Trên 4.000 nội dung phản ánh về quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, rà soát văn bản cần bám sát các tiêu chí xác định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn để có điều chỉnh đồng bộ, thống nhất.
Tại cuộc họp Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật vừa diễn ra, ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, đến nay đã tiếp nhận hàng trăm văn bản của các hội, hiệp hội, các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong toàn quốc gửi đến với trên 4.000 nội dung kiến nghị, phản ánh.
“Qua đó cho thấy, các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan, tổ chức đã đặt nhiều hy vọng vào hoạt động rà soát, phát hiện các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở sự phát triển để có biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, kinh doanh”- ông Ba nói.
Hiện nay, kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật chia theo các nhóm đang được Bộ Tư pháp tổng hợp để báo cáo Chính phủ. Tại mỗi phần sẽ tập trung nêu và phân tích, đánh giá về: phạm vi rà soát và tổng số văn bản được rà soát; đánh giá khái quát về lĩnh vực pháp luật thuộc chuyên đề và những hạn chế, bất cập; kiến nghị, đề xuất.
Đơn cử như các quy định về điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và hợp tác xã) đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, qua rà soát đã phát hiện 92 văn bản cần được sửa đổi, bổ sung, trong đó, có 62 văn bản có quy định mâu thuẫn, chồng chéo và 58 văn bản có quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn.
Những quy định chồng chéo tập trung ở các nhóm vấn đề: Ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện cùng điều chỉnh về chủ thể kinh doanh nhưng lại đang quy định khác nhau; Chính sách bình đẳng giữa hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động kinh doanh; Điều kiện kinh doanh trùng lặp, chồng lấn về quản lý giữa hai ngành nghề; Thủ tục gia nhập thị trường,…
Hay như một số quy định pháp luật về đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản còn bất cập, thiếu thống nhất, còn có sự chồng chéo và mâu thuẫn. Trong đó, cơ bản là những bất cập, thiếu thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật về đất đai với pháp luật về xây dựng, kinh doanh bất động sản, đầu tư; giữa pháp luật về bảo vệ môi trường với pháp luật về đầu tư, xây dựng,...
Qua rà soát đã có 40 văn bản có nội dung chưa thống nhất, đồng bộ, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp, trong đó: 9 Luật có nội dung chưa thống nhất, đồng bộ, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập với các Luật khác (trong đó có 3 Luật là văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập với các Luật thuộc lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản);
14 Nghị định có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp với văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn; 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập với văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn; 12 Thông tư có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập với các văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn,…
Bám sát các tiêu chí xác định mâu thuẫn, chồng chéo
Tại cuộc họp, các thành viên của Tổ công tác đã tập trung trao đổi về một số nội dung dự thảo báo cáo của Chính phủ kết quả rà soát; nội dung các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn. Nhiều ý kiến cũng đưa ra phương án xử lý đối với các kiến nghị còn chung chung, chưa rõ ràng, chưa cụ thể, không phân tích lý do đề xuất hoặc phân tích còn sơ sài, chưa thuyết phục, chưa kiến nghị cụ thể hình thức xử lý.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, đề nghị các nhóm rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo chuyên đề, lĩnh vực chuyên sâu cần nhanh chóng gửi báo cáo để Tổ công tác tiến hành tổng hợp chung báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ông Long yêu cầu các thành viên phát huy tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ được giao. Đồng thời nhấn mạnh, việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật cần bám sát các tiêu chí xác định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, từ đó có điều chỉnh để quy định của pháp luật đồng bộ, thống nhất và khả thi.