanh mãi không ai ký cho. Vợ Trung lên tìm thì 10 lần cán bộ đều bảo bận họp, đi vắng. Tóm lại là con tôi vẫn cứ ở trong Trại cai nghiện một cách oan uống suốt 8 tháng qua. Anh có hiểu tâm trạng của một người đã đối mặt với thần chết để tự cai được ma túy đã 7 năm, đang làm ăn, đang hạnh phúc, mà bỗng dưng bị nhét vào Trại cai nghiện sống với toàn người nghiện suốt 1 năm trời, bỏ vợ trẻ con thơ, bỏ công trình mà mình đang làm chủ cai thầu… ở ngoài đời không? Mỗi tháng, gia đình tôi chỉ được thăm cháu 1 lần vào ngày 15. Vợ nó phải đi vay nặng lãi, vay lãi ngày để có tiền tiếp tế cho chồng…”.

 

Không biết có phải vì biết rõ cái sai, cái cẩu thả, cái vi phạm nguyên tắc của mình không, nhưng khi bà Diệu và PV Lao Động cùng tìm cách tiếp cận hồ sơ để đưa anh Trung vào trại cai nghiện thì đều bị chối quanh. Họ từ chối với lý do không thể chấp nhận được, ví như, người quản lý cao nhất của cơ quan gãi đầu gãi tai: Không biết, không có chìa khóa mở tủ. Bà Diệu đi xin chữ ký thì không ai cho cả.

 

Khi nhà báo đến can thiệp, thì Trưởng Công an Sông Cầu cũng chỉ chứng nhận vào đơn kêu oan của bà Diệu và gia đình là: Chứng nhận Phạm Đức Trung có… hộ khẩu tại thị trấn Sông Cầu là đúng! Ông Thuấn cho chúng tôi xem một loạt các hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện ở thị trấn rồi cất vào tủ, trong khi, chúng tôi đòi hồ sơ của anh Trung thì ông Thuấn bảo: Người khác giữ hồ sơ đó, anh ta đang đi vắng.

 

Khi chúng tôi gặp đúng đồng chí “đi vắng” kia, thì đồng chí bảo, tôi bàn giao chìa khóa từ lâu, hồ sơ anh Thuấn giữ chứ? Quá bức xúc, bà Diệu quyết định: Con bà âm tính với ma túy ở tất cả các lần thử, nó cai được từ lâu rồi, cả cán bộ lẫn bà con đều chứng nhận. Và, nếu như, nốt tháng 1.2014 này mà cơ quan chức năng không thả con bà về, thì bà sẽ đem đàn con của Trung (cháu nội bà) lên giao cho Trung tâm cai nghiện nhờ nuôi hộ.

 

Vợ Trung đi vay lãi ngày tiếp tế cho Trung với giá 1 triệu đồng vay thì mỗi ngày trả 5.000 đồng tiền lãi; chứ mỗi tháng được gặp gia đình duy nhất 1 lần thì họ sắp phải bán nhà cửa ruộng vườn đi rồi. Chúng tôi cùng bà Diệu lên UBND thị trấn Sông Cầu tiếp tục tìm xin dấu chứng nhận, tiếp tục tìm bằng cớ về việc Trung có nghiện hay đã cai thành công từ lâu, nhưng không một ai trả lời thỏa đáng.

 

Bà Diệu khóc: “Chúng tôi cả đời tử tế, ai lại muốn giữ thằng nghiện trong nhà làm gì, để nó nhây nghiện ra 3 thằng con trai còn lại của tôi. Nếu nó nghiện, bán nhà cho nó đi cai tôi cũng phải bán. Nhà nước cho con tôi đi cai, tôi phải cảm ơn chứ. Đằng này nó hết nghiện đã 7 năm, sao nỡ nhốt con tôi như cầm tù với các con nghiện khác suốt 1 năm?”.

 

Tiếng khóc của bà Diệu, của vợ Trung rấm rứt theo sau chúng tôi khi luồn lỏi ra khỏi những con đường bé bằng bụng ngựa toàn gai tre nhọn hoắt thò ra từ các bờ rào của bát ngát nương chè xứ Thái. Phải rồi, Trung ở Trại đã 8 tháng, ở thêm 4 tháng nữa cũng chả đau đớn thêm nhiều lắm, đằng nào thì cũng buồn đau hết cỡ rồi, cũng sẽ được “phóng thích” vào tháng 4 năm 2014 thôi, nhưng: cái đau đớn trên hết thảy vẫn là lối ứng xử tàn ác với một con người đã nỗ lực để hoàn lương thật sự như Trung, cũng như sự tử tế của gia đình và xóm mạc nơi Trung sinh sống.

 

Sao nỡ vì mục đích đạt “chỉ tiêu” đưa người đi cai mà bắt người hết nghiện phải “nhập trại” vô lý đến nhường ấy? Sao người âm tính với ma túy rồi mà vẫn không thể tìm được đường ra với Đời Hoàn Lương? Sao những bức xúc chính đáng của người dân suốt bao tháng ngày qua lại không được giải thích thỏa đáng và kịp thời? Tại sao cái hồ sơ đưa người đi cai nghiện mà gia đình làm đơn, nhà báo lăn xả vào xin, chạy vạy khắp các cấp, các ngành không ai “tiết lộ cho xem” được một lần?

 

Những khuất tất của các bộ hồ sơ đưa người vào “trại” này, sẽ được chúng tôi đưa ra ánh sáng ở bài viết sau.

 

Theo Đỗ Doãn Hoàng

Lao Động